Từ trái sang: Nguyễn Hoàng Thiện, Geneva Marcelino và Alex Ward - Ảnh: HOÀNG THIỆN
Từ đây, cặp đôi cũng tìm được khao khát muốn làm điều gì đó thật ý nghĩa cho những chú chó, mèo bị bỏ rơi tại Việt Nam. Họ kết hợp cùng người bạn thân - anh Nguyễn Hoàng Thiện, để bắt đầu hành trình của mình.
6 ngày và 3.300km
Dự án Pawfect Match hỗ trợ nhận nuôi động vật ra đời cách đây hai năm, kế đó là R-House, một doanh nghiệp xã hội kết nối với các trạm cứu hộ địa phương được hình thành. Gần đây nhất, họ thực hiện chuyến xe xuyên Việt từ TP.HCM đến Hà Nội để đưa các chú chó, mèo mắc kẹt vì dịch bệnh về với chủ nuôi.
Dự án "Hành trình cứu trợ thú cưng xuyên Việt" (The Vietnam Cross-Country Rescue Caravan) được khởi động từ ngày 24-10, đi từ TP.HCM qua Đà Lạt, Di Linh, Buôn Ma Thuột, Quảng Ngãi, Hà Nội, sau đó quay về lại TP.HCM. Chuyến đi gồm hai tài xế và một tình nguyện viên hỗ trợ từ Clown Vietnam, còn Geneva chịu trách nhiệm chăm sóc thú nuôi, giữ vệ sinh trên chuyến xe.
"Ban đầu chúng tôi chỉ đăng một chia sẻ trên Facebook nói về ý định muốn làm điều gì đó để giúp đỡ các bé chó, mèo xa chủ trong đợt dịch vừa qua, bởi có nhiều trường hợp chủ nuôi gặp khó khăn để đưa các bé về lại nhà.
Sau khi đăng tải, chúng tôi nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng, và từ đó dự án chuyến xe xuyên Việt được thành lập" - Nguyễn Hoàng Thiện, đồng sáng lập R-House, hiện đang là du học sinh tại Mỹ, cho biết.
Dự án mở đơn đăng ký cho những người chủ nuôi có thú cưng đang ở xa do không kịp mang theo cùng hoặc bị kẹt lại trong đợt dịch vừa qua. Các bé chó, mèo sẽ được đưa về cho chủ nuôi ở tại các tỉnh thành mà chuyến xe đi qua. Để tìm ra người thực sự cần giúp đỡ, nhóm thực hiện dự án sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể.
Trên hành trình kéo dài 6 ngày, cả nhóm may mắn khi đi qua các tỉnh, thành mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Cứ mỗi 3 tiếng, xe dừng lại một lần để Geneva dẫn các bé chó đi dạo và vệ sinh. Bên trong chiếc xe cũng được thiết kế lại để có đủ chỗ cho những người tham gia dự án và các bé chó, mèo đi cùng.
"Ngoài việc dọn dẹp, đảm bảo vệ sinh trên xe, tôi phải vỗ về, chăm sóc các bé chó, mèo khi chúng căng thẳng vì đi quãng đường xa. Ngoài ra, do chó và mèo đi cùng chuyến xe nên còn phải giữ để chúng không gây hấn với nhau", cô gái người Philippines chia sẻ.
Trong số những người đăng ký nhờ dự án đưa các bé chó, mèo về nhà, Hoàng Thiện cho biết có một trường hợp chủ nuôi rời TP.HCM về Đà Lạt sau đó không thể quay lại thành phố. Vì vậy, ba chú chó của anh không có người chăm sóc suốt nửa năm trời. Người chủ chỉ có thể đặt thức ăn hạt, sau đó nhờ shipper cắt bịch ra và ném vào nhà để các chú chó cầm cự.
"Khi nghe báo, nhóm dự án đến nhà anh thì nhận được tin hai trong ba chú chó đã chết, điều kiện sống vô cùng mất vệ sinh vì chúng ăn và đi vệ sinh cùng một chỗ, không có người lau dọn. Khi chú chó còn lại được mang đến phòng khám thú y, bác sĩ bắt được hàng trăm con ve, và chú chó còn bị các bệnh về da, gan, thận và đường tiêu hóa", Thiện nói.
Do tình trạng sức khỏe kém, chú chó này hiện tạm thời được nuôi và chăm sóc tại R-House TP.HCM, chờ khi ổn định sẽ đưa về cho chủ nuôi tại Đà Lạt sau. Sắp tới, dự án sẽ tiếp tục được thực hiện để đưa các bé chó, mèo về cho chủ nuôi, đặc biệt là đối với các hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện vận chuyển.
Những bé thú cưng đều rất xứng đáng để được bảo vệ. Chúng là những sinh vật có tri giác và đã trở thành bạn đồng hành trong cuộc sống của mỗi chúng ta.
Geneva Marcelino
Kết nối những yêu thương
Anh Alex Ward cho biết trong suốt mùa dịch, nhóm đã nghe rất nhiều câu chuyện thương tâm về các bé chó, mèo kém may mắn. Vì vậy, cả Geneva, Alex và Thiện đều mong có thể chủ động đứng ra giúp đỡ những vật nuôi này để không có con chó, mèo nào bị bỏ lại phía sau.
"Trong cuộc sống, có rất nhiều lý do để ngăn cản chúng ta làm một việc gì đó. Tuy vậy, mình nghĩ tình thương chính là thứ thúc đẩy bọn mình làm được nhiều việc. Nghĩ đến cảnh các bé thú cưng đang chờ đợi được gặp lại chủ và hạnh phúc thế nào khi được về nhà, tụi mình có nhiều động lực hơn để cố gắng", Alex chia sẻ.
Kể từ khi nhận nuôi chú chó từ Trạm cứu hộ chó mèo Sài Gòn Time, Geneva và Alex đã suy nghĩ rất nhiều về "đầu ra" cho các trạm này. Theo Geneva, lượng chó, mèo ở trạm cứu hộ rất lớn, có khi lên đến cả vài trăm con, nên dễ dẫn đến tình trạng quá tải và các bé chó dành nhiều năm ở trạm.
"Chúng tôi thành lập dự án Pawfect Match để kết nối những người muốn nhận nuôi với các bé chó, mèo bị bỏ rơi, có hoàn cảnh đáng thương tại các trạm cứu hộ địa phương. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo tìm được chủ nuôi phù hợp với các bé", Alex cho biết. Vì vậy, Pawfect Match đã đề ra quy trình tuyển chọn và "mai mối" chủ nuôi với các bé chó, mèo qua danh sách khoảng 50 câu hỏi chi tiết.
Sau đó Geneva, Alex và Thiện tiếp tục thành lập R-House - một doanh nghiệp xã hội, nơi nhận nuôi các bé chó từ trạm cứu hộ, cho chúng không gian để tái hòa nhập, lấy lại lòng tin đối với con người.
Dưới hình thức một nhà hàng thuần chay và tổ chức nhiều sự kiện cộng đồng, ba bạn trẻ biến R-House trở thành nơi để thực khách có nhiều cơ hội tiếp xúc với các bé chó tại đây, từ đó tăng khả năng tìm được chủ mới cho các bé.
"Có những vị khách sau khi đến quán thì liên hệ lại và xin được nhận nuôi các bé chó. Nhiều trường hợp các bé ở trạm cứu hộ nhiều năm không có ai nhận, sau khi đến R-House đã được nhận nuôi sau một thời gian ngắn.
Với mỗi bé được nhận nuôi, chúng tôi lại có thể nhận thêm một bé khác từ trạm cứu hộ địa phương, và trạm lại trống chỗ để tiếp tục cứu các trường hợp khác. Đây là cách mà mô hình này vận hành", Hoàng Thiện giải thích.
Sau hai năm hoạt động, đã có hàng trăm chú chó, mèo được Geneva, Alex và Hoàng Thiện nhận nuôi dưỡng, giữ hoặc kết nối thành công với các chủ nuôi.
Tạo ảnh hưởng tích cực cho động vật
Theo Geneva, thông điệp lớn nhất của các dự án mà nhóm thực hiện là mong muốn chia sẻ "Ngôi nhà chung" - Trái đất đến với nhiều sinh vật khác. "Là con người, tụi mình có sức mạnh để biến thế giới này thành ngôi nhà an toàn cho nhiều sinh vật hơn.
Chúng mình muốn tạo ra được những ảnh hưởng tích cực cho các loài động vật", Geneva chia sẻ. Hiện nay nhóm hợp tác cùng hai trạm cứu hộ là Sài Gòn Time (SGT) và Saigon Animal Rescue (SAR) để tìm "đầu ra" cho các bé chó, mèo của trạm.
Tất cả các bé chó, mèo mà R-House nhận về đều có những câu chuyện thật đặc biệt. Trên hết, chúng đều có quá khứ bị tổn thương, và phải học cách tìm lại niềm tin đối với con người.
"Nhiều bé khi mới chuyển từ trạm cứu hộ sang rất nhút nhát, chỉ toàn chui xuống gầm cầu thang trốn. Có bé bị đánh đập, bỏ rơi, đi lạc, bị bạo hành, thậm chí bị chặt đứt cả chân sau nên chúng bị ám ảnh rất nhiều", Thiện nói. Tuy vậy, chúng vẫn đầy tình yêu thương và vô cùng gần gũi mặc cho nhiều biến cố xảy ra.
"Có lần khi mình vừa bước vào cổng, có một bé chó bị mù vì trước đó bị đánh đập đến lòi cả mắt, phải phẫu thuật múc bỏ. Thế nhưng bé chó ấy vẫn đi lại cạnh mình vẫy đuôi mừng, rồi ngồi vào lòng mình. Lúc đó mình thật sự muốn khóc", Hoàng Thiện nhớ lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận