20/09/2014 08:07 GMT+7

Scotland không tách khỏi Anh: thế giới thở phào

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Quá bán số cử tri Scotland lựa chọn tiếp tục cuộc “hôn nhân” 307 năm với Liên hiệp Anh. Tuy nhiên, chính trường Anh chắc chắn sẽ có rất nhiều thay đổi trong thời gian tới.

Người Scotland ủng hộ độc lập ở thành phố Glasgow bật khóc khi nghe kết quả trưng cầu ý dân - Ảnh: Reuters
Người Scotland ủng hộ độc lập ở thành phố Glasgow bật khóc khi nghe kết quả trưng cầu ý dân - Ảnh: Reuters

Cả Vương quốc Anh thở phào nhẹ nhõm khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân được công bố. Theo báo Guardian, phong trào chống độc lập giành khoảng 55,3% số phiếu, trong khi phe ly khai chỉ có 44,7% tỉ lệ ủng hộ. Ước tính 84,6% trong tổng số 4,3 triệu cử tri Scotland đã đi bỏ phiếu, một con số kỷ lục ở Vương quốc Anh.

Từ Edinburgh, Thủ hiến Scotland Alex Salmond thừa nhận thất bại của phong trào ly khai và tuyên bố từ chức sau đó. “Phần lớn người dân Scotland quyết định ở thời điểm này không trở thành một quốc gia độc lập. Tôi chấp nhận kết quả này và kêu gọi toàn thể Scotland cùng chấp nhận phán quyết dân chủ của người dân chúng ta” - ông Salmond tuyên bố. Thủ hiến Scotland kêu gọi sự đoàn kết dân tộc và mô tả cuộc trưng cầu ý dân là “chiến thắng của nền dân chủ”.

Ý nguyện của người dân

Phóng viên AFP mô tả tại Edinburgh, rất nhiều người ủng hộ phong trào độc lập đã bật khóc khi nghe thông báo kết quả kiểm phiếu. “Tôi cảm thấy sụp đổ - nữ sinh 16 tuổi Charlotte Darroch thổn thức - Tất cả chúng tôi đều tin tưởng sẽ giành chiến thắng. Nhưng đây không phải là dấu chấm hết”. Ông Jeoffrey Siaber, một công dân Anh sống ở Scotland, bức xúc: “Bị thống trị từ xa là điều bất công. Lẽ ra Scotland phải được tự quản lý đất nước”.

Trái ngược với nỗi đau đó là niềm vui của lực lượng phản đối ly khai. Rất nhiều người đã đổ ra đường phố ăn mừng thắng lợi. “Tôi rất vui vì có lẽ bây giờ ông Salmond đang phải lẩn tránh” - cử tri Phil Wheeler thốt lên.

Ông Ian Duncan, đại diện Scotland ở Nghị viện châu Âu, mô tả: “Đây là chiến thắng của sự thống nhất, của Vương quốc Anh”. Chính trị gia Alistair Darling, người lãnh đạo phong trào “Tốt đẹp hơn bên nhau”, cho rằng người Scotland đã lựa chọn sự thống nhất và những thay đổi tích cực vì sự chia rẽ không cần thiết.

Dù thất bại, thủ hiến Salmond vẫn nhắc nhở London rằng có tới 1,6 triệu người Scotland bỏ phiếu ủng hộ độc lập. Ông khẳng định không chỉ họ mà toàn bộ người dân Scotland đều muốn Chính phủ Liên hiệp Anh phải nhanh chóng thực hiện cam kết trao thêm nhiều quyền tự trị cho Edinburgh.

“Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ quay trở lại với mô hình chính trị cũ” - ông Salmond nhấn mạnh.

Tại London, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố: “Giờ vấn đề đã được giải quyết cho cả một thế hệ. Sẽ không thể có tranh cãi, xung đột hay bỏ phiếu lại. Chúng ta đã lắng nghe ý nguyện của người dân Scotland”.

Ông cam kết sẽ trao thêm quyền tự trị cho cả Scotland và các thành viên khác của Liên hiệp Anh, bao gồm Anh, Xứ Wales và Bắc Ireland. “Scotland sẽ được tự quyết về các vấn đề thuế, chi tiêu và phúc lợi. Anh, Xứ Wales và Bắc Ireland cũng vậy” - thủ tướng Anh hứa hẹn. Ông cho biết quá trình chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra đồng bộ.

Chuyển giao quyền lực

Giới quan sát nhận định với cam kết của ông Cameron, chính trường Liên hiệp Anh sẽ có nhiều thay đổi lớn trong thời gian tới. Nhà phân tích chính trị Andrew Rawnsley cho rằng trên thực tế Thủ hiến Scotland Salmond vẫn là người chiến thắng bởi London sẽ phải trao cho ông quyền kiểm soát hoàn toàn các chính sách nội địa Scotland. Điều an ủi lớn nhất đối với Thủ tướng Cameron là ông sẽ không phải từ chức.

Trước mắt, ba đảng lớn ở Liên hiệp Anh là Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Cameron, Đảng Dân chủ tự do và Công Đảng sẽ phải đàm phán về việc trao các quyền lực mới cho Nghị viện Scotland. Nghị viện Scotland được thành lập từ năm 1999 và hiện đã kiểm soát các vấn đề như y tế và giáo dục. Nguồn tin BBC cho biết ba đảng trên có rất nhiều bất đồng về các chi tiết trong kế hoạch chuyển giao quyền lực. Dự kiến đầu tháng 11, London sẽ công bố các bước chuyển giao quyền lực cho Edinburgh.

Giới quan sát dự báo nếu quá trình chuyển giao quyền lực không diễn ra suôn sẻ, rất có thể những tiếng nói đòi độc lập và trưng cầu ý dân sẽ lại nổi lên ở Scotland. Trong bài phát biểu tại Edinburgh, Thủ hiến Salmond cũng tỏ rõ quan điểm này.

Nhưng trước mắt, thị trường tài chính đã phản ứng tích cực: giá đồng bảng Anh tăng trở lại lên mức 1 bảng Anh đổi được 1,6469 USD. “Việc Scotland bỏ phiếu chống lại độc lập đã dỡ đi gánh nặng lớn đè lên đồng bảng Anh” - AFP dẫn lời nhà kinh tế Simon Smith của Hãng Fxpro. Giá cổ phiếu các thị trường châu Âu và châu Á đồng loạt gia tăng.

Thế giới thở phào

* Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen: “Tôi hoan nghênh tuyên bố của Thủ tướng David Cameron rằng Vương quốc Anh sẽ tiến về phía trước với sự thống nhất”.

* Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso: “Kết quả này có lợi cho một châu Âu thống nhất, cởi mở và mạnh mẽ hơn”.

* Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz: “Tôi thừa nhận là mình cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm. Khi gặp Thủ tướng David Cameron, tôi sẽ nói với ông ấy rằng tôi thích một Vương quốc Anh thống nhất trong một châu Âu thống nhất”.

* Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy: “Tôi vô cùng hạnh phúc” (xứ Basque và Catalonia ở Tây Ban Nha cũng đang đòi ly khai).

* Cao ủy thương mại EU Karel De Gucht: “Nếu ly khai xảy ra ở Scotland, đó sẽ là một cơn địa chấn chính trị tương tự vụ Liên Xô tan vỡ. Đó sẽ là thảm họa đối với châu Âu. Một số khu vực của nhiều quốc gia sẽ lao theo con đường chủ nghĩa dân tộc”.

 

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên