05/08/2016 09:37 GMT+7

Ban hành quy định mới về phân lô tách thửa trong tháng 9

MAI HƯƠNG - MAI HOA
MAI HƯƠNG - MAI HOA

TTO - Sáng 5-8, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai HĐND TP.HCM khóa IX, phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cho biết sắp tới sẽ công khai thêm một số tiêu chí khác của các dự án nhà ở trên địa bàn TP.

D9ại biểu Phạm Hiếu Nghĩa chất vấn lãnh đạo UBND TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa chất vấn lãnh đạo UBND TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Trước đó, theo chỉ đạo của UBND TP, Sở Tài nguyên - môi trường đã công khai 77 dự án nhà ở đang thế chấp tại ngân hàng.

Công khai, minh bạch thông tin về dự án

Mở đầu phiên chất vấn, các đại biểu đã liên tục đặt câu hỏi về chủ trương, cách xử lý của TP với các dự án nhà ở mà chủ đầu tư đã mang thế chấp ngân hàng.

Đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa đặt câu hỏi, yêu cầu phó chủ tịch UBND TP cho ý kiến chính thức để giải quyết giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà của người dân trong dự án nêu trên.

Trả lời vấn đề này, ông Khoa nhận định đây là vấn đề nhạy cảm, được bà con cử tri hết sức quan tâm. Thời gian qua, TP đã kiểm tra xử lý 2 chung cư cụ thể là Bảy Hiền và Harmona. Ông cho biết, quan điểm của TP là người dân đã thực hiện nghĩa vụ của mình thì được bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng.

“Vừa rồi, UBND TP đã chỉ đạo Sở Tài nguyên - môi trường công khai 77 dự án có thế chấp ngân hàng để bà con và các cơ quan quản lý biết. Việc này được dư luận đồng tình nhưng nhiêu đó cũng chưa đủ. UBND TP đã chỉ đạo Sở Tài nguyên - môi trường tiếp tục công khai, minh bạch hóa một số tiêu chí nữa, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân và của cả nhà đầu tư”, ông Lê Văn Khoa nói.

Đại biểu Nguyễn Minh Nhựt (Q.3) đặt câu hỏi về cơ chế xử lý các nhà chung cư cũ, xuống cấp. Về việc này, ông Khoa cho biết, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, TP sẽ phân cấp về cho UBND 24 quận huyện để chủ động trong lựa chọn nhà đầu tư để xử lý các chung cư cũ hư hỏng.

Việc kiểm định chung cư cũ theo quy định hiện do Sở Xây dựng thực hiện, nay TP chuyển quyền chủ động cho các quận huyện làm. Đến hết năm nay phải kiểm định xong. Trong nhiệm kỳ này sẽ tổ chức tháo dỡ di dời ít nhất là 50% chung cư cũ hư hỏng trong tổng số 474 chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn TP.

O6ng Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa trả lời chất vấn - Ảnh: TỰ TRUNG
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa trả lời chất vấn - Ảnh: TỰ TRUNG

Ban hành quy định mới về phân lô tách thửa trong tháng 9-2016

Nhiều đại biểu cũng đặt câu hỏi về tình hình phân lô tách thửa trên địa bàn TP theo quyết định số 33. Ông Lê Văn Khoa cho biết quyết định 33 ra đời đã đáp ứng được nhu cầu tách thửa vì cuộc sống của người dân. Nhưng lại xuất hiện ra mặt trái là sự áp dụng vô tình hay cố ý sai phạm, phân lô tách thửa tràn lan.

Ông Khoa dẫn chứng vụ việc ở Hóc Môn mà Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã có kết luận sai phạm, đang chờ xử lý. “Nguyên nhân là do sự quản lý của các cơ quan, đặc biệt là của quận huyện. Nhiều nơi đã buông lỏng quản lý, một số tổ chức cá nhân lợi dụng việc này để phân lô bán nền, như vậy là sai”, ông Khoa nói.

Ông Khoa cho biết: “Quyết định 33 bản chất là đúng đắn, phù hợp, vấn đề là ở chỗ quản lý. TP sẽ chỉ đạo các sở, quận huyện nghiên cứu bổ sung hoặc nếu cần thì thay thế bằng một văn bản khác dáp ứng nhu cầu chính đáng, nhưng cũng ngăn ngừa những khiếm khuyết trước đây. Trong tháng 8 - 9 Sở Tài nguyên - môi trường phải phải làm xong, công khai dự thảo trên các trang mạng của TP để lấy ý kiến của người dân, để ban hành trong tháng 9”.

D9ại biểu Trương Lâm Danh chất vấn lãnh đạo UBND TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Đại biểu Trương Lâm Danh chất vấn lãnh đạo UBND TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Tiếp tục tuyển dụng rộng rãi người tài

Tại phiên chất vấn, ông Trương Văn Lắm - giám đốc Sở Nội vụ - đã trả lời về chủ trương thu hút nhân tài là người ngoài Đảng.

Trước đó, trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 4-8, đại biểu Tăng Hữu Phong (Q.Tân Bình) đã đặt câu hỏi về việc bổ nhiệm ông Lê Nguyễn Minh Quang, một người ngoài Đảng làm trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TP là do nhu cầu nhân lực cá biệt trong ngành hay chủ trương lâu dài của TP.

Ông Lắm khẳng định đây là chủ trương của trung ương. Thực hiện theo chủ trương này, Thành ủy và UBND TP đã quán triệt, chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu, bổ nhiệm trường hợp ông Quang. “Chủ trương này vẫn tiếp tục triển khai thực hiện, sắp tới sẽ có cơ chế để tiếp tục tuyển dụng rộng rãi người có đức có tài vào chức danh lãnh đạo”, ông Lắm khẳng định.

Năm 2016 siết mạnh rà soát dự án treo

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung bày tỏ băn khoăn vì dù chủ trương xóa dự án treo, quy hoạch treo đã được TP quyết tâm thực hiện từ nhiều năm nay nhưng cho đến hiện tại vẫn còn những dự án kéo dài từ 10-20 năm. “Như vậy UBNDD TP có giải pháp gì để ổn định cuộc sống của người dân?”- bà Dung hỏi.

Bà Dung cũng đặt vấn đề Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sau khi chuyển trực thuộc TP thì khiến hồ sơ ùn ứ rất nhiều. Theo bà Dung, trước đây văn phòng trực thuộc quận huyện thì có khoảng 50 người có chức năng ký các hồ sơ, nhưng khi về TP thì chỉ còn 8 người có chức năng ký cho nên không giải quyết kịp là đương nhiên. “TP có nhìn thấy thực tế này không? Giải pháp đặt ra là gì”- bà Dung chất vấn. 

Trả lời về các quy hoạch treo, phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cho biết hiện có 21/24 quận huyện đã rà soát về chuyện này. Quan điểm chỉ đạo nhất quán của lãnh đạo TP là: "Dự án treo không khả thi, không phù hợp thì đưa ra khỏi quy hoạch. Đến cuối năm nay việc này phải hoàn thành trên toàn TP. Đây là việc rất khó, ta kiên quyết với những dự án treo, đồng thời cũng phải xem xét kỹ để không vội bỏ những dự án vẫn còn khả thi”.

Nỗ lực hạ mức hồ sơ nhà đất trễ hẹn dưới 10%

“Tôi thừa nhận đăng ký quyền sử dụng đất quả là có chậm và quá chậm”- Phó chủ tịch Lê Văn Khoa bày tỏ sự đồng cảm với bức xúc của đại biểu về tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đại biểu và cử tri phản ánh thời gian qua hàng loạt hồ sơ người dân xin cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là sổ đỏ) do Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM giải quyết bị trễ hẹn dài ngày. Một trong những lý do được nêu ra là hồ sơ phải tập trung về Sở Tài nguyên và môi trường (TNMT) để ký.

Ông Khoa nhìn nhận khi thủ tục này làm ở quận huyện thì Sở TNMT chỉ giải quyết gần 3.000 hồ sơ/năm. Nhưng khi quy định chuyển lên Sở TNMT giải quyết thì lượng hồ sơ tại Sở tăng lên 6.000 hồ sơ/ tháng-  tức 72.000 hồ sơ/năm. Đây là một áp lực quá kinh khủng. Hệ quả là đỉnh điểm tháng 7-2015, lượng hồ sơ trễ hẹn lên đến 60%.

Ông Khoa cho biết  hiện nay, Luật quy định Sở TNMT phải cấp giấy chứng nhận cho người dân. Mà Sở TNMT làm thì phải tiến hành 3 bước: Từ quận huyện lên văn phòng đăng ký sử dụng đất rồi lên Sở TNMT. TP đang kiến nghị trung ương cho phép ủy quyền cho văn phòng đăng ký sử dụng đất TP được quyền cấp sổ đỏ lần hai.

“Các nỗ lực của TP đã giảm tải và hiện tỷ lệ hồ sơ trễ chỉ còn 30%. UBND TP đã chỉ đạo từ đây đến cuối năm phải giảm tiếp xuống còn dưới 10%. Mong bà con cùng đồng cảm cho là trong thời gian ngắn sắp tới giảm đến mức này chứ chưa đủ sức giải quyết đúng hẹn toàn bộ hồ sơ”- ông Khoa hứa.

MAI HƯƠNG - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên