Ngày 15-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị "Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2023 và bàn giải pháp nhiệm vụ năm 2024". Đáng chú ý, giá cá tra thương phẩm thấp hơn giá thành nuôi cá tra hơn 3.000 đồng/kg, người nuôi thua lỗ nặng.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long thả nuôi trên 5.700ha (bằng khoảng 98% so với cùng kỳ), ước đạt 1,61 triệu tấn, tương đương với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý là giá cá tra giống cỡ 30 con/kg trung bình dao động trong khoảng 31.000 - 32.000 đồng/kg. Ba tháng đầu năm 2023, giá giống cá tra dao động mức 40.000 - 43.000 đồng/kg. Sau đó cá tra giống giảm xuống còn 25.000 - 29.000 đồng/kg cho đến hiện nay.
Trong khi đó, giá thu mua cá tra nguyên liệu năm 2023 chỉ dao động ở mức 27.000 - 27.500 đồng/kg loại I tùy thời điểm, thấp hơn mức trung bình năm 2022 khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Ở thời điểm hiện tại, giá cá tra thương phẩm đang được doanh nghiệp chế biến thu mua ở mức 25.500 đồng/kg.
Theo kết quả xác định chi phí sản xuất cá tra nguyên liệu tháng 10 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giá thành cá tra nguyên liệu dao động trong khoảng 26.500 - 26.900 đồng/kg. Như vậy, với mức giá thu mua và giá thành sản xuất như hiện nay, người nuôi hiện không có lãi.
Theo VASEP, tính đến tháng 11, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,6 tỉ USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam năm 2023 đều có xu hướng giảm, Trung Quốc giảm 21,8%, Hoa Kỳ giảm 53,1%, EU giảm 17,2%... Thị trường Đức, Anh, Brazil, Saudi Arabia tăng trưởng dương nhưng đây là những thị trường chiếm tỉ trọng nhỏ.
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), sản lượng cá tra ước tính đạt 3,13 triệu tấn vào năm 2023 (tăng 0,5% so với sản lượng 3,11 triệu tấn năm 2022), dẫn đầu là Việt Nam với 1,62 triệu tấn, tiếp theo là Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh và Trung Quốc. Dự báo sản lượng cá da trơn/cá tra năm 2024 tăng 2,8% so với năm 2023.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết Đồng bằng sông Cửu Long là nơi xuất khẩu nông sản chủ lực của quốc gia, trong đó An Giang là địa phương xuất khẩu rất nhiều nông sản, thủy sản, cây ăn quả. Hiện nay, bộ đang phối hợp với các địa phương hình thành lại đề án cá tra 3 cấp mới, hoàn thiện, đầy đủ định hướng, giải pháp để thúc đẩy ngành hàng phát triển hơn.
"Ngành hàng cá tra 3 cấp ở An Giang đang thực hiện đồng bộ là có hai dòng. Dòng cá sạch bệnh và dòng cá tăng trưởng bước đầu rất tốt. Tuy nhiên, tỉ lệ cá giống được sinh sản tương đối thấp, chưa đáp ứng kế hoạch như 4 - 5 tỉ con giống. Sắp tới, đề án này sẽ được tổng kết, đánh giá để hình thành đề án cá tra mới hoàn thiện hơn", ông Tiến nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận