18/09/2005 18:31 GMT+7

Sẽ có sân khấu riêng cho thiếu nhi?

Theo Thể thao và văn hóa
Theo Thể thao và văn hóa

Trở về sau chuyến giao lưu và hội thảo sân khấu cho trẻ em tại Thụy Điển (31-8 đến 8-9), Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh, Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần lên kế hoạch xây dựng một dự án sân khấu quốc tế dành riêng cho trẻ em ở VN với hỗ trợ của Hiệp hội sân khấu quốc tế Thụy Điển cùng quỹ SIDA.

5dNJnvX1.jpgPhóng to

Cảnh trong vở "Aladin và đủ thứ thần"

Trở về sau chuyến giao lưu và hội thảo sân khấu cho trẻ em tại Thụy Điển (31-8 đến 8-9), Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh, Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần lên kế hoạch xây dựng một dự án sân khấu quốc tế dành riêng cho trẻ em ở VN với hỗ trợ của Hiệp hội sân khấu quốc tế Thụy Điển cùng quỹ SIDA.

Sau đây là cuộc trao đổi với ông Trương Nhuận, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ về dự án Tiếng nói trẻ em.

* Thực ra, trước đây, đã có rất nhiều ý tưởng, dự án sân khấu cho trẻ em, nhưng rốt cuộc đều "đầu voi đuôi chuột"...

- Đó là vì chúng ta vẫn nghĩ đơn thuần: làm sân khấu cho trẻ em là trách nhiệm, là nghĩa vụ của người lớn chứ chưa tự nguyện vì trẻ em. Vì thế, lần này, trong ba năm tới, trọng tâm dự án Tiếng nói trẻ em sẽ hướng vào việc nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ sáng tác kịch bản và chất lượng phục vụ.

Cụ thể, ngoài việc cải thiện cơ sở vật chất, chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng những tác phẩm sân khấu đặt ra những vấn đề trẻ em quan tâm chứ không áp đặt quan điểm giáo dục nặng nề của người lớn.

Qua thực tế vở Chuyện nàng Lọ Lem (đang công diễn tại Nhà hát Tuổi Trẻ), chúng tôi cũng thấy mình phải nghiêm túc hơn, chuyên nghiệp hơn.

Ban đầu, mô hình Tiếng nói trẻ em sẽ được thí điểm ở Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, vở diễn sẽ được đem đến từng trường học để các em thảo luận, góp ý.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ mở các trại sáng tác kịch bản có thể do chính các em thiếu nhi viết rồi xây dựng những bảng biểu, điều tra về nhu cầu, sở thích của các em...

Tóm lại, đây là một dự án rất khoa học, đặt ra vấn đề trẻ em được giáo dục bằng sân khấu như một quyền lợi.

* Trong tình trạng thiếu cả thầy lẫn thợ thì nguồn kịch bản và diễn viên lấy đâu ra, thưa ông?

- Đúng, cái khó là ở ta chưa có trường đào tạo riêng cho đạo diễn và diễn viên chuyên phục vụ thiếu nhi. Các đoàn nghệ thuật xã hội hóa chỉ phục vụ người lớn còn đang ngắc ngoải thì nói gì nữa! Ngay nhà hát chúng tôi, vở Kiều Loan diễn đến buổi thứ 10 rồi mà chưa lần nào bán vé hết nửa rạp, cho dù kịch bản rất hay, đạo diễn rất giỏi và dư luận trong nước cũng hết sức ủng hộ. Khán giả vẫn cứ như một mẫu số bí hiểm.

Tuy nhiên, mình kêu khó không có nghĩa là mình sẽ bỏ cuộc. Chúng tôi sẽ cố gắng tìm ra một vài diễn viên nhà hát thật sự tâm huyết với việc biểu diễn phục vụ thiếu nhi và dám chấp nhận mức thù lao 80 - 90 nghìn/buổi, vì theo quy định nhà nước, một buổi diễn cho trẻ em chỉ được phép bán vé bằng 50% so với giá vé cho người lớn!

* 10 ngày ở Thụy Điển, ông thấy sân khấu bên đó thế nào?

- Họ có khoảng 140 nhà hát chuyên diễn cho thiếu nhi, từ cấp trung ương, địa phương đến các nhóm tư nhân nhỏ, lẻ. Nhà hát Hoàng gia đều đặn mở cửa miễn phí các buổi sáng để các em tìm hiểu chương trình, giao lưu với nghệ sĩ, thậm chí các nghệ sĩ còn tận tình hướng dẫn các em sử dụng trang phục, hóa trang nhân vật như thế nào. Tôi nhận thấy họ không mảy may quan tâm đến tính thương mại như ở VN.

Điểm thứ hai, sân khấu Thụy Điển được bao cấp tới 70%. Trong khi tỷ lệ doanh thu bán vé thì thường không vượt quá 10%, nhiều khi phải bù lỗ 70 - 80%. Nhưng dường như điều ấy cũng không khiến các nghệ sĩ quá bận lòng. Họ không chạy sô.

Thậm chí, một năm nhà hát vẫn "bình chân như vại" với 2 - 3 chương trình. Các diễn viên, tác giả mỗi năm cũng chỉ cần diễn hoặc sáng tác 1-2 vở là sống ổn. Mỗi nhà hát đều có đội ngũ tác giả chuyên viết vở cho mình, nhưng họ cũng khuyến khích cả đạo diễn, diễn viên cùng tham gia viết kịch bản. Mà nội dung thường là các câu chuyện rất đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ.

Điểm thứ ba, tính chuyên nghiệp của sân khấu Thụy Điển còn ở chỗ họ luôn phân loại đối tượng khán giả, vở diễn và chấp nhận những buổi diễn vài chục khán giả chuyên biệt. Có nhà hát sức chứa chỉ khoảng 15-20 khán giả. Các em bé có thể vừa ngậm... ti giả vừa bò dưới sàn xem kịch. Còn diễn viên thì biểu diễn ngay cạnh các em, tức là hoàn toàn không hề có khoảng cách nào giữa khán giả và sân khấu!

Tại hội thảo, khi chúng tôi đặt vấn đề mở cuộc thi sáng tác kịch bản cho trẻ em thì phía Thụy Điển gạt phắt đi, vì làm sân khấu cho trẻ em mà mở cuộc thi giữa những người lớn để lấy phần thưởng thì tức là vì quyền lợi của người lớn chứ đâu phải vì trẻ em nữa!

Một thành viên Hiệp hội sân khấu Thụy Điển còn cho rằng đấy là một trong những lý do khiến sân khấu Việt Nam không những giáo điều nặng nề mà lại rất phản cảm...

Phía Thụy Điển gợi ý chỉ nên mở các hội thảo, có sự tham gia của trẻ em - điều mà trước đây Việt Nam chưa hề làm, rồi nghe trẻ em nói và phản ánh những vấn đề chúng quan tâm.

* Tuy nhiên, đó là mô hình của Thụy Điển, áp dụng vào VN thì cũng rất khó vì thực tế khác xa...

- Có lẽ điều trước tiên có thể học được ở mô hình Thụy Điển là chia thành từng nhóm nghệ sĩ nhỏ cho một nhà hát lớn và có nhóm chỉ chuyên phục vụ thiếu nhi.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, nhà nước vẫn phải... bao cấp rất nhiều. Chứ hiện nay Nhà hát vẫn phải diễn ăn đong, hằng năm cứ đến 1-6 và Rằm tháng Tám thì mới lục tục đi tìm kịch bản, tập vở. Mà để phục vụ trẻ em thì không thể có doanh thu cao và cũng không thể nâng giá vé.

Theo Thể thao và văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên