29/08/2019 14:53 GMT+7

Sẽ đánh giá mức độ an toàn trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua Zalo

B.NGỌC
B.NGỌC

TTO - Bộ Thông tin - truyền thông sẽ đánh giá lại các yếu tố an ninh, an toàn khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua Zalo.

Sẽ đánh giá mức độ an toàn trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua Zalo - Ảnh 1.

Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: TT

Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh nội dung này tại cuộc họp giữa Tổ công tác của Thủ tướng với 8 tỉnh, thành phố phía bắc về tình hình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính, tổ chức sáng 29-8 tại Hà Nội.

Trước đó, bà Nguyễn Thị Thu Hà - phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - đã đề cập việc thực hiện dịch vụ hành chính công trên ứng dụng Zalo trên nền tảng internet.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng thời gian qua trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Trị đã thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính công trên ứng dụng Zalo trên nền tảng internet, điều này cho phép người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mọi lúc, mọi nơi.

"Đề xuất này thời gian tới cũng phải xem xét lại, Bộ Thông tin - truyền thông sẽ đánh giá lại các yếu tố an ninh, an toàn khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua ứng dụng Zalo", ông Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc xây dựng chính quyền điện tử nên tiếp cận trên cơ sở cải cách hành chính để dẫn dắt, công nghệ thông tin chỉ là phương tiện phục vụ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định chỉ cán bộ, công chức cơ quan nhà nước hiểu về thủ tục hành chính mới có thể tiến hành cải cách, các kỹ sư công nghệ thông tin không thực hiện được. Đương nhiên vẫn cần phải có cán bộ công nghệ thông tin để phục vụ cho cải cách đó.

Đồng bộ hạ tầng là cần thiết, các địa phương hoàn toàn có thể thuê dịch vụ bên ngoài để xây dựng chính quyền điện tử.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết trong xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua, Văn phòng Chính phủ không có cán bộ công nghệ thông tin nhưng vẫn làm được. Các dịch vụ công nghệ đều thuê của VPNT, không dính dáng gì đến đầu tư công.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình, muốn vận hành chính quyền điện tử thông thoáng phải tập huấn, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp.

"Họ không tin thì họ không dùng dịch vụ công trực tuyến, bởi gặp trực tiếp cán bộ, công chức còn thấy khó khăn thì sao dám gửi hồ sơ thủ tục lên mạng để ngồi chờ kết quả", ông Bình nói.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tiến Nhường cũng cho biết tỉnh rất quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử nhưng nhận thức lãnh đạo các sở, ngành chưa thay đổi, có lãnh đạo sở gửi văn bản, giấy mời trên hệ thống trước cả tuần nhưng đến họp vẫn nói không nhận được báo cáo.

Đại diện một số địa phương cũng kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng cần đồng bộ hạ tầng công nghệ, quy định rõ chức năng, cơ cấu của trung tâm hành chính công để có cán bộ chuyên trách làm việc tại trung tâm hành chính công tập trung.

Thời gian qua, Chính phủ đã đặt ra các tiêu chí cơ bản của trung tâm hành chính công cấp tỉnh phải thực hiện 60% hồ sơ thủ tục hành chính cấp độ 3, cấp độ 4, với trung tâm hành chính công cấp huyện phải thực hiện 80% thủ tục hành chính công trực tuyến ở cấp độ 3, cấp độ 4.


B.NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên