Mô hình tiết học kết nối có xuất phát điểm từ thực trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh sau khi triển khai chương trình mới.
Từ việc thiếu giáo viên
Từ năm học 2021-2022, khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai ở lớp 3, rất nhiều địa phương như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái thiếu trầm trọng giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học. Ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang) hay Mù Cang Chải (Yên Bái) chỉ có một giáo viên tiếng Anh tiểu học, có nơi còn không có.
Thầy Nguyễn Xuân Khang (Trường phổ thông liên cấp Marie Curie Hà Nội) đề xuất hợp tác với huyện Mèo Vạc. Trường Marie Curie cử giáo viên dạy trực tuyến tiếng Anh cho học sinh lớp 3 ở Mèo Vạc. Cách làm này được lan tỏa rất nhanh vào năm học sau đó. Các sở GD-ĐT Lâm Đồng, TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang... đều cử giáo viên hỗ trợ các tỉnh miền núi khó khăn dạy trực tuyến. Có sở GD-ĐT còn ký kết các chương trình hợp tác rõ ràng.
Theo bà Dương Bích Nguyệt, giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai, trong những năm qua Lào Cai có nhiều giải pháp quyết liệt, nhưng hiện vẫn còn thiếu khoảng 600 giáo viên, chủ yếu là giáo viên tin học, tiếng Anh.
Ngoài các chương trình hợp tác được ký kết ở cấp sở, tại Lào Cai, Yên Bái nhiều hiệu trưởng và cá nhân các thầy cô giáo cũng chủ động tìm đối tác. Một số trường ở Mù Cang Chải, Si Ma Cai phải tổ chức ghép nhiều lớp thành lớp lớn. Các lớp có thể vừa được học trực tiếp với giáo viên tại trường, vừa học trực tuyến với giáo viên ở nơi khác. Thậm chí giáo viên của một trường có thể dạy trực tuyến cho học sinh nhiều lớp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.
Tại một số trường vùng khó, giáo viên cũng kết nối với các trung tâm dạy ngoại ngữ để mời giáo viên nước ngoài tham gia dạy, vừa giúp giáo viên ở trường bớt quá tải, vừa hỗ trợ để rèn kỹ năng nghe nói cho học sinh.
"Trong cái khó, ló cái khôn", những "cái bắt tay" nhiều ân tình giữa miền xuôi với miền ngược, giữa vùng thuận lợi với khó khăn, giữa giáo viên ít khó khăn hơn với giáo viên khó khăn nhiều hơn là câu chuyện đẹp của thời kỳ đổi mới.
Năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT Hà Nội cử gần 300 giáo viên dạy tiếng Anh trực tuyến cho các trường của Yên Bái. Nhiều giáo viên ở Hà Nội cho biết họ cũng rất bận rộn nhưng khi nhận nhiệm vụ, tiếp xúc, trao đổi với giáo viên ở vùng khó khăn và thấu hiểu hơn những vất vả đồng nghiệp và học sinh vùng cao trải qua thì lại thấy bớt đi mệt nhọc. Và điều không ngờ là sự hỗ trợ cũng mang đến cho họ những trải nghiệm có ích cho nghề, như một cách cho đi và được nhận lại nhiều điều quý giá.
Đến các lớp học kết nối linh hoạt
Từ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy trực tuyến, nhiều trường học ở vùng khó dấn thêm một bước, triển khai mô hình lớp học kết nối theo nhiều cách thức linh hoạt, đa dạng. Và không phải chỉ để giải quyết việc thiếu giáo viên nữa mà các lớp học kết nối giúp học sinh được tiếp cận với nhiều phương pháp dạy học, trải nghiệm, rèn kỹ năng, thu hẹp hơn khoảng cách chất lượng giữa trường ở vùng thấp với trường vùng cao.
Cô Nguyễn Thị Thơm, phó hiệu trưởng Trường Khánh Yên, huyện Văn Bàn, Lào Cai, cho biết từ năm học trước, nhà trường đã yêu cầu mỗi giáo viên phải dạy 3-6 tiết học kết nối trong năm học. Giáo viên tự tìm "mối" để hợp tác, lên kế hoạch dạy kết nối ở môn nào, bài nào, cách thức thế nào để đăng ký với nhà trường.
Theo cô Ngô Thị Nương, tổ trưởng tổ 2 - 3 của Trường Khánh Yên, với tiết học kết nối, có thể giáo viên của Khánh Yên hoặc giáo viên của nơi khác sẽ dạy. Nhưng có khi cả hai giáo viên cùng xây dựng giáo án để kết hợp dạy hoặc tổ chức hoạt động cho học sinh hai lớp. Học sinh hai nơi tham gia lớp học và tương tác với nhau qua phần mềm dạy học trực tuyến kết nối với ti vi thông minh ở lớp học.
"Nhiều tiết học, sự kết nối không phải để dạy một bài học mà chỉ để đối tác hỗ trợ cho học sinh xem các hình ảnh thực tế của một địa phương khác. Ví dụ học sinh của tôi muốn xem và nghe giới thiệu về nhà rông ở Tây Nguyên, tôi kết nối với đồng nghiệp ở Đắk Lắk để thầy ghi hình trực tiếp có thuyết minh. Khi học về bảo vệ rừng, giáo viên kết nối với chú kiểm lâm để chú nói chuyện qua phần mềm trực tuyến với học sinh, kèm theo các hình ảnh sống động. Hay học về luật giao thông, các em có thể được xem hình ảnh cảnh sát giao thông điều khiển, trao đổi về những việc học sinh không được vi phạm" - cô Nương nói.
Cô Nguyễn Thị An, giáo viên tiếng Anh ở Trường tiểu học Khánh Yên, thì cho biết với đặc thù riêng, môn tiếng Anh của cô thực hiện "kết nối" từ 4-5 năm trước. Ngoài kết nối với giáo viên các trường trong tỉnh, với các trung tâm dạy ngoại ngữ để học sinh có cơ hội luyện nghe nói với giáo viên nước ngoài, cô An tìm kiếm các đối tác nước ngoài.
"Không dễ tìm kiếm đối tác ở nước ngoài nhưng tôi cũng đã có những tiết học kết nối với trường học ở Ấn Độ, Malaysia để học sinh thêm hiểu biết về văn hóa, cảnh quan, thời tiết ở những nước này qua một số chủ đề cụ thể, đồng thời để các em làm quen với việc tương tác, giới thiệu về văn hóa truyền thống của mình với các bạn nước ngoài", cô An nói.
Ở Lào Cai, mô hình dạy học kết nối được đưa vào nhiệm vụ năm học 2024-2025 ở tất cả các cấp. Mỗi cấp học sẽ có các hình thức, nội dung thực hiện khác nhau. Có khi thực hiện kết nối theo chủ đề liên môn, hoặc chủ đề lớn trong một đơn môn, nhưng cũng có khi kết nối chỉ là phần hỗ trợ giáo viên trong một bài giảng, hoạt động trải nghiệm. Kết nối thực hiện giữa sở GD-ĐT với sở GD-ĐT, giữa phòng giáo dục với phòng giáo dục, trường với trường, giáo viên với giáo viên, giáo viên với học sinh...
Năm 2023-2024, ở Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai), cô Đặng Thị Lan đã thực hiện tiết học kết nối ở môn tiếng Anh cho học sinh lớp 5 với chủ đề "My school". Kết nối với cô Lan là giáo viên của Trường tiểu học Bertam Indah Primary School (Malaysia) và Trường tiểu học Sekolah Rendah Lambak Kanan Jln 49 (Brunei). Học sinh được thực hành các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Anh và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin qua việc sử dụng phần mềm Powerpoint để thuyết trình, dùng phần mềm Mindmap để vẽ sơ đồ tư duy về ngôi trường em yêu thích, củng cố kiến thức qua trò chơi Kahoot...
Phần tương tác với học sinh ở hai trường nước ngoài, các bạn học sinh của cô Lan có cơ hội được giao tiếp, cùng với các bạn học sinh hai nước trên giải quyết một tình huống học tập cụ thể.
Cô Lý Thị Thu Hường, Trường THPT số 1 TP Lào Cai, từng thực hiện tiết học kết nối với Trường San Pedro College Basic Education (Philippines) qua phần mềm Zoom. Cô Hường cho biết học sinh rất thích thú với tiết học thế này. Không chỉ có cơ hội giao tiếp bằng tiếng Anh, các em còn trao đổi về những đề tài như bảo vệ môi trường của thế hệ trẻ toàn cầu, hay giới thiệu về văn hóa truyền thống của hai nước.
Hàng nghìn hoạt động kết nối
Theo số liệu của Sở GD-ĐT Lào Cai, trong năm học trước, chỉ riêng cấp tiểu học của tỉnh này đã triển khai 2.943 hoạt động kết nối giữa các điểm trường trong nhà trường, 3.220 giữa các trường trong phạm vi huyện và 1.409 giữa các trường của Lào Cai. Ngoài ra, có gần 1.000 hoạt động kết nối giữa trường học ở Lào Cai với trường học ở Ninh Bình, TP.HCM, Nam Định, Hà Nội và 348 hoạt động kết nối giữa trường học ở Lào Cai với trường học ở các quốc gia: Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc, Nigeria, Thái Lan, Philippines...
Mô hình 3-2-1
Phòng GD-ĐT TP Lào Cai mới đây đưa ra mô hình dạy học kết nối 3-2-1 để thảo luận nhằm áp dụng rộng rãi. Đó là mô hình có tổi thiểu 3 trường trong tỉnh, 2 trường ngoài tỉnh và 1 trường nước ngoài cùng thực hiện tiết học kết nối qua ứng dụng công nghệ số. Nhiều trường học ở Lào Cai đã chủ trì tổ chức tiết học kết nối 3-2-1, không chỉ ở môn tiếng Anh mà còn ở cả các môn học khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận