Theo các chuyên gia y tế, việc sẩy thai liên tiếp có thể nguyên nhân đến từ người mẹ nhưng cũng có thể do nam giới.
Có nguyên nhân do... nam giới
Hai vợ chồng chị H.T.P. (Hà Nội) sẩy thai bốn lần liên tiếp trong hai năm. Cả hai vợ chồng đều rất lo lắng, nghĩ rằng do chị P. "quen dạ" mang thai rồi lại sẩy. Thế nhưng, sau khi được thăm khám, kết quả cho thấy sức khỏe của chị P. hoàn toàn bình thường. Nguyên nhân khiến chị P. sẩy thai lại đến từ phía chồng, khi anh mắc phải tình trạng phân mảnh DNA tinh trùng (hay còn gọi là đứt gãy DNA tinh trùng).
Còn chị H. (40 tuổi, Hà Nội) kết hôn 14 năm và có một bé gái. Con gái nay đã lớn, vợ chồng chị H. mong có thêm con để vui cửa vui nhà. Sau khi "thả", chị H. nhanh chóng nhận được tin vui "hai vạch". Thế nhưng, thai chỉ được vài tuần chị lại nhận tin buồn sẩy thai. Lần thứ nhất rồi đến lần thứ hai liên tiếp sẩy thai, hai vợ chồng rơi vào bế tắc.
Sau khi thăm khám tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chị H. được thực hiện xét nghiệm di truyền, kết quả có gene bất thường về sẩy thai, đây cũng là nguyên nhân khiến chị sẩy thai liên tiếp. Nếu quyết định mang thai, chị sẽ phải điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ. Sau quá trình điều trị, theo dõi thai nghiêm ngặt, cuối cùng hai vợ chồng chị đã đón thêm thành viên mới.
Nguyên nhân gây sẩy thai liên tiếp
Theo bác sĩ Phạm Thúy Nga - trưởng khoa hỗ trợ sinh sản và nam học Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trên thực tế có khoảng 12 - 15% thai lâm sàng sẽ bị sẩy thai.
Sẩy thai liên tiếp là khi phụ nữ bị sẩy thai nhiều hơn hai lần. Nếu sẩy thai dưới 12 tuần thì có tới 70% do thai bị rối loạn nhiễm sắc thể, dị tật nặng (hở đốt sống thần kinh) hoặc do các bệnh lý nội tiết của mẹ.
Đối với trường hợp sẩy thai trên 12 tuần, nguyên nhân thường do bất thường tử cung của mẹ, tiền sản giật, nhiễm trùng, mẹ mắc các bệnh nội tiết như tiểu đường, tuyến giáp, lupus...
"Ngoài ra, một số thuốc dùng trước và trong thai kỳ, mẹ nghiện rượu và thuốc lá cũng có thể dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp người ta vẫn không tìm được nguyên nhân gây sẩy thai liên tiếp", bác sĩ Nga cho hay.
Bác sĩ Nga cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến sẩy thai liên tiếp, trong đó chiếm tỉ lệ lớn nhất là những bất thường về miễn dịch và hormone, tiếp theo là những bất thường về nhiễm sắc thể hoặc bất thường về gene. Cuối cùng là những bất thường về giải phẫu tử cung hoặc sẩy thai không rõ nguyên nhân. Những bất thường này có thể bắt nguồn từ bất thường của noãn, tinh trùng hoặc phôi.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hoàng Hiệp - chuyên khoa nam học Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, nếu các vấn đề sinh sản của người phụ nữ thường liên quan tới noãn (trứng) thì tinh trùng chính là yếu tố quyết định nhiệm vụ duy trì nòi giống ở nam giới.
"Rất nhiều cặp vợ chồng gặp tình trạng sẩy thai liên tiếp vì lý do người chồng bị phân mảnh DNA tinh trùng. Trên thực tế, đứt gãy DNA tinh trùng chiếm tới 15 - 25% nguyên nhân vô sinh ở nam giới", bác sĩ Hiệp dẫn chứng.
"Nguyên nhân bẩm sinh của phân mảnh DNA tinh trùng là sai sót về tái tổ hợp nhiễm sắc thể trong quá trình hình thành tinh trùng.
Tuy nhiên một yếu tố khác gây nên tình trạng này là do nam giới thường xuyên tiếp xúc với các kim loại chì, sắt, từ trường, sóng điện từ; làm việc trong môi trường có nhiệt độ cao; môi trường độc hại đều sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất "con giống" và gây nên tình trạng phân mảnh DNA tinh trùng. Ngoài ra, rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích cũng là yếu tố gây nên đứt gãy DNA tinh trùng", bác sĩ Hiệp thông tin.
Nên khám cặp đôi để điều trị
Nhiều người cho rằng nguyên nhân sẩy thai bắt nguồn từ cơ thể phụ nữ, thế nhưng thực tế nguyên nhân có thể đến từ cả nam giới và nữ giới.
"Khi các cặp vợ chồng gặp tình trạng sẩy thai liên tiếp cần cùng nhau đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám, thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra, tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Có những trường hợp sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân, vì vậy vẫn chưa có những khuyến cáo cụ thể, chính thống trong điều trị. Kết quả điều trị trong những trường hợp này cần sự quyết tâm thay đổi về tâm lý cũng như lối sống của người bệnh", bác sĩ Nga khuyến cáo.
Bác sĩ Hiệp cũng cho rằng để khắc phục tình trạng đứt gãy DNA tinh trùng, nam giới không nên uống rượu, bia, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích. Ngoài ra, nam giới cần tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, không tắm nước quá nóng, không bỏ điện thoại vào túi quần và tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại.
Theo các chuyên gia y tế, sẩy thai liên tiếp là tình trạng thai nhi ngừng phát triển, thai lưu, thai ra ngoài tử cung trước 22 tuần từ hai lần trở lên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có cả nguyên nhân do nam giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận