Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quảng cáo sẽ bổ sung nội dung về quyền và trách nhiệm của người chuyển tải quảng cáo.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Ninh Thị Thu Hương, cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết trước thực trạng quảng cáo thổi phồng chất lượng, dự thảo sửa đổi Luật quảng cáo sẽ có thêm những nội dung liên quan đến người chuyển tải quảng cáo.
Người chuyển tải nói quá, thổi phồng sẽ bị xử lý
* Luật quảng cáo đã có hiệu lực hơn 10 năm. Lần này dự thảo sửa đổi tập trung vào những nội dung nào?
- Từ khi Luật quảng cáo ra đời (năm 2012) thay thế cho Pháp lệnh quảng cáo đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để ngành quảng cáo phát triển theo hướng công khai, minh bạch trong bối cảnh hội nhập kinh tế.
Tuy nhiên theo thời gian, những hạn chế trong hoạt động quảng cáo cũng dẫn đến cần thiết phải có sự điều chỉnh để theo kịp.
Cụ thể như vấn đề cân bằng các yếu tố văn hóa - kinh tế trong hoạt động quảng cáo, sự thích ứng của các doanh nghiệp quảng cáo trước các xu hướng quảng cáo mới trên thế giới.
Một số tồn tại vướng mắc, gây khó khăn trong quá trình thực hiện cần có sự điều chỉnh pháp luật, như thiếu cơ chế để kiểm soát hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới của các tổ chức, cá nhân nước ngoài, và sự hạn chế hình thức tham gia của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài trong thị trường quảng cáo Việt Nam.
Việc xác định tính trung thực, chính xác của một số nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn gây ra nhiều ý kiến trái chiều, bất ổn trong xã hội.
Ngoài ra, sự phát triển của khoa học, công nghệ cũng đã tạo ra sự thay đổi của doanh nghiệp trong việc lựa chọn phương tiện quảng cáo để quảng cáo cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phù hợp với khả năng, điều kiện của họ.
Đặc biệt, một trong những vấn đề báo chí nói tới trong thời gian qua là hoạt động quảng cáo trên Internet, mạng xã hội thông qua người nổi tiếng, người có ảnh hưởng chưa có sự kiểm soát của quy định pháp luật và của cơ quan quản lý nhà nước, gây ra hiện tượng quảng cáo tràn lan, thiếu chính xác…
* Tính phù hợp và trung thực trong nội dung quảng cáo dường như là nội dung gây bức xúc nhất. Làm sao để kiểm soát điều này?
- Dự thảo xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quảng cáo thời gian tới sẽ tăng cường trách nhiệm quản lý của cơ quan chuyên môn. Ngoài sự phối hợp giữa các bên thì nhấn mạnh vai trò của các cơ quan chuyên môn.
Tôi lấy ví dụ quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng ở lĩnh vực y tế thì ngành y tế phải kiểm soát kỹ nội dung quảng cáo. Đối với phương tiện truyền thông, khi đã có giấy phép của cơ quan chuyên ngành thì phải kiểm tra kỹ thông điệp, nội dung thể hiện trên các sản phẩm đó có đúng trên nhãn hiệu hàng hóa hay không.
Mặc dù chúng ta có cơ chế hậu kiểm, vừa qua cũng đẩy mạnh, nhưng về cơ chế, chế tài thì cũng chưa đủ sức mạnh, răn đe để kiểm soát hết nội dung, tránh quảng cáo nói quá.
Theo nhận định của chúng tôi, hiện nay các hành vi vi phạm trong lĩnh vực vẫn còn nhiều do sự thiếu sự đồng bộ trong cơ chế kiểm soát và xử lý vi phạm.
Do vậy, những nội dung sửa đổi trong Luật quảng cáo sẽ phân rõ trách nhiệm cho các bên, cũng như đưa các nội dung rõ hơn về tính năng, chất lượng hàng hóa, trong đó có nội dụng quan trọng là đẩy mạnh cơ chế thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
* Như báo Tuổi Trẻ phản ánh, thời gian qua rất nhiều người nổi tiếng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo chưa đúng về chất lượng sản phẩm. Trong đó có cả việc quảng cáo sai về thuốc chữa bệnh, thổi phồng công năng. Làm sao để kiểm soát việc này?
- Trong nội dung sửa đổi luật sắp tới, chúng tôi đưa thêm một nội dung về quyền và trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Trước đây, trong luật chúng ta mới đưa ra trách nhiệm quản lý, trách nhiệm của những người tham gia hoạt động quảng cáo. Nhưng bây giờ có thêm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là những người mà sử dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội hoặc được thuê quảng cáo cho các sản phẩm hàng hóa.
Cũng cần hiểu người chuyển tải sản phẩm quảng cáo không những là những người nổi tiếng, mà thậm chí là người bình thường nhưng sử dụng Facebook hoặc các trang các nhân trên mạng xã hội để quảng cáo. Sắp tới nội dung quyền và trách nhiệm của nhóm đối tượng này sẽ được đưa vào luật.
Trong dự thảo đề cương chi tiết hiện nay, chúng tôi đã đưa vào rồi và sẽ tiếp tục lấy ý kiến thêm để hoàn thiện trước khi trình.
Khán giả sẽ phản ứng nếu phim 30 phút mà 5-6 lần quảng cáo
Theo bà Ninh Thị Thu Hương, hiện nay có một số đài truyền hình tự hạch toán thu chi. Do vậy, để thuận lợi hơn cho các đài trọng việc chủ động nguồn kinh phí từ khai thác quảng cáo, trong lần này dự thảo của luật cũng đưa ra sự điều chỉnh về tỉ lệ: Không quy định trong phim thì được quảng cáo không quá 4 lần, mỗi lần 5 phút nữa, mà căn cứ vào thời lượng phát phim để cho các đài tự chủ động.
"Chúng tôi hướng tới việc quảng cáo sẽ hài hòa với thời lượng phim, ví dụ phim ngắn hay phim dài. Nếu thời lượng phim 30 phút mà tới 5-6 lần quảng cáo thì trước hết người xem phim sẽ chủ động phản ứng" - bà Hương nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận