Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc xây dựng, ban hành nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Điện mặt trời mái nhà dư thừa có thể bù trừ cho EVN
Ở dự thảo về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất nguồn điện mặt trời này chỉ tiêu thụ tại chỗ, không bán cho tổ chức, cá nhân khác hay phát lên lưới quốc gia. Điện mặt trời mái nhà không nối lưới sẽ không giới hạn phát triển. Còn trường hợp nối không vượt quá công suất phân bổ trong Quy hoạch điện VIII (2.600 MW).
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương làm rõ về khái niệm tự sản, tự tiêu theo hướng sản xuất ra cơ bản để dùng, đối với lượng điện dư thừa nếu có lắp đặt pin lưu trữ, tích điện, thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ nghiên cứu đề xuất mua điện với giá hợp lý, đặc biệt là giá mua điện vào giờ cao điểm.
Phó thủ tướng yêu cầu trường hợp không có pin lưu trữ điện thì EVN sẽ mua với giá thấp nhất trên thị trường điện mà EVN mua của các hộ bán điện khác. Lượng điện dư thừa mà EVN mua lại có thể xem xét được bù trừ khi người dân mua điện của EVN.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương phải nghiên cứu, tính toán giá điện 2 thành phần: Giá điện khi không có Mặt trời, vào giờ cao điểm thì phải khác giá điện vào thời điểm có nắng to, hay mức giá đối với trường hợp có thiết bị, pin lưu trữ điện khác với trường hợp không có lưu trữ điện năng.
Đồng thời, cần nghiên cứu giải pháp sử dụng Zero Export (ngăn phát lên lưới - PV) tùy theo từng đối tượng và công suất đặt của hệ thống điện mặt trời mái nhà nhưng phải đảm bảo một số nguyên tắc...
Nghiên cứu chính sách hỗ trợ người dân lắp điện mặt trời
Phó thủ tướng cũng yêu cầu cần thể hiện rõ cơ chế khuyến khích, các chính sách hỗ trợ đối với những người đầu tư điện mặt trời mái nhà để dùng, trong đó có lắp đặt thiết bị lưu trữ điện năng thì cần có phương án hỗ trợ về giá, thuế, lãi suất, chi phí lắp đặt…
Kết luận nêu việc phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu sẽ làm giảm áp lực cho ngân sách nhà nước phải đầu tư thêm nguồn điện mới, vì vậy cần phải nghiên cứu thêm chính sách này. Phó thủ tướng cho rằng việc người dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời tự sản, tự tiêu sẽ được Nhà nước hỗ trợ chi phí từ nguồn này để khuyến khích và bảo đảm lợi ích lâu dài.
Ngoài ra, Bộ Công Thương được giao xây dựng bộ hồ sơ mẫu quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về quản lý nhà nước trong việc khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái...
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Phước Bình - giám đốc Công ty CP Bincon - cho biết việc lắp điện mặt trời kết hợp với pin lưu trữ sẽ giải quyết được nhược điểm của năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng là tính bất ổn định.
Do nguồn điện này trồi sụt thất thường nên sẽ gây khó khăn cho EVN trong điều độ hệ thống điện, song khi có pin lưu trữ sẽ giải quyết được phần nào khó khăn này. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng vẫn cần lưu ý các vấn đề kỹ thuật để vận hành an toàn và đầu tư hợp lý.
Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp năng lượng tại TP.HCM cho rằng điều quan trọng là cần phải quy định lắp đặt một tỉ lệ lưu trữ phù hợp với tổng công suất lắp đặt đảm bảo tính ổn định hệ thống.
"Cần quy định tỉ lệ lắp đặt pin lưu trữ trong khoảng 10-20% trên tổng công suất lắp đặt để hệ thống sẽ xài luôn nguồn điện này lúc có mây, trời mưa, sẽ giảm tác động đến lưới điện quốc gia trong khi EVN cũng giảm áp lực điều độ", vị này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận