Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn qua quận 3 và quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Muốn kênh trong xanh phải làm tốt việc xử lý nước thải.
TS Phạm Viết Thuận (viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường)
Việc cải tạo không đơn thuần chỉ di dời nhà ở ven kênh rạch mà còn ổn định cuộc sống cho người dân sau đó.
Ông Lê Hòa Bình (phó chủ tịch UBND TP.HCM)
Cùng với 2 tuyến kênh đã đầu tư là Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tân Hóa - Lò Gốm, dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với chiều dài lên đến 33km, chạy qua 7 quận huyện, sau khi hoàn thành sẽ góp phần hình thành mạng lưới kênh rạch sạch đẹp trong lòng thành phố, giúp thay đổi bộ mặt đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Sẽ hồi sinh dòng kênh đen
Dẫn chúng tôi "tham quan" đoạn kênh Tham Lương đen kịt với đầy rác cùng mùi hôi kinh niên, ông Bùi Thái Tá (khu phố 1, phường 15, quận Tân Bình) cho biết gia đình ông sống bên bờ kênh này đã hơn 20 năm và chứng kiến dòng kênh này ngày càng ô nhiễm, cùng với tốc độ đô thị hóa và thêm nhiều nhà máy quanh con kênh.
"Ngày xưa kênh nhỏ hơn chút nhưng sạch, cá tôm nhiều. Những năm gần đây, khi các nhà máy rồi nhà cửa của dân đua nhau mọc lên, dòng kênh này không còn như xưa" - ông Tá cho biết, đồng thời bày tỏ mong mỏi con kênh này sớm được cải tạo để người dân trong khu vực có cuộc sống tốt hơn.
Anh Hải, nhà ở gần chân cầu Tham Lương (quận 12), cho biết khoảng năm 1995 - 1996, con kênh này trong veo. Lúc nước ròng anh thường lội xuống kênh bắt cá, nhổ bông súng về ăn. Nhưng rồi theo thời gian, con kênh này ngày càng ô nhiễm. Rác và nước thải khiến dòng nước tại con kênh này đen ngòm và đặc quánh.
Khi hay tin thành phố chuẩn bị cải tạo kênh, anh Hải cho rằng đây là thông tin không thể vui hơn với người dân sống dọc 2 bên bờ kênh. "Đây là điều mà người dân chúng tôi mong mỏi hơn 20 năm qua. Khi dự án cải tạo này được triển khai, chúng tôi cũng kỳ vọng thành phố sẽ có biện pháp xử lý nguồn nước, tạo không khí trong lành cho người dân dọc tuyến kênh" - anh Hải nói.
Tại khu vực cầu Bến Phân (quận Gò Vấp), dòng nước đen nặng nề chảy, mặt nước đầy lục bình quyện với xốp vụn, bịch nilông. Cạnh bên dòng kênh còn lởm chởm mảng tường ximăng mà người dân nhiều năm trước chấp thuận chủ trương giải tỏa nhà, lùi nhà để nhường dự án nâng cấp con kênh.
Bán nước tại khu vực này, bà Nguyễn Thị Thanh Quyên (47 tuổi) cho hay khi thành phố tiến hành giải tỏa lấy đất nâng cấp kênh, cả gia đình bà đã đồng ý thực hiện nhưng nhiều năm rồi dự án vẫn chưa triển khai. "Nước đen ngòm đặc sệt như nhớt thải. Mưa nhiều, nước bớt hôi chứ trời nắng nóng có hôm mùi xộc lên nhức cả mũi, kinh khủng lắm" - bà Quyên ngao ngán.
Kênh Tham Lương sẽ được TP.HCM chỉnh trang để đem lai môi trường sống trong lành cho hàng triệu người như đã làm với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hơn 2 triệu người dân được hưởng lợi
Như Tuổi Trẻ thông tin, HĐND TP.HCM vừa thông qua chủ trương đầu tư xây dựng con kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với kinh phí ước khoảng 8.200 tỉ đồng, được đề xuất triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 bằng nguồn vốn ngân sách trung ương khoảng 4.000 tỉ đồng, còn lại là ngân sách thành phố 4.200 tỉ đồng.
Dự án được thành phố đặt niềm tin làm thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần cải thiện đời sống cho khoảng 2 triệu người dân trong lưu vực rộng gần 15.000ha. Theo Hội đồng thẩm định TP.HCM, dự án này đảm bảo 3 tiêu chí lớn gồm giảm ngập nước, giải quyết ô nhiễm môi trường và giải quyết ùn tắc giao thông.
Nhiệm vụ lớn nhất là giải tiêu thoát nước, chống ngập cho khu vực trung tâm và khu vực tây bắc thành phố. Khi hoàn thành, dự án tạo sự đồng bộ để phát huy hiệu quả các dự án thoát nước đã và đang triển khai thực hiện đầu tư.
Ngoài ra, hạng mục đường giao thông dọc 2 bên bờ kênh gần 33km được xây dựng (mặt đường từ 8 - 12m, vỉa hè 2 bên rộng từ 2,5 - 4m và 3 cầu dọc theo tuyến) sẽ thành trục động lực phát triển phía tây thành phố, hạn chế tình trạng kẹt xe khu vực nội thành.
Bên cạnh việc nạo vét toàn tuyến kênh với chiều rộng kênh từ 30 - 90m, sâu từ 4 - 5m, dự án còn làm mới, sửa chữa các cống ngang đấu nối ra kênh. Đặc biệt, sẽ có 12 bến thuyền dọc theo tuyến được xây dựng góp phần hình thành trục giao thông thủy kết nối với các tỉnh miền Tây Nam Bộ qua cửa ngõ đường thủy Long An và kết nối với các tỉnh khác như Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh.
Dự án từng được thành phố triển khai qua nhiều thời kỳ, từ 2004 - 2017 nên đã có nhiều đoạn đường dân sinh hình thành suốt chiều dài con kênh. Do đó, dự án chỉ phải bồi thường ở phần diện tích khoảng 83.492m2 còn lại thuộc bờ trái kênh Tham Lương đến giáp ranh dự án đê bao bờ hữu sông Sài Gòn (đoạn từ cầu Trường Đai ra đến sông Sài Gòn) với khoảng 165 hộ dân bị ảnh hưởng (quận Gò Vấp có 43 hộ và quận 12 có 122 hộ), chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 718 tỉ đồng.
Vớt rác trên rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: Q.ĐỊNH
Cải tạo môi trường, xử lý nước thải
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường - cho rằng dự án cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên cần đặc biệt chú ý tới vấn đề xử lý nước thải. Nếu thực hiện đúng quy hoạch, dự án có thể biến con kênh này thành kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thứ hai, góp phần cải thiện môi trường, giao thông cho nhiều quận huyện nó đi qua.
Tuy nhiên, dự án sẽ gặp khó với việc xử lý nước thải bởi nhiều lý do. Đầu tiên là dòng chảy. Trong khi kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đơn giản chỉ có một dòng chính chảy từ quận Tân Bình ra sông Sài Gòn, việc xử lý nước thải sẽ dễ dàng hơn, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên lại có 2 nhánh chính và chịu 2 chế độ chảy khác nhau.
Khi thủy triều lên, nước sẽ chảy từ hướng quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp sang quận 12. Ngược lại, dòng chảy tự nhiên của con kênh này lại theo hướng từ quận 12 về quận Tân Phú và Bình Tân. Do đó vấn đề thu gom nước thải để xử lý theo dòng chảy sẽ rất khó.
Ngoài ra, theo ông Thuận, cần phải tách rời việc xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Tân Bình ra khỏi dự án, bởi việc xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp hoàn toàn khác. Nếu cứ để nước thải từ Khu công nghiệp Tân Bình hòa chung vào, sẽ không nhà máy nào có thể xử lý nổi.
"Hàm lượng các chất ô nhiễm trong nước thải công nghiệp rất lớn và nhiều chất rất khó xử lý" - ông Thuận nói, đồng thời cho rằng sau khi tách ra, các nhà máy xử lý nước thải cần được bố trí dọc tuyến kênh này. Điểm lý tưởng là đặt nhà máy tại quận Bình Tân, nơi cuối nguồn để có thể thu gom và xử lý dựa theo dòng chảy tự nhiên.
Ông Nguyễn Minh Nhựt - phó trưởng Ban đô thị, HĐND TP.HCM - cho biết cơ quan này sẽ giám sát kỹ việc thực hiện dự án cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. "Trong nghị quyết thông qua dự án có nêu rõ các giai đoạn thực hiện các hạng mục. HĐND sẽ dựa vào nghị quyết để giám sát từng vấn đề cụ thể, đảm bảo dự án này thực hiện đúng tiến độ" - ông Nhựt cho biết.
Dự án đã hoàn tất giai đoạn 1
Với chiều dài 33km, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là tuyến kênh dài nhất TP.HCM hiện nay, chảy qua 7 quận huyện (Bình Thạnh, quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, huyện Bình Chánh). Trước đây, thành phố từng triển khai dự án tiêu thoát nước và cải tạo con kênh này.
Đến nay, cơ quan chức năng đã thực hiện xong giai đoạn 1, nạo vét bùn dưới đáy kênh ở độ sâu 3 - 4m. Ngoài ra, thành phố cũng đã giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho hơn 3.200 trường hợp bị ảnh hưởng. Sau giai đoạn 1, một số đoạn dọc hai bên kênh đã hình thành những con đường dân sinh, có nơi đã được địa phương cùng người dân tráng nhựa để đi lại. Nhà dân cũng lùi vào để giao đất cho dự án.
Vào năm 2016, giai đoạn 2 của dự án đã được phê duyệt, dự kiến thực hiện từ năm 2017 - 2020. Các hạng mục dự kiến được xây dựng gồm: xây kè mái đứng, mái nghiêng, làm đường giao thông (trải nhựa) dọc hai bên kênh, xây dựng hai cống ngăn triều ở đầu và cuối kênh (cống rạch Nước Lên và cống Vàm Thuật), lắp đặt cống dẫn nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn (quận Tân Phú). Nguồn vốn dự kiến sẽ vay của Ngân hàng Thế giới. Nhưng vào năm 2017, Ngân hàng Thế giới ngưng tài trợ khiến dự án gặp khó trong việc tìm nguồn vốn thay thế và "đứng hình" tới nay.
Kích hoạt hàng loạt dự án "khủng" khác
Ông Lê Hòa Bình - phó chủ tịch UBND TP.HCM - khảo sát rạch Xuyên Tâm trong cuối tháng 4-2021 - Ảnh: LÊ PHAN
Ngoài dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tân Hóa - Lò Gốm đã hoàn thành, dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên vừa được thông qua cùng với hàng loạt dự án đang triển khai sẽ góp phần hồi sinh các dòng kênh đen trên địa bàn, hình thành mạng lưới kênh rạch sạch đẹp trong lòng thành phố.
Đầu tiên phải kể đến dự án quan trọng là cải tạo dòng kênh Xuyên Tâm. Đây là hệ thống các con rạch liên thông nhau như rạch Cầu Bông, rạch Cầu Sơn, rạch Long Vân Tự và rạch Lăng với chiều dài hơn 8km, bắt đầu từ đường Trường Sa chạy ngoằn ngoèo, có nhánh thoát ra sông Sài Gòn nhưng nhánh chính chạy dài qua địa phận quận Gò Vấp chảy ra sông Vàm Thuật.
Từ năm 2002, UBND TP.HCM đã phê duyệt dự án cải tạo, chỉnh trang hệ thống rạch này nhưng chưa thực hiện. Đến năm 2016, một doanh nghiệp tư nhân đã đề xuất triển khai dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP, hợp đồng BT). Đến tháng 10-2017, thành phố có chủ trương dừng các dự án BT chờ quy trình mới nên dự án tiếp tục "treo". Để triển khai dự án này, qua rà soát có khoảng 2.135 căn nhà dọc tuyến kênh bị ảnh hưởng.
Tại buổi khảo sát rạch Xuyên Tâm vào ngày 24-4, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình nhận định dự án này đã kéo dài hơn 20 năm nay. Thành phố nhận thấy phải có trách nhiệm cải tạo môi trường và ổn định cuộc sống người dân.
"Về cơ bản thành phố đã có chủ trương và hoàn thành trong nhiệm kỳ này. Khó khăn dự án nào cũng có, nên cần sự đồng thuận của cả chính quyền và người dân để dự án sớm hoàn thành. Dự án này mang ý nghĩa tiêu thoát nước rất quan trọng và thành phố đã nghiên cứu tính toán rất kỹ lại lưu vực ảnh hưởng. Đến nay, các nghiên cứu khả thi đã hoàn tất, chỉ còn lại việc thực hiện sẽ được khẩn trương xúc tiến" - ông Bình nói.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM - cho hay Sở KH-ĐT đang hoàn tất thủ tục để trình HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này. Quy mô dự án kéo dài 8,2km gồm tuyến rạch chính từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật dài 6,42km và 3 tuyến rạch nhánh dài 1,78km.
Cũng theo ông Dũng, mục tiêu dự án là cải tạo thoát nước, môi trường rạch Xuyên Tâm kết hợp xây dựng đường giao thông mới dọc hai bên rạch nhằm cải thiện tình hình giao thông và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ dọc tuyến, thu gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung. Tổng mức đầu tư cho dự án ước tính khoảng 9.352 tỉ đồng gồm chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí xây dựng.
Gần 2.000 tỉ đồng cho kênh Hy Vọng
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM cho biết đã gửi tờ trình cho Sở Xây dựng đề xuất chủ trương xây dựng dự án cải tạo kênh Hy Vọng giai đoạn 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư hơn 1.980 tỉ đồng. Con kênh dài khoảng 1km này sẽ được cải tạo thành mương hở, kết hợp làm đường giao thông mỗi bên rộng 6m và trồng cây xanh hai bên đường.
Dự án cải tạo kênh Hy Vọng từng là một hạng mục thuộc dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM, được UBND thành phố phê duyệt đầu tư vào năm 2016, sử dụng vốn vay WB. Tuy nhiên, vào năm 2017, WB ngưng tài trợ cho dự án này. Mới đây, UBND TP.HCM đã giao UBND quận 12 tổ chức nạo vét, cải tạo 18 kênh rạch trên địa bàn quận này để giảm ô nhiễm môi trường, tăng khả năng thoát nước, người dân sống gần các kênh rạch thoát được nỗi lo ngập nước.
Đ.PHÚ - L.PHAN
Tăng xử lý nước thải, giữ kênh rạch trong xanh
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2025, TP.HCM sẽ có 12 nhà máy xử lý nước thải có công suất gần 3 triệu m3 nước/ngày. Trong đó, các nhà máy có công suất lớn tập trung ở lưu vực kênh Tàu Hủ - kênh Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ, lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, lưu vực Đông Sài Gòn, lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm và lưu vực Tham Lương - Bến Cát...
Tuy nhiên đến nay, thành phố mới có 3 nhà máy xử lý nước thải đang vận hành, gồm Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng với tổng công suất 141.000 m3/ngày được đưa vào vận hành từ năm 2008, Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa với công suất xử lý 30.000 m3/ngày đêm xử lý nước thải cho khu vực phía tây. Hai nhà máy này chỉ xử lý được khoảng 13% lượng nước thải trên toàn địa bàn.
Số nước thải còn lại chưa được xử lý thải thẳng ra kênh rạch. Trong khi đó, nhà máy thứ 3 là Tham Lương - Bến Cát (công suất 131.000 m3/ngày) đặt tại phường An Phú Đông, quận 12, đã hoàn thành năm 2018. Tuy nhiên, do thiếu đường ống kết nối, đến nay nhà máy này vẫn chưa xử lý nước.
Thành phố cũng đang kêu gọi đầu tư 6 nhà máy để xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường, gồm nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn (công suất 150.000 m3/ngày), Bắc Sài Gòn 1 (công suất 170.000 m3/ngày), nâng cấp mở rộng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa công suất 180.000 m3/ngày và các nhà máy Suối Nhum, Cầu Dừa, Bắc Sài Gòn 2. Sau khi các dự án này được hoàn thành và đưa vào khai thác, 88% lượng nước thải trên địa bàn sẽ được thu gom, xử lý trước khi thải ra môi trường.
Với dự án Vệ sinh môi trường thành phố vừa hoàn thành giai đoạn 1 giúp toàn bộ lượng nước thải của khoảng 1,2 triệu người ở 7 quận ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được thu gom vào tuyến cống bao dài hơn 8km đưa về trạm bơm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) và dự kiến sẽ đưa về xử lý tại nhà máy xử lý nước thải ở thành phố Thủ Đức (quận 2 cũ). Nhưng đến nay, khối lượng nước thải này vẫn phải bơm ra sông Sài Gòn vì... chờ nhà máy xử lý đang được xây dựng tại dự án Vệ sinh môi trường giai đoạn 2.
Dự án Vệ sinh môi trường giai đoạn 2 có mục tiêu hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải, cải thiện và nâng cao sức khỏe người dân thành phố. Trong đó, có hạng mục xây dựng khoảng 8km tuyến cống bao thu gom nước thải, xây dựng hàng chục kilômet tuyến cống thoát nước cấp 2, 3 và xây dựng nhà máy xử lý nước thải thành nước sạch lớn nhất nước với công suất 480.000 m3/ngày.
Tổng mức đầu tư dự án là 524 triệu USD, trong đó 450 triệu USD là vốn vay WB, phần còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách thành phố. Dự án đã khởi công vào tháng 2-2017 và dự kiến tới năm 2024 mới hoàn thành. Như vậy, khi dự án này hoàn thành nước thải của 1,2 triệu người ở 7 quận ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chuẩn loại A trước khi đổ ra sông Sài Gòn với công suất ban đầu 480.000 m3/ngày đêm và có khả năng nâng lên tối đa 850.000 m3/ngày đêm trong tương lai.
Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, quận Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
L.PHAN - Đ.PHÚ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận