TTCT - Nhìn lại năm 2015, chúng ta không quên vụ tấn công khủng bố ở Paris. Nhưng theo tôi, Paris chỉ là một sự kiện rất nhỏ trong tổng thể khủng bố, bởi vì ít nhất 95% số người thiệt mạng vì khủng bố ngày hôm nay là ở Trung Ðông, Syria, Iraq, Pakistan, Afghanistan, Nigeria, chứ không phải ở châu Âu. Để nỗi sợ hãi không chiến thắng niềm vui sống... Biếm họa: politicalcartoons Nếu như tôi đứng ở vị trí của ông Houcine Abassi, đại diện “Bộ tứ đối thoại quốc gia” Tunisia khi nhận giải Nobel 2015, tôi sẽ không nói rằng “vấn đề lớn nhất mà chúng ta phải tập trung vào hiện nay là cuộc chiến chống khủng bố” và rồi chỉ nhắc đến mỗi Paris, mà tôi sẽ nói “xin cảm ơn, điều quan trọng là chúng ta chống khủng bố nhưng không dùng vũ trang mà bằng đàm phán và bằng cách nhận trách nhiệm với những gì chúng ta đã làm suốt 100 năm qua ở Trung Ðông”. Và chúng ta biết là nước Pháp, sau vụ thảm sát Paris, đã trả thù bằng cách ném bom ISIS. Có thể thấy cách phản ứng này tạo nên khủng bố nhiều hơn. Tôi xin đưa ra một vài số liệu về khủng bố: Vào thời điểm năm 1999-2000, trước vụ tấn công nước Mỹ 11-9, chúng ta có 400 người bị giết vì khủng bố trên toàn thế giới. Ngày hôm nay chúng ta có 32.000 người thiệt mạng vì khủng bố mỗi năm. Trong suốt 15 năm chống khủng bố vừa qua kể từ vụ 11-9, hậu quả của nó là chúng ta có gấp 80 lần tổng số người chết vì khủng bố trên thế giới. Không cần phải quá thông minh để nhận ra rằng chúng ta nên dừng lại. Và nạn khủng bố này không diễn ra ở châu Âu hay Mỹ, mà nó diễn ra hằng ngày ở Iraq, Syria, Afghanistan, Pakistan, Nigeria. Ðó mới là nơi người ta đổ máu, chiếm 98% thương vong, chứ không phải ở Paris, London hay Madrid. Nhưng chúng ta phản ứng rất dữ dội sau vụ tấn công Paris. Tôi không muốn người ta hiểu nhầm là tôi coi nhẹ việc 130 người bị giết ở Paris, điều đó thật sự kinh hoàng, nhưng đó là hậu quả của chính sách của chúng ta. Không phải tự nhiên nó diễn ra, mà có lý do đằng sau việc Trung Ðông ghét giới chức trách phương Tây. Và đây là cuộc đàm phán mà chúng ta cần nói tới, chúng ta phải đặt câu hỏi: tại sao người ta trở thành kẻ khủng bố? Chúng ta không thể đơn giản là giết những kẻ khủng bố, chúng ta phải hiểu tại sao. Nguyên do nào khiến một người trở thành kẻ khủng bố? Tôi nghĩ phần lớn nguyên do bắt nguồn từ quá khứ, từ việc chúng ta không nhận thức được hệ quả từ chính sách của mình. Tôi nghĩ nó đến từ Thỏa thuận Sykes-Picot vào năm 1916, khi Anh và Pháp phân chia các vùng lãnh thổ ở Trung Ðông. Họ vẽ ra biên giới theo ý của họ, họ không hề hỏi ý kiến của người dân ở đó sau khi đế chế Ottoman sụp đổ. Tôi nghĩ nó đến từ việc con người ta bị đẩy ra ngoài lề xã hội, cô lập và không được lắng nghe. Nếu chúng ta không lắng nghe nhau thì sẽ có người trở nên tức giận và họ sẽ chọn giải pháp súng ống, bắn giết để được lắng nghe. Nếu chúng ta cô lập một nhóm người thì bạo lực sẽ xảy đến. Một điều quan trọng nữa, ISIS là sản phẩm từ việc nước Mỹ chiếm đóng Iraq. Tôi đã tới Iraq trước khi chiến tranh xảy ra, có thể nói ở những năm 2002, 2003 không hề có sự tách biệt nào giữa hai phái Shia và Sunni ở Iraq. Còn giờ thì họ chém giết nhau khắp nơi. Ðó là vì Mỹ kéo đến và cô lập phái Sunni do Saddam Hussein thuộc phái này. Nó gây phẫn nộ cho những người lãnh đạo Iraq, và ISIS là kết quả của phản ứng này. ISIS được dẫn dắt bởi những kẻ cuồng đạo, nhưng một phần lớn của họ cũng là những người lính, sĩ quan Iraq đã bị Mỹ ném ra ngoài lề xã hội vào năm 2003. Và đó là lý do họ có một quân đội mạnh, họ biết cách sử dụng vũ trang. Chính phương Tây tạo nên ISIS. Vậy nên phương Tây hoàn toàn có thể đàm phán với họ. Nên nếu chúng ta lo ngại về ISIS thì hãy dừng ném bom và dừng tài trợ cho họ đi. Ðó là chưa kể các nước Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ tài trợ cho ISIS. Tiền bạc và vũ khí của ISIS đến từ phương Tây. Trong khi người Nga không kích ISIS đơn thuần vì họ ném bom bất cứ ai đụng chạm đến đế chế này, thì phương Tây vừa tấn công vừa giúp ngầm ISIS, như Thổ Nhĩ Kỳ đang làm vậy. Tóm lại, chúng ta có thể cải thiện tình hình bằng cách đàm phán, lắng nghe nhu cầu của họ thay vì ném bom và giết chóc. Hệ quả duy nhất của lựa chọn này là thêm nhiều thù hằn và khủng bố nhắm đến các nước phương Tây. Chúng ta sẽ có những vụ thảm sát Paris khác. Và tôi rất buồn khi nói ra điều này nhưng tôi dự đoán tình hình sẽ còn tệ hơn rất nhiều vì: 1. Cuộc chiến chống khủng bố sẽ chỉ làm tăng những cú đánh trả vào châu Âu và Mỹ. Cứ mỗi lần một lãnh đạo phương Tây nói chúng ta phải đánh bom nhiều hơn thì có nghĩa là sẽ thêm nhiều cuộc tấn công khủng bố hơn nhắm vào công dân của họ. 2. Một phản ứng khác nữa là sự kiểm soát chặt chẽ hơn mọi khía cạnh của tự do và dân chủ, hướng tới một nhà nước cảnh sát. 3. Phương Tây sẽ thua ISIS và sẽ có một caliphate (nhà nước giáo quyền), như một đáp trả tự nhiên đối với lịch sử, dẫu cho những phương pháp của nó kinh tởm thế nào (không tệ hơn việc lên kế hoạch sát hại hàng triệu người trong chiến tranh hạt nhân!). 4. Cuộc chiến chống khủng bố sẽ là yếu tố chính dẫn tới sự sụp đổ đế chế Mỹ và sự suy yếu của phương Tây. Thế giới đơn giản cứ ngồi chờ và đợi việc sẽ xảy ra. Ðã đến lúc thông qua TAMA (There Are Many Alternatives - Những giải pháp thay thế) - đó là điều tôi muốn nói khi bước vào năm 2016 này. Yên Mai (ghi) Tags: Cuộc chiến chống khủng bốChống ISLắng nghe nhauTệ hơn nếu không lắng nghe nhau
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.