Ông Huỳnh Văn Nén (bìa phải) và cha Huỳnh Văn Truyện đến thăm nhà ông Nguyễn Thận (bìa trái) - Ảnh: Ng. Nam |
Trưa 2-12, ông Biện Văn Hoan trả lời những câu hỏi mà bạn đọc Tuổi Trẻ đã hỏi cơ quan này về trách nhiệm, bồi thường cho vụ án oan sai ông Huỳnh Văn Nén.
* Thưa ông, việc xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén được tiến hành như thế nào?
- TAND tỉnh Bình Thuận phải có trách nhiệm đứng ra xin lỗi theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Việc tổ chức xin lỗi ngày 3-12 sẽ có đại diện lãnh đạo của ba cơ quan gồm TAND, Viện KSND và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận.
Tại buổi này sẽ đọc lời xin lỗi công khai để thực hiện bước một trong việc khôi phục danh dự cho người bị oan, bước hai sẽ đăng báo xin lỗi khi người bị oan yêu cầu.
Bản án sơ thẩm ngày 31-8-2000 của TAND tỉnh Bình Thuận kết án và xử phạt ông Huỳnh Văn Nén về 3 tội: chung thân về tội giết người, 3 năm tù về tội cướp tài sản công dân, 2 năm tù về tội cố ý hủy hoại tài sản công dân, tổng hợp hình phạt là chung thân.
Quyết định giám đốc thẩm của TAND tối cao chỉ hủy một phần bản án sơ thẩm nói trên để điều tra lại về hai tội giết người và cướp tài sản của công dân.
Hiện nay sau khi điều tra lại, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đình chỉ điều tra đối với ông Huỳnh Văn Nén về tội giết người và cướp tài sản công dân.
Như vậy ông Nén bị oan 2 tội trong bản án sơ thẩm đã kết án. Trong tổng số thời gian ông Nén đã chấp hành hình phạt tù phải bị trừ đi 2 năm tù về tội cố ý hủy hoại tài sản công dân, theo quy định tại khoản 4 điều 26 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
* Trường hợp của ông Huỳnh Văn Nén sẽ được bồi thường như thế nào? Người dân so sánh ông Nguyễn Thanh Chấn chịu oan 10 năm được bồi thường 7,2 tỉ đồng, còn ông Nén thì sao?
- Ông Huỳnh Văn Nén đến bây giờ được xác định là người bị thiệt hại, phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Các yêu cầu bồi thường thiệt hại đưa ra phải có tài liệu chứng minh theo luật quy định. Trên cơ sở đó cơ quan có trách nhiệm bồi thường, cụ thể là TAND tỉnh Bình Thuận sẽ tiến hành thương lượng với ông Nén.
Khi hai bên thương lượng được thì ra quyết định công nhận, còn thương lượng không thành thì ông Nén có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Chi phí gia đình ông Nén đi kêu oan là một trong các thiệt hại sẽ được xem xét. Trường hợp của ông Huỳnh Văn Nén với ông Nguyễn Thanh Chấn không thể so sánh được bởi vì mỗi người có mỗi điều kiện, hoàn cảnh, thu nhập trước khi bị kết án oan khác nhau.
* Trách nhiệm cụ thể của thẩm phán, chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án oan ông Nén?
- Về trách nhiệm thì pháp luật đã quy định rất chặt chẽ, lãnh đạo TAND tỉnh Bình Thuận sẽ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng trước mắt lãnh đạo TAND tỉnh Bình Thuận thấy cần phải tiến hành các bước để sớm khôi phục danh dự cho ông Huỳnh Văn Nén.
Kế tiếp, khi ông Nén có đơn yêu cầu bồi thường sẽ tập trung giải quyết việc bồi thường thiệt hại để giảm bớt thiệt hại cho ông Nén.
* Trước mắt sẽ lấy tiền nhà nước bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén, cá nhân nào sẽ trả lại số tiền này vì không thể để cán bộ làm sai rồi người dân è cổ ra trả. Trách nhiệm của người đứng đầu khi tuyển dụng cán bộ đến đâu?
- Những vấn đề đó Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có quy định tiền là ai cấp để bồi thường, trách nhiệm hoàn trả như thế nào. TAND tỉnh Bình Thuận căn cứ theo quy định của pháp luật để giải quyết.
* Đơn tố cáo của ông Nguyễn Phúc Thành gửi từ trại giam Sông Cái (Ninh Thuận) tố cáo người khác giết bà Bông chứ không phải ông Huỳnh Văn Nén. Thời điểm đó lá đơn này được xem xét thì đã giải oan cho ông Nén trước đó, ông Nén không phải đi tù oan như vậy và Nhà nước đến nay không phải chịu thiệt hại thế này, ông nghĩ sao?
- Tôi xin không bình luận việc làm của những người có trách nhiệm ở thời kỳ trước. Tại thời điểm TAND tỉnh Bình Thuận xét xử vụ án vào ngày 31-8-2000 thì đơn đó, tài liệu xác minh đơn đó không có trong hồ sơ vụ án.
* Qua vụ án này TAND tỉnh Bình Thuận rút ra được những gì để tránh những oan sai lớn như vậy?
- Chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước có một vấn đề rất quan trọng là việc xét xử của tòa án phải thông qua kết quả tranh tụng tại phiên tòa, đó là điểm mấu chốt khắc phục tình trạng oan sai, hoặc bị bức cung nhục hình trong quá trình điều tra.
Những cán bộ tham gia vụ án oan sai Huỳnh Văn Nén Điều tra viên của vụ án là ông Cao Văn Hùng, phúc cung do kiểm sát viên Đinh Văn Lai đảm nhiệm (hiện công tác tại Viện KSND TP Phan Thiết). Ông Đinh Kỳ Đáp, nguyên phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận (đã về hưu), ký kết luận điều tra vụ án. Bà Nguyễn Thị Dung, nguyên phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Thuận (đã về hưu), ký cáo trạng truy tố ông Nén. Đại diện Viện KSND tỉnh Bình Thuận giữ quyền công tố tại tòa là ông Vũ Hồ Thành (đang công tác tại Viện KSND tỉnh Bình Thuận). Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Thanh Tâm (đang là phó chánh án tòa hình sự TAND tỉnh Bình Thuận). Một thẩm phán khác tham gia trong HĐXX là bà Nguyễn Thị Lộc (đang là thẩm phán tòa dân sự TAND tỉnh Bình Thuận). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận