Lãi tăng mạnh
Chính phủ mới đây đã có nghị quyết về kế hoạch tổ chức thực hiện thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương xử lý Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC).
Việc xử lý sẽ theo hướng phá sản đối với công ty mẹ - SBIC và 7 công ty con. Riêng Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm sẽ thu hồi phần vốn của công ty mẹ - SBIC.
Đóng tàu Sông Cấm (SCY) là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực đóng mới và sửa chữa các phương tiện vận tải thủy. Vốn điều lệ hơn 619 tỉ đồng.
Dữ liệu có được từ năm 2015 đến nay cho thấy lợi nhuận của Đóng tàu Sông Cấm luôn dương. Riêng vài năm gần đây, tình hình sản xuất kinh doanh của SCY còn trên đà khởi sắc khi lợi nhuận năm sau đều cao hơn năm trước.
Tại báo cáo tài chính quý 3-2023, SCY ghi nhận lãi sau thuế 9 tháng đầu năm 2023 hơn 58 tỉ đồng, cao gấp khoảng 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này có được nhờ doanh thu cả 3 quý tích cực, đạt 900 tỉ đồng, cao gấp 1,8 lần cùng kỳ.
Đóng tàu Sông Cấm cũng là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi không vay nợ tài chính. Trên bảng cân đối kế toán quý 3-2023 và 4 năm trước, mục vay và nợ thuế tài chính ngắn hạn hay dài hạn đều để trắng.
Do không phát sinh nợ vay, chi phí lãi vay trong báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại báo cáo tài chính cũng bằng 0.
Tiền mặt dồi dào, biên lợi nhuận gộp cải thiện
Tại thời điểm 30-9-2023, tổng tài sản SCY là 1.383 tỉ đồng. Trong đó, doanh nghiệp có 11 tỉ đồng gửi ngân hàng không kỳ hạn và 140 tỉ đồng tương đương tiền, đều giảm so với đầu năm nhưng khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn lại tăng mạnh, đạt 338 tỉ đồng.
Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm nay cũng cải thiện hơn so với cùng kỳ, đạt 124 tỉ đồng, cao gấp 2 lần. Biên lợi nhuận gộp nhờ vậy tăng từ 12% lên xấp xỉ 14%.
Đóng tàu Sông Cấm là một công ty có bề dày lịch sử. Trên website, doanh nghiệp này giới thiệu tiền thân là một xưởng nhỏ của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi.
Vào những năm 1950, do không cạnh tranh được với tư bản nước ngoài nên chủ hãng tàu bị phá sản, phải nhượng lại xưởng hãng Xô Pha của chủ tư sản người Pháp.
Đến năm 1955, một số thương nhân Việt Nam đã hùn vốn mua lại xưởng để sản xuất phụ tùng xe đạp, máy làm ngói, đóng sà lan... và đặt tên xưởng là Hải Phòng cơ khí Công ty.
Năm 2007, thực hiện chủ trương đổi mới doanh nghiệp nhà nước, nhà máy tiến hành cổ phần hóa và từ tháng 4-2008 chính thức trở thành Công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm có trụ sở chính tại Hải Phòng.
Trong khi tại SBIC - công ty mẹ của SCY - đã thực hiện quá trình tái cơ cấu từ năm 2010 nhưng hoạt động kinh doanh không hiệu quả.
Ngoài Công ty mẹ SBIC, còn có 7 công ty con thuộc diện phá sản gồm các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đóng tàu: Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn. Thời gian thực hiện vào quý 1-2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận