* Ông đánh giá thế nào về vị trí thứ ba toàn đoàn với 73 HCV của thể thao VN?
- Nhìn chung, đoàn thể thao VN đã hoàn thành nhiệm vụ khi vượt chỉ tiêu 70 HCV. Đây là kỳ SEA Games có quá nhiều áp lực.
* Đó là những áp lực gì, thưa ông?
- Chúng ta gặp khó vì áp lực thành tích của chủ nhà Myanmar. Đó là điều được dự liệu khi Myanmar hạn chế nhiều nội dung thế mạnh của các nước khác và đưa vào thi đấu nhiều nội dung cảm tính như các nội dung thi quyền của wushu, karatedo, judo...
* Thể thao VN sẽ làm gì để SEA Games tương lai không bị chủ nhà thâu tóm huy chương như hiện nay?
- Những ngày qua, giới truyền thông VN và các nước đều đề cập chuyện Myanmar nỗ lực thâu tóm huy chương bằng nhiều cách, kể cả chuyện trọng tài. Đoàn VN đã có kiến nghị và sẽ đấu tranh để đưa nhiều môn thể thao Olympic, nhiều nội dung thi đấu Olympic hơn vào các kỳ SEA Games tới. Các môn thể thao này phải thể hiện được thế mạnh các nước ASEAN và tạo bệ phóng cho VĐV các nước ASEAN vươn đến thành tích châu lục.
Đồng thời, chúng ta phải hạn chế áp lực thành tích của các nước chủ nhà. Nếu để chủ nhà “chạy đua” thành tích như hiện nay thì thành tích đó chỉ mang tính “hữu nghị và thân thiện” chứ không phản ánh thực lực thể thao của quốc gia đó. Ở SEA Games 2015, Singapore hứa sẽ đưa trở lại nhiều môn thể thao Olympic bị Myanmar gạt khỏi SEA Games 2013 nên nhận được nhiều sự ủng hộ của các nước.
* Với thể thao VN, chúng ta được gì tại SEA Games 2013?
- Đạt chỉ tiêu huy chương nhưng chúng ta vẫn có một số đội tuyển chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điền kinh (môn Olympic) chỉ mới dừng ở mức đạt chỉ tiêu chứ chưa thật tốt. Chúng ta mất nhiều huy chương ở những nội dung thế mạnh trước đây, thể hiện qua việc rất ít VĐV điền kinh VN bảo vệ được HCV từ SEA Games 2011.
Bơi lội có khả quan khi ngoài Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Quý Phước đã giới thiệu được nhiều gương mặt trẻ như Lâm Quang Nhật, Trần Duy Khôi... và một số VĐV trẻ khác chưa có huy chương nhưng bộc lộ được triển vọng. SEA Games 2013 là thước đo để chúng ta đánh giá nhiều VĐV trẻ cho tương lai. Đồng thời, cần tính toán lại chuyện đầu tư trọng điểm từ môn thể thao đến HLV, VĐV và cả nơi tập luyện sao cho phù hợp nhất.
[box]Chia tay Myanmar, hướng đến Singapore
Đêm 22-12, lễ bế mạc SEA Games 2013 đã diễn ra rực rỡ và hoành tráng tại khu liên hợp thể thao Wunna Theikdi (Nay Pyi taw) với nhiều tiết mục mang đậm màu sắc văn hóa Myanmar và các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, chi phí để tổ chức buổi lễ này lại hơi “đắt” khi tốn khoảng 30 triệu USD.B.N.[/box]
[box]VN xếp thứ 3 toàn đoàn tại SEA Games 27
Ngày 22-12, những cuộc tranh tài sôi nổi của Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 27 diễn ra tại Myanmar đã chính thức khép lại.
Theo đó, đoàn thể thao Việt Nam đoạt 73 HCV, 86 HCB và 86 HCĐ, xếp thứ 3 toàn đoàn (sau Thái Lan 107 HCV và chủ nhà Myanmar 86 HCV). Với kết quả này, đoàn thể thao VN đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra trước khi lên đường dự SEA Games 27.
Trong 73 HCV các VĐV mang về cho thể thao VN, điền kinh và vật cùng đóng góp 10 HCV. Bên cạnh đó, các môn như bắn súng (7 HCV), vovinam (6 HCV); taekwondo, wushu, bơi lội (5 HCV); judo, karatedo, kempo và pencak silat (3 HCV); bắn cung, cờ vua, boxing, muay (2 HCV)... cũng đóng góp không nhỏ vào bảng thành tích chung của đoàn thể thao VN tại SEA Games.H.D.[/box]
[box]Như hiện nay, SEA Games khó giúp phát triển thể thao Đông Nam Á
Phóng viên Kanesen Saudian (báo The Star, Malaysia) từng nhiều lần tác nghiệp SEA Games, Asiad... nhìn nhận: “Myanmar tổ chức rất tốt kỳ SEA Games này so với khả năng của họ. Nhưng trọng tài SEA Games 2013 thì rất tệ. Tôi chứng kiến rất nhiều VĐV đã khóc, giọt nước mắt uất ức vì những quyết định khó hiểu của trọng tài ở những môn như muay, wushu, boxing, karatedo... Đa số các quyết định này đều có lợi cho VĐV Myanmar, thể hiện rõ tham vọng thâu tóm huy chương!
Trước đại hội, các nước chủ nhà luôn hứa sẽ công tâm nhưng rồi đâu lại vào đấy. SEA Games khó giúp phát triển thể thao Đông Nam Á với cách làm như hiện nay. Lấy Asiad làm ví dụ, đó là đấu trường khác hẳn SEA Games. Asiad chủ yếu thi đấu những môn Olympic và đó mới là cách tốt cho sự phát triển thể thao”.
Còn theo ông John Ying Jun Yeong - quan sát viên của Ủy ban Olympic Singapore: “SEA Games là thế, chủ nhà nào cũng giống nhau và vấn đề là họ có thể hiện áp lực thành tích lộ liễu hay không mà thôi. Theo tôi, chúng ta cần phải nâng chất SEA Games đến gần với châu lục và thế giới hơn. Muốn vậy, chúng ta cần quy định số lượng môn Olympic bắt buộc phải tổ chức thi đấu nhiều hơn và đội ngũ trọng tài phải công tâm hơn. SEA Games 28 do Singapore tổ chức dự kiến sẽ có khoảng 35 môn và nhiều môn Olympic sẽ trở lại danh sách thi đấu”.[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận