
Người già lãnh tiền trợ cấp hằng tháng tại một điểm chi trả tại Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN
Gửi Tuổi Trẻ Online, bạn đọc Trần Văn Hạnh cho biết có cụ bà 79 tuổi, không có lương hưu và các trợ cấp xã hội khác ở Hải Phòng nhưng hiện vẫn chưa được lĩnh trợ cấp hưu trí xã hội, việc này có đúng luật hay không?
Các trường hợp được trợ cấp cho người già từ ngày 1-7
Bạn đọc tên Tám (quận 11, TP.HCM) tâm tư tiền người già mỗi tháng không nhiều nên các cụ đều mong tăng mức này.
Ngoài ra, nhiều người không đi làm, không có con cháu, mong hưởng trợ cấp từ nhà nước.
Trong khi đó, độc giả Chu Hương viết: "Má tôi lĩnh tiền bảo trợ cho người già (84 tuổi) hằng tháng được 480.000 đồng. Tôi hy vọng nhà nước sẽ tăng hỗ trợ cho những người lớn tuổi".
Theo Bảo hiểm xã hội khu vực I, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (hiệu lực từ ngày 1-7) quy định trợ cấp hưu trí xã hội là loại hình bảo hiểm xã hội từ ngân sách nhà nước.
Cụ thể, công dân Việt Nam đủ 75 tuổi trở lên (giảm 5 tuổi so với hiện nay), không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Người đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng các điều kiện theo quy định cũng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng, tức 500.000 đồng/tháng. Quyền lợi bổ sung là bảo hiểm y tế miễn phí và hỗ trợ mai táng phí.
Định kỳ 3 năm, Chính phủ sẽ rà soát, xem xét điều chỉnh mức trợ cấp. Các địa phương sẽ quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng tùy điều kiện kinh tế - xã hội.

Với việc giảm tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội, sẽ có thêm nhiều người già hưởng chính sách an sinh của nhà nước - Ảnh: HÀ QUÂN
Hàng triệu người không có lương hưu, trợ cấp
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ (trước là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), kinh phí trợ cấp xã hội cho hơn 3,8 triệu người (khoảng 3,8% dân số) khoảng 32.000 tỉ đồng/năm.
Đến cuối năm 2022, có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (55 tuổi trở lên đối với nữ, và 60 tuổi trở lên đối với nam).
Nhưng thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy hết tháng 3-2025, cả nước chỉ có hơn 3,3 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trong đó khoảng 2,7 triệu người hưởng lương hưu.
Như vậy, việc phấn đấu hoàn thành mục tiêu có khoảng 60% người nghỉ hưu được hưởng lương hưu đến năm 2023 theo nghị quyết 28-NQ/TW còn thách thức lớn, nhất là khi tỉ lệ tăng bình quân người có lương hưu chỉ khoảng 80.000 người/năm.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từng đánh giá với khoảng 5 triệu người cao tuổi trên 60 và dưới 80 không thuộc hộ nghèo, không bị khuyết tật, không được hưởng trợ cấp hằng tháng có thể gặp khó khăn khi về già.
Tổ chức công đoàn cho biết nhiều nước xác định trợ cấp tuổi già là một tầng quan trọng trong hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng.
Do vậy, ngân sách nhà nước cần cung cấp một khoản bảo đảm về thu nhập cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.
Về lâu dài, công đoàn khuyến nghị chính sách huy động xã hội hóa hỗ trợ đối tượng này với mức hưởng cao hơn và có lộ trình giảm tuổi hưởng lương hưu xã hội phù hợp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, GS.TS Giang Thanh Long - giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế quốc dân - chia sẻ nhiều chính phủ cho người dân nhận trợ cấp hằng tháng với mức sống tối thiểu, đảm bảo nhu cầu lương thực thực phẩm, y tế, xăng dầu đi lại…
Ông cho rằng cơ quan chức năng có thể tăng tiếp trợ cấp hưu trí xã hội để hỗ trợ tốt hơn cho người dân, song cần đánh giá kỹ lưỡng từ cơ quan chức năng.
Đồng thời mở rộng đối tượng hưởng lương hưu với tích lũy từ việc đóng bảo hiểm xã hội, tham gia bảo hiểm nhân thọ bổ sung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận