16/01/2021 06:59 GMT+7

Sẽ dán tem cho 'đào rừng' trồng?

CHÍ TUỆ - VŨ TUẤN
CHÍ TUỆ - VŨ TUẤN

TTO - Nhiều địa phương miền núi phía Bắc đang đề xuất cho dán tem để truy xuất nguồn gốc với cây đào, vừa nhằm ngăn chặn việc khai thác đào rừng để chơi kiểng, vừa hỗ trợ người dân tiêu thụ cây đào được trồng trên đất nông nghiệp.

Sẽ dán tem cho đào rừng trồng? - Ảnh 1.

Chị Tặng Thị Đàn (ở xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, Sơn La) - chủ vườn đào 400 gốc - cho biết thương lái vừa rút lại tiền cọc do lo ngại việc vận chuyển đào gặp khó khăn - Ảnh: V.TUẤN

Theo các địa phương, sau khi Thủ tướng chỉ đạo "các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi chơi tết" (ngày 24-12-2020), hoạt động kinh doanh đào kiểng tết, trong đó có đào được người dân vùng núi phía Bắc trồng để phục vụ nhu cầu chơi đào tết của người miền xuôi, đã bị ngưng trệ do không thể phân biệt đâu là đào rừng và đâu là đào trồng.

Tại Lào Cai hiện không có đào rừng, những cành đào mà người dân vùng cao mang xuống phố bán đều là đào được trồng trong vườn. Đào không được tính là cây lâm nghiệp, nhưng được địa phương khuyến khích người dân trồng vì mang lại giá trị kinh tế.

Ông Tô Mạnh Tiến (phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai)

Thương lái đòi lại tiền cọc đặt mua đào trồng

Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Láo Lở - chủ tịch UBND xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa, Lào Cai) - cho biết chỉ riêng xã này có hơn 200 hộ dân trồng đào trên đất nương, đồi và vườn nhà để bán cành cho dân chơi đào tết. Hộ nào trồng ít cũng vài chục cây, hộ nhiều tới vài trăm cây, cá biệt có hộ trồng hàng nghìn cây đào. Trồng đào bán cành đã đem lại thu nhập cao cho người dân, có hộ thu nhập trên 400 triệu đồng/vụ tết.

Tuy nhiên, từ sau khi có lệnh cấm của Thủ tướng, hầu hết người dân đều không bán được cành đào nào do thương lái sợ bị cơ quan chức năng xử lý. "Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng sớm có cách tháo gỡ, giải quyết thuận lợi nhất để bà con có thu nhập từ bán đào" - ông Lở nói. Đồng thời cho biết nếu tính toàn thị xã Sa Pa, người dân đang trồng trên 100ha đào để bán cho miền xuôi.

Ông Đoàn Văn Niệm (phường Sa Pa) - chủ hơn 2ha đào vừa để bán quả vừa để tỉa cành bán dịp tết - cho biết gia đình ông đã trồng đào từ năm 1993 đến nay, với thu nhập từ bán cành đào lên tới 50 triệu đồng/năm. Theo ông Niệm, thời điểm này mọi năm thương lái đã đến đặt cọc hết rồi, nhưng năm nay chỉ đến xem và cho biết sẽ đặt mua nếu đào được Nhà nước "chứng thực". 

"Tôi mong các cơ quan ban ngành sớm có hướng dẫn như dán tem, chứng nhận đào nhà để thương lái đến mua, hoặc có người dân chơi đào để cắt bán, tăng thêm thu nhập cho gia đình" - ông Niệm nói.

Trong khi đó, theo chị Tặng Thị Đàn (ở xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, Sơn La), thương lái vừa rút lại tiền cọc đặt mua 400 gốc đào trong vườn nhà chị do lo ngại cơ quan chức năng xử lý khi đào được vận chuyển. "Các thương lái bảo phải chờ chính quyền cấp giấy chứng nhận là đào trồng mới mua. Nếu không, khi đào được chở ra đường sẽ bị cơ quan chức năng phạt vì nhầm là đào rừng" - chị Đàn nói.

Tương tự, anh Phạm Văn Quyết (xã Tân Lập) cho biết khách đã đặt 10 triệu đồng để mua số đào trong vườn nhà anh, chờ gần tết sẽ chở về Hà Nội tiêu thụ. Tuy nhiên, mấy tuần trước khách gọi điện xin lại tiền đặt cọc vì sợ không mang được đào về xuôi. "Tôi phải lên xã hỏi thủ tục cấp giấy chứng nhận là đào nhà trồng trên nương nhưng cán bộ xã cũng lúng túng vì chưa biết xử lý thế nào" - anh Quyết cho biết.

Sẽ dán tem cho đào rừng trồng? - Ảnh 3.

Ông Đặng Văn Minh (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, Sơn La) - chủ vườn 1.500 gốc đào trồng - lo việc tiêu thụ đào mùa tết này gặp khó - Ảnh: V.T.

Dán tem truy xuất nguồn gốc với đào trồng

Năm nào cũng vậy, anh Đỗ Văn Bảy (ở xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, Sơn La) đều lên tận vùng cao nguyên Xín Chải (huyện Tủa Chùa, Điện Biên) vào dịp trước tết "săn" cây đào đẹp do người dân trồng rải rác bên cạnh vườn, hoặc quanh những lán coi nương tít tắp trên núi để đưa về xuôi cung cấp cho cánh lái buôn Hải Phòng. 

Tuy nhiên, sau khi có lệnh cấm mới đây, anh Bảy rất lo số tiền đã đặt cọc 3-5 triệu đồng/gốc đào đẹp sẽ không lấy lại được, mà cũng không dám lấy đào mang về. 

"Nếu có giấy chứng nhận hoặc dán tem để chứng nhận là đào trồng, tôi sẵn sàng. Kể cả có mất thêm chi phí đưa cán bộ đi kiểm tra, dán tem tôi cũng vui vẻ" - anh Bảy nói.

Theo ông Vũ Thanh Hải - phó chủ tịch UBND huyện Vân Hồ (Sơn La), địa phương này có 500ha trồng cây đào bán dịp tết do đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn, phù hợp địa hình đất dốc, tập quán canh tác của người dân bản địa. Theo ông Hải, kết quả khảo sát cho thấy các xã Lóng Luông (Vân Hồ) không có đào rừng, mà chỉ có đào do dân trồng.

"Chúng tôi đề xuất dán tem xác minh nguồn gốc đối với đào trồng dựa trên số liệu thống kê diện tích, số lượng gốc đào trồng của các hộ dân và huyện phát ra số tem tương ứng" - ông Hải nói. Đồng thời cho biết UBND huyện Vân Hồ đã thiết kế hai mẫu tem, kích thước dài 15cm và 20cm, số lượng 11.000 tem để dán cho đào trồng của người dân.

Ông Hoàng Quốc Khánh - chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - cho biết địa phương này vừa báo cáo Thủ tướng về tình hình trồng, khai thác và thực hiện truy xuất nguồn gốc cho khoảng 5.000ha cây đào trồng trên địa bàn. 

Theo đó, Sơn La đề nghị Thủ tướng cho phép thực hiện việc truy xuất nguồn gốc với cây đào (xuất xứ cây đào, xác định vùng trồng...) nhằm tạo điều kiện cho người dân tiêu thụ sản phẩm đào trồng. 

"Cây đào là nguồn thu nhập của bà con dân tộc từ việc bán đào trong dịp Tết Nguyên đán. Các hộ trồng đào mong muốn cây đào trở thành hàng hóa để lưu thông trên thị trường thuận lợi" - ông Khánh cho biết.

Theo ông Đặng Văn Châu - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu, cơ quan này cũng đang xây dựng phương án chi tiết để trình UBND tỉnh phê duyệt phương án chứng nhận đào trồng nhằm tạo điều kiện cho người dân tiêu thụ đào trồng trong mùa tết này, đồng thời ngăn chặn hoạt động chặt phá đào rừng, cây rừng tự nhiên.

Ông Hà Công Tuấn (thứ trưởng Bộ NN&PTNT):

Không cấm khai thác đào do dân trồng

ongtuan1501 1(read-only)

Ông Hà Công Tuấn thăm một vườn đào của hộ dân ở Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa - Ảnh: Đ.HẢI

Việc ngăn chặn tình trạng chặt phá đào rừng, cây rừng để làm cây cảnh ngày tết là cần thiết nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên. Để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng chặt phá đào rừng mỗi dịp tết đến xuân về cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, quản lý thị trường, lực lượng công an... chứ không chỉ lực lượng kiểm lâm.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ không cấm khai thác cây đào hay một số loại cây cảnh khác do người dân trồng bởi những loại cây này đã trở thành hàng hóa, thành nguồn thu nhập của người dân. Qua khảo sát thực tế như ở Lào Cai cũng không còn đào trên rừng để chặt. Tuy nhiên cần phải kiểm soát, quản lý đào rừng, cây rừng tốt từ địa bàn, từ cơ sở... Về lâu dài, cây này có hiệu quả nếu trồng trên đất nông nghiệp, trồng ở vườn và có bàn tay của nghệ nhân chăm sóc sẽ có giá trị rất lớn.

Đề nghị Thủ tướng cho phép Đề nghị Thủ tướng cho phép 'dán tem' truy xuất nguồn gốc cây đào

TTO - Việc truy xuất nguồn gốc cho cây đào để xác định nguồn gốc, xuất xứ cây đào, xác định vùng trồng, xác định cây đào được trồng trên đất nông nghiệp, không phải là đào rừng tự nhiên.

CHÍ TUỆ - VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên