22/10/2018 19:21 GMT+7

Sẽ có thành phố trên mây trên sao Kim?

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Từ lâu, các nhà khoa học gặp không ít khó khăn khi nghiên cứu sao Kim vì nhiều lý do. Tuy nhiên, trong tương lai, sao Kim sẽ dễ dàng tiếp cận nhờ một ý tưởng độc đáo của NASA: thành phố trên mây.

Ý tưởng mới khám phá sao Kim của NASA

Trước hết cần biết nhiệt độ bề mặt của là khoảng 460 độ C, nóng hơn cả sao Thủy dù khoảng cách giữa sao Kim và Mặt trời gần gấp đôi khoảng cách giữa Mặt trời và sao Thủy. Nhiệt độ này cũng lớn hơn nhiệt độ nóng chảy của rất nhiều kim loại, trong đó có cả chì và bismuth.

Ngoài ra, bề mặt sao Kim vô cùng khô cằn với những vùng đất đá bazan rộng lớn bên cạnh những dãy núi dài bằng một… châu lục trên Trái đất. Vùng đất này còn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến địa chất do hoạt động của hệ thống núi lửa để lại.

Vì vậy, đưa người lên bề mặt sao Kim nghiên cứu như sẽ làm với sao Hỏa gần như là một điều không thể.

Mọi thứ có thể sẽ thay đổi. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa đưa ra ý tưởng mới: dựa vào bầu không khí dày đặc ở sao Kim để xây dựng một trung tâm nghiên cứu. Dự án được gọi là High Altitude Venus Operational Concept (HAVOC).

Cụ thể, các nhà khoa học sẽ đặt một khinh khí cầu trên bầu khí quyển sao Kim trong một thời gian dài. Dựa trên các nghiên cứu, NASA nhận thấy ở độ cao 50-60km từ bề mặt sao Kim, bầu không khí sẽ gần giống với khí quyển Trái đất ở những cao độ thấp.

Cụ thể, áp suất không khí của khí quyển sao Kim ở độ cao 55km bằng một nửa áp suất trên Trái đất ở bề mặt nước biển, bằng với áp suất khi bạn đứng trên đỉnh ngọn núi cao nhất châu Phi Kilimanjaro.

Sẽ có thành phố trên mây trên sao Kim? - Ảnh 2.

Thành phố trên mây trong tương lai - Ảnh: NASA

Đây là một dự án dài hạn. Trước hết, NASA phải thực hiện hàng trăm thử nghiệm với mức độ khác nhau để đảm bảo tính khả thi cho dự án HAVOC.

Như vậy, các phi hành gia có thể sẽ không cần đồ bảo hộ chống chịu áp suất lớn, tất nhiên là đã loại trừ yếu tố nhiệt độ cao.

Ngoài ra, ở khoảng cách 50-60km, khí quyển sao Kim rất dày giúp bảo vệ phi hành gia khỏi các tác động bức xạ ion hóa từ vũ trụ - vốn nhiều hơn so với Trái đất vì gần Mặt trời hơn.

Tiếp đó, hành trình đột phá trên khí quyển sao Kim sẽ trải qua 5 giai đoạn, lần lượt gồm thăm dò bằng robot; khảo sát có người lái 30 ngày vòng quanh sao Kim; khảo sát có người lái 30 ngày tại khí quyển sao Kim; lắp đặt và hoàn chỉnh 1 năm và cuối cùng đưa chuyên gia lên sống dài hạn.

Vì đang ở giai đoạn triển khai ý tưởng, NASA chưa đưa ra thời gian hoàn thành dự kiến cũng như thời gian cụ thể cho từng giai đoạn. Tuy nhiên, nếu thành công, đây sẽ là bước đột phá lớn cho công cuộc nghiên cứu vũ trụ.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên