Thí sinh dự thi ĐH năm 2014 - Ảnh: Minh Giảng |
Tại hội nghị triển khai kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 do Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.HCM ngày 17-4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay đến nay Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia, hiện chỉ còn văn bản hướng dẫn tổ chức công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2015.
“Trong quá trình soạn thảo các văn bản này Bộ GD-ĐT đều tổ chức các cuộc họp tham khảo ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, các nhà giáo và người dân để điều chỉnh cho phù hợp. Đây là lần đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nên vẫn còn nhiều băn khoăn… Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng từ nay đến ngày thi Bộ GD-ĐT tiếp tục lắng nghe ý kiến để điều chỉnh và thực hiện cho tốt kỳ thi này” – ông Ga cho biết.
Có kết quả sơ tuyển trước ngày 1-8
Về tổ chức tuyển sinh Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển chỉ xét tuyển các thí sinh đã đăng kí sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ. Theo lịch tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 Bộ GD-ĐT vừa công bố năm nay sẽ có bốn đợt xét tuyển, cụ thể: các trường ĐH, CĐ nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 từ ngày 1 đến 20-8 và công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 trước ngày 25-8; các trường ĐH, CĐ xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 từ ngày 25-8 đến hết ngày 15-9 và công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 trước ngày 20-9; các trường ĐH, CĐ xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 từ ngày 20-9 đến hết ngày 5-10 và công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 trước ngày 10-10; các trường ĐH, CĐ xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 3 từ ngày 10 đến hết ngày 25-10 và công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 3 trước ngày 31-10. Các trường CĐ xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 4 từ ngày 31-10 đến hết ngày 15-11 và công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 4 trước ngày 20-11.
Các trường có tổ chức sơ tuyển và các trường có tổ chức thi môn năng khiếu, cần xây dựng kế hoạch sơ tuyển hoặc thi các môn năng khiếu sao cho có kết quả sơ tuyển hoặc thi năng khiếu trước ngày 1-8… Đối với các trường tuyển sinh riêng tổ chức tuyển sinh theo đề án tự chủ tuyển sinh đáp ứng các yêu cầu quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy và được Bộ GD-ĐT xác nhận bằng văn bản. Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 31-10 đối với trường đại học và ngày 20-11 đối với trường cao đẳng.
Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh
Về chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, thí sinh phải minh chứng để được hưởng ưu tiên theo đối tượng: bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đối tượng ưu tiên; đối với thí sinh thuộc đối tượng người có công với cách mạng hoặc con của người có công với cách mạng, giấy chứng nhận để hưởng ưu tiên là bản sao hợp lệ Quyết định trợ cấp, phụ cấp đối với người có công của sở lao động - thương binh và xã hội.
Trường hợp chưa kịp làm thủ tục để được hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp theo quy định, cần phải cung cấp đầy đủ hồ sơ được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định tại Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 của Chính phủ, quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Mức điểm ưu tiên xác định được tính đối với thang điểm 10 và tổng điểm tối đa của 3 môn thi trong tổ hợp xét tuyển là 30. Các trường sử dụng thang điểm khác thang điểm 10 hoặc tổng điểm tối đa của 3 môn thi trong tổ hợp xét tuyển khác 30 (ví dụ trường hợp nhân hệ số môn thi chính), phải quy đổi điểm xét tuyển về thang điểm 10 trên sau đó tiến hành cộng điểm ưu tiên hoặc phải quy đổi điểm ưu tiên về thang điểm mà trường đang sử dụng.
Điểm liệt là 1 điểm
Điều kiện tham gia xét tuyển của thí sinh: đối với thí sinh đăng kí vào trường tổ chức tuyển sinh riêng có đủ điều kiện tham gia tuyển sinh quy định tại điều 6 của Quy chế tuyển sinh và đáp ứng các yêu cầu xét tuyển quy định tại đề án tự chủ tuyển sinh của trường.
Đối với thí sinh đăng kí vào trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển phải có đủ điều kiện tham gia tuyển sinh quy định tại điều 6 của Quy chế tuyển sinh; đã đăng kí sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ; tổng điểm các môn thi của khối thi dùng để xét tuyển không thấp hơn điểm xét tuyển do trường quy định và không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1 điểm trở xuống. Đồng thời, đáp ứng các yêu cầu khác về điều kiện xét tuyển do trường quy định và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường.
Đối với xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia trước mỗi đợt xét tuyển, các trường thông báo công khai trên trang thông tin điện tử các nội dung: chỉ tiêu của các ngành hoặc nhóm ngành (gọi chung là ngành) đối với đợt xét tuyển đó; tổ hợp các môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành. Trường hợp sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành, trường cần quy định rõ cách thức xét tuyển đối với từng tổ hợp.
Lưu ý đối với những ngành trường đã tuyển sinh từ năm 2014 trở về trước phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu để xét tuyển theo khối thi truyền thống (khối thi áp dụng từ năm 2014 trở về trước); cách thức xử lý khi các thí sinh có cùng điểm xét tuyển; các điều kiện bổ sung (nếu có); điểm xét tuyển của trường hoặc từng ngành theo từng tổ hợp môn thi được trường sử dụng để xét tuyển. Điểm xét tuyển không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định và đảm bảo yêu cầu: điểm xét tuyển đợt xét tuyển sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước.
Quy trình, hồ sơ đăng kí xét tuyển (ĐKXT)
Đối với xét tuyển nguyện vọng I thí sinh chỉ được sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển đợt I để đăng kí vào một trường (ĐH, CĐ), mỗi trường thí sinh được đăng kí tối đa bốn nguyện vọng vào ngành (hoặc nhóm ngành) xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Trong thời gian 20 ngày xét tuyển nguyện vọng I, nếu cần thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng kí ở trường đó hoặc rút hồ sơ để đăng kí sang trường khác.
Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng I, không được đăng kí ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Các nguyện vọng (từ 1 đến 4 trong một trường) của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau.
Đối với xét tuyển các nguyện vọng bổ sung thí sinh có thể dùng đồng thời ba giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung để đăng kí tối đa vào ba trường và mỗi trường được đăng kí tối đa 4 nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Trong thời gian của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không được rút hồ sơ.
Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển thí sinh được rút hồ sơ để đăng kí xét tuyển trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo. Thí sinh đã trúng tuyển vào trường, không được tham gia xét tuyển ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo. Các nguyện vọng (từ 1 đến 4 trong một trường) của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau.
Trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường. Hồ sơ và lệ phí ĐKXT của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau. Để tạo điều kiện cho người tham gia ĐKXT, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH, CĐ cho các thí sinh thay đổi nguyện vọng ĐKXT theo hình thức trực tuyển.
Bộ GD-ĐT yêu cầu trong thời gian nhận hồ sơ của mội đợt xét tuyển, ba ngày một lần các trường công bố trên trang thông tin điện tử của mình danh sách các thí sinh đã đăng kí xét tuyển vào trường theo từng ngành và xếp theo kết quả thi từ cao đến thấp. Đồng thời bộ cũng khuyến khích các trường công bố kết quả trúng tuyển tạm thời cập nhật đến ngày công bố.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng nhắc nhở khi thí sinh đến nhập học, Hội đồng tuyển sinh trường tổ chức kiểm tra hồ sơ đã nộp, đặc biệt là giấy tờ để được hưởng chế độ ưu tiên của thí sinh. Trường hợp phát hiện các sai sót, phải báo cáo kịp thời cho Hội đồng tuyển sinh để xử lý theo quy định của Quy chế tuyển sinh. Trong quá trình sinh viên đang theo học, trường tổ chức thanh, kiểm tra hồ sơ và kết quả thi của thí sinh.
Hồ sơ đăng ký xét tuyển bao gồm: - Phiếu đăng kí xét tuyển có ghi rõ đợt xét tuyển, được đăng kí 4 ngành của một trường cho mỗi đợt xét tuyển, các nguyện vọng được xếp thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Mỗi nguyện vọng cần chỉ rõ ngành đăng kí xét tuyển và tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển (theo mẫu quy định); - Bản gốc Giấy chứng nhận kết quả thi ghi rõ đợt xét tuyển và điểm của tất cả các môn thi mà thí sinh đã đăng kí dự thi (theo mẫu quy định) có đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi; - Một phong bì đã dán sẵn tem, có ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh; - Thí sinh không dùng quyền tuyển thẳng, đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 7 Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, hồ sơ ĐKXT có thêm: Phiếu đăng ký ưu tiên xét tuyển theo mẫu quy định; một trong các giấy chứng nhận sau: Giấy chứng nhận đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông; Giấy chứng nhận đoạt giải Hội thi khoa học kỹ thuật năm 2015; Giấy chứng nhận đoạt giải quốc tế về thể dục thể thao, năng khiếu nghệ thuật. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận