Sẽ có đối thoại

LAN ANH THỰC HIỆN 14/06/2017 21:06 GMT+7

TTCT - Sự “lệch pha” giữa BHYT và đội ngũ thầy thuốc đã bị đẩy lên cao trào thời gian gần đây, khi phía bảo hiểm liên tục phàn nàn có tình trạng lạm dụng quỹ, trong khi phía thầy thuốc lại cho rằng đang bị bó chân bó tay khi chỉ định, lúc nào cũng có nguy cơ bị đền tiền.

Người dân chờ đợi sự cải tiến về thủ tục của ngành y tế và bảo hiểm -Quang Định
Người dân chờ đợi sự cải tiến về thủ tục của ngành y tế và bảo hiểm -Quang Định

 

Trao đổi với TTCT, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam PHẠM LƯƠNG SƠN nói: “Từ trước đến nay chưa bao giờ cơ quan bảo hiểm tỏ thái độ đối đầu với thầy thuốc. BHYT là cơ chế tài chính tốt phục vụ khám chữa bệnh, luôn hướng đến việc hỗ trợ thầy thuốc chữa bệnh được tốt hơn.

Nhưng muốn có sự đồng thuận để cùng phục vụ mục đích ấy, hai bên phải cùng có trách nhiệm với nhau, trách nhiệm với quỹ và trách nhiệm với người dân.

Ở vai trò cơ quan bảo hiểm, chúng tôi khẳng định sẽ luôn có trách nhiệm với ngành y tế không phải bằng lời nói suông, mà bằng cách tăng nguồn thu, quản lý quỹ chặt chẽ để dành nguồn lực cho khám chữa bệnh”.

Thưa ông, khúc mắc đang gay gắt ở chỗ bảo hiểm bắt bẻ khi thầy thuốc chỉ định dịch vụ, ví dụ “thông tiểu” thì không thanh toán, còn “thông đái” thì thanh toán... Ông có thấy điều này là bất hợp lý?

- Nếu ai còn đưa chuyện này ra nói thì tôi nghĩ là họ chưa thiện chí. Bản thân tôi từng đề nghị Bộ Y tế thống nhất tên danh mục kỹ thuật, vì có tình trạng cách gọi ở ba miền khác nhau.

Vì vậy rất mong ngành y tế sớm thống nhất hoàn chỉnh tên dịch vụ kỹ thuật hiện có. Nếu không thì cùng một dịch vụ kỹ thuật mà có nhiều tên, khi giám định qua phần mềm trực tuyến sẽ bị trục trặc.

Đây là lý do dẫn đến tình trạng này, nếu có trách nhiệm và hợp tác thì cùng trao đổi để giải quyết, chứ không phải đặt ra để mỉa mai là “bảo hiểm dốt”.

Bệnh nhân đi khám bệnh bảo hiểm thường phàn nàn về thủ tục, bảo hiểm ít chịu vận dụng những quy định đã có mà hay làm khó, dẫn đến quyền lợi của bệnh nhân bị ảnh hưởng. Ông nói gì về điều này?

- Chúng tôi đã vận dụng theo hướng có lợi cho cơ sở y tế và bệnh nhân. Xếp hạng cơ sở y tế theo các yếu tố cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực, phòng khám tư tùy theo các yếu tố này mà xếp hạng tương đương tuyến xã hoặc huyện, trong khi xếp hạng chúng tôi cũng vận dụng để xếp hợp lý nhất.

Khi thầy thuốc chỉ định dịch vụ và khám chữa bệnh, chúng tôi hướng đến chỉ định hợp lý, hiệu quả. Mỗi lần đặt bút chỉ định dịch vụ, mong thầy thuốc suy xét chỉ định đó cần thiết hay không.

Tuy nhiên, chúng tôi không ngăn cản chỉ định dịch vụ cho bệnh nhân, có những vấn đề ngành y tế chưa đặt ra, bảo hiểm đã đặt ra rồi.

Như điều chỉnh viện phí, chúng tôi đã đề xuất từ các nhiệm kỳ bộ trưởng trước và đến nhiệm kỳ của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thì giá dịch vụ mới được điều chỉnh. Hay việc sử dụng kỹ thuật cao, hướng tới cần thêm nhiều kỹ thuật cao, tiên tiến nữa nhưng không được lãng phí.

Bảo hiểm chỉ ngăn cản việc sử dụng thiết bị không hiệu quả, dành nguồn lực cho thiết bị tốt, kỹ thuật tốt.

Từ năm 2008-2013, ngành y tế chưa đưa được danh mục bệnh cần khám, sàng lọc, dự phòng sớm được BHYT thanh toán. Luật BHYT sửa đổi đã đưa quy định này ra khỏi luật, nhưng nay sửa đổi cũng hướng đến đưa lại quy định này vào, chúng tôi cũng ủng hộ đề nghị này.

Ngành bảo hiểm cho rằng đã nỗ lực, thầy thuốc lại thấy bảo hiểm cố tình ngăn cản họ làm tốt dịch vụ. Theo ông, nên làm gì để hai bên cùng có trách nhiệm với nhau và với người bệnh?

- Tôi đã đề nghị Bộ Y tế cố gắng tổ chức một số cuộc đối thoại giữa hai bên ngay tại các bệnh viện. Nếu kịp sẽ đối thoại trong tháng 6, đây là lần đầu tiên có đối thoại công khai trực tiếp giữa hai bên nhằm giải quyết các khúc mắc.

Mục tiêu của chúng tôi là hướng tới sự đồng thuận và trách nhiệm với các bên. Như vừa rồi chúng tôi tạm dừng hợp đồng với một phòng khám ở Bình Phước vì không có bác sĩ ngoại mà quý 1 vừa qua kê đến 600 bệnh nhân khám ngoại, nhưng sau này phòng khám có đủ bác sĩ, chúng tôi nối lại hợp đồng.

Mục tiêu để chi tiêu quỹ hợp lý và đó cũng là phục vụ ngành y tế có tài chính chữa bệnh, người bệnh được đảm bảo tiền mình đã đóng được dùng vào việc trị bệnh.

Nhiều bác sĩ đang rất băn khoăn về những quy định chi trả hiện hành, cho rằng chỉ đang sửa phần ngọn, cái chính là phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Từ góc nhìn của ông, chính sách đang vướng mắc như thế nào và cần sửa ra sao?

- Chúng ta đang chi trả theo phí dịch vụ, điều này dễ dẫn đến lạm dụng dịch vụ vì càng làm nhiều dịch vụ càng được chi trả nhiều.

Trong khi các nước đã áp dụng phương thức thanh toán là khoán định suất hoặc thanh toán theo nhóm chẩn đoán, theo ca bệnh. Khoán định suất thì rất nhiều bệnh viện rất sẵn sàng.

Còn thanh toán theo nhóm chẩn đoán, nếu mình không có điều kiện làm ngay có thể thanh toán theo ca bệnh. Đã có một số bệnh viện thực hiện hình thức thanh toán này, như một ca ruột thừa thì chi phí bảo hiểm trả tổng cộng là bao nhiêu để đảm bảo điều trị hiệu quả.

Như ông nói, nếu hiệu quả thì vì sao vẫn thí điểm, mà chưa thực hiện để sớm giải quyết các vướng mắc một bên bị cho là lạm dụng dịch vụ, một bên lại bị cho là cứ bo bo giữ tiền?

- Bộ Y tế là cơ quan ban hành chính sách, nên chỉ ngành y tế mới có đủ thẩm quyền quyết định phương thức thanh toán, chúng tôi là cơ quan thực thi.

Khi đã xác định nguyên nhân của vướng mắc do cơ chế thanh toán thì rất cần sớm sửa đổi, nếu không cứ mãi xảy ra tình trạng một bên bị cho là cứ bo bo giữ tiền, trong khi đây là tiền dân đóng để khi cần khám chữa bệnh họ được chi trả, một bên bị cho là lạm dụng dịch vụ vì mục đích kinh tế.

Nếu giải quyết được về cơ chế thì hết vướng mắc. Vấn đề là ngành y tế có mạnh dạn hay không, có thấy đáng làm hay không, hay là vẫn giữ phương thức thanh toán bất cập, từ đó nảy sinh vướng mắc giữa hai bên, khiến việc giải quyết quyền lợi người dân bị ảnh hưởng.■

Hiện tại, toàn ngành y tế đang thực hiện khoảng 19.000 kỹ thuật nhưng phiên tương đương ra 12.000 dịch vụ. Sau nhiều lần ban hành danh mục kỹ thuật, đã có 9.500 dịch vụ đã được thống nhất, còn trên 2.000 dịch vụ đang tiếp tục được phiên tương đương để thống nhất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận