17/11/2018 11:45 GMT+7

Sẽ bỏ khái niệm 'ca khúc trước năm 1975', 'ca sĩ hải ngoại'

THIÊN ĐIỂU thực hiện
THIÊN ĐIỂU thực hiện

TTO - Sau 8 tháng lấy ý kiến rộng rãi, dự thảo nghị định nghệ thuật biểu diễn mới thay thế nghị định 79 cho thấy một số chuyển động tích cực dù khá... chậm trong việc cấp phép, quản lý.

Sẽ bỏ khái niệm ca khúc trước năm 1975, ca sĩ hải ngoại - Ảnh 1.

Cục Nghệ thuật biểu diễn từng đưa ra 3 phương án khác nhau trong việc cấp phép cho

Ông Nguyễn Quang Vinh - quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa-Thể thao và du lịch) - cho biết trong tháng 11 này cục sẽ trình Chính phủ phê duyệt chủ trương cho dự thảo. Một số điểm mới căn bản của dự thảo từng được Tuổi Trẻ đề cập nay có gì khác? Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quang Vinh.

Bỏ cấp phép cho ca khúc

* Dự thảo mới lần này sẽ không còn quy định phải cấp phép cho ca khúc, biểu diễn?

- Chúng tôi muốn loại bỏ cấp phép cho ca khúc, coi đó là sở hữu cá nhân. Đó chính là mở rộng không gian sáng tạo cho nghệ sĩ. Mọi cá nhân có quyền tự do sáng tạo, Nhà nước hạn chế những chỉ đạo không cần thiết, miễn là hướng người ta vào sản phẩm không đi ngược lại lợi ích dân tộc, không xâm phạm, bôi nhọ tổ chức, cá nhân...

Nghệ sĩ chỉ cần tránh những điều cấm, ngoài ra họ có thể thỏa sức sáng tạo. Cái này sẽ mang tới tự do cho nghệ sĩ nhiều hơn là quy định nghệ sĩ chỉ được làm cái nào, họ muốn làm gì khi được phép.

Đối với các chương trình biểu diễn nghệ thuật, nhà tổ chức cũng sẽ được tự do hơn trong lựa chọn những tiết mục biểu diễn họ muốn mà không cần đợi cơ quan chức năng cho phép, không gian sáng tạo sẽ được mở rộng hơn.

* Một vấn đề lâu nay được công luận quan tâm là ứng xử với ca khúc trước 1975. Việc bỏ cấp phép các ca khúc cũng đồng nghĩa với việc không còn khái niệm "ca khúc trước năm 1975" trong dự thảo?

- Đúng vậy, chúng tôi muốn bỏ khái niệm "ca khúc trước năm 1975", "ca sĩ hải ngoại". Bỏ cấp phép cho ca khúc nghĩa là ca khúc sáng tác ở thời gian, không gian nào cũng bình đẳng như nhau, không có khoanh vùng đặc biệt để cấp phép. Trước hay sau 1975 đều như nhau.

Nâng cao chất lượng các sản phẩm "đặt hàng"

* Chương quy định về hoạt động nghệ thuật sẽ có những nội dung gì, thưa ông?

- Chúng tôi cũng muốn cụ thể hóa các chính sách ưu tiên phát triển đối với nghệ thuật truyền thống dân tộc, không như hiện nay các nghệ sĩ phải xin các dự án, vừa không lâu dài, dễ dẫn tới không cân bằng giữa các bộ môn nghệ thuật truyền thống.

Với các đơn vị, cá nhân hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật dân tộc mà Nhà nước có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển, nghị định mới cần phải cụ thể hóa chính sách ưu tiên này, như miễn giảm thuế.

Các cơ sở đào tạo nghệ thuật truyền thống hay các nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống cũng vậy. Dự thảo cần phải tạo ra hành lang cho họ hoạt động. Ngay việc đặt hàng các sáng tác nghệ thuật cũng phải có các quy định cụ thể để nâng cao chất lượng các sản phẩm đặt hàng.

* Với dự thảo mới, dường như Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ buông bớt việc và tự giảm bớt quyền lực?

- Quyền lực mà chúng tôi cần hướng tới đó là xây dựng hành lang hoạt động thuận lợi cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp; hỗ trợ trực tiếp cho cá nhân nghệ sĩ.

Xây dựng chính sách tốt đã là hỗ trợ nghệ sĩ rồi. Chẳng hạn chúng tôi chủ trương tổ chức một liên hoan nghệ thuật nào đó hơn là cấp phép cho một cuộc thi hoa hậu, rồi sau đó cứ phải theo dõi, kiểm tra và xử lý những vướng mắc...

Chúng tôi muốn tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập có thể thông thoáng trong hoạt động của mình để có thể thường xuyên xây dựng những chương trình, tiết mục có chất lượng phục vụ công chúng... Và như vậy cũng phần nào hạn chế tình trạng dư về số lượng mà chất lượng vẫn chưa cao.

* Tháng 11 mới trình Chính phủ xin chủ trương, vậy khi nào mới ra được nghị định, thưa ông?

- Mong cho nhanh và muốn thì nhiều, tuy nhiên vẫn phải thực hiện theo trình tự các quy định của pháp luật.

Đạo diễn Trần Lực:

Quá nhiều sản phẩm nhàn nhạt

Chủ trương kiểm soát chặt chẽ chất lượng các tác phẩm do Nhà nước đặt hàng là rất tốt. Bỏ ra nhiều tiền nhưng chiếu, diễn vài buổi rồi "đắp chiếu", tác phẩm không đến được với công chúng là lãng phí rất lớn trong khi khán giả lại "đói" nghệ thuật.

Thực ra, nghệ sĩ nào cũng muốn tác phẩm của mình đến được với công chúng, nhưng với cung cách quản lý của cơ chế đặt hàng hiện nay không thể kích thích được nghệ sĩ sáng tạo để mang tới những tác phẩm tốt.

Cơ chế ấy chỉ khiến các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ làm ra các sản phẩm nhàn nhạt nhưng an toàn để "trả hàng". Nghệ thuật mà cứ bình bình, nhờ nhờ, an toàn thì chẳng ai xem là đương nhiên.

T.Điểu ghi

Cấp phép trực tiếp cho ca sĩ hải ngoại

Ông Nguyễn Quang Vinh cũng nhắc lại một "điểm mới" từng được công luận quan tâm: Về cấp phép cho các ca sĩ hải ngoại về nước biểu diễn, cục đang trình phương án thay vì cấp phép cho cơ quan tổ chức mời nghệ sĩ là người Việt Nam ở nước ngoài về biểu diễn thì sẽ cấp phép trực tiếp cho ca sĩ ấy trong một thời gian nhất định...

Trước chủ trương này, ôngTạ Đình Công, giám đốc Max Media, cho biết: "Các nghệ sĩ hải ngoại chắc chắn sẽ rất vui. Nhiều nghệ sĩ hải ngoại vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, nhưng mỗi lần về nước biểu diễn lại phải xin phép, với quy định rườm rà, quá phiền hà cho họ. Theo tôi, nên kéo dài thời gian cho 1 lần cấp phép là 1 năm, đỡ vất vả cho nghệ sĩ".

Ca khúc xưa cũng có

TTO - Gọi là “án treo” vì “Những bài này dù đã được cục cấp phép, vẫn cho lưu hành nhưng khi sở có kiến nghị thu hồi thì sẽ bị... treo lơ lửng ở đó".

THIÊN ĐIỂU thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên