Bà Deb Howard (giữa) và hai người bạn đồng hành. Họ đều “say nắng” Sơn Đoòng - Ảnh: Ryan Deboodt |
Martin tổng kết “chiến lợi phẩm” của chuyến đi: thu hoạch được hơn 500 gigabyte dữ liệu, trong đó có 177 gigabyte hình 360, 100 gigabyte ảnh bình thường,156 gigabyte video và ngoài ra còn có vài gigabyte âm thanh.
Trưa 30-1, đoàn đã vội vã rời Việt Nam về lại Thụy Điển, bởi công việc hậu kỳ cho dự án chiếm rất nhiều thời gian. Martin cho biết phải mất cỡ một tháng họ mới có thể nộp dự án hoàn chỉnh cho ban biên tập NatGeo.
Phong Nha thay da đổi thịt
Hôm 29-1, tôi ngồi đến hơn nửa đêm với nhóm Martin. Câu chuyện vẫn cứ loanh quanh về Phong Nha, Sơn Đoòng. Như đã đề cập ở bài đầu, mục tiêu lớn nhất của Martin khi thực hiện dự án cho NatGeo là muốn lưu giữ Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới - bằng một hình thức mà anh yêu thích - ảnh 360.
Ngoài ra, anh cũng như mọi người khác từng viết bài, chụp ảnh, quay phim về Sơn Đoòng, đó là không chỉ giới thiệu tuyệt tác của tạo hóa đến với nhân loại, mà còn muốn mọi người chung tay gìn giữ nó trường tồn.
Muốn thế, không có cách nào tốt hơn là phải giúp Phong Nha, Quảng Bình phát triển một cách bền vững - nghĩa là vùng đất này, người dân ở đây phải khá lên, đồng thời phải biết để dành cho con cháu ngày sau.
Về chuyện này thì tôi kể với các bạn Thụy Điển là ngày tôi còn nhỏ, trong một chuyến du lịch cùng gia đình vào động Phong Nha giữa thập niên 1990, ký ức tôi còn ghi rõ vùng đất này ngày ấy còn rất là buồn. Đường sá tệ hại, người dân sống nghèo khổ. Nhưng bây giờ khác hẳn rồi.
Một tháng trước chuyến đi cùng nhóm Martin, tôi cũng có một chuyến đưa các bạn học ở Úc đi du lịch VN từ Bắc vào Nam và có ghé Phong Nha đi tour hang Tú Làn. Kết thúc chuyến đi, các bạn Úc bảo có hai nơi của Việt Nam mà khi có điều kiện họ phải quay lại, đó chính là Phong Nha và Hội An.
Phong Nha thay da đổi thịt là phải, khi hang Sơn Đoòng đã trở thành một “siêu sao”, xuất hiện trên hầu hết thương hiệu truyền thông lừng danh thế giới. Khách nước ngoài giờ đây đổ về Phong Nha nườm nượp.
Phong Nha thay da đổi thịt qua lời tâm sự của anh Cường - một porter mà anh em đùa là “Cường đôla... âm phủ”: “Tụi mình nhà ở mấy cái làng quanh đây. Ngày trước ăn còn chưa no chứ có học hành được cái chi mô! Nhưng bây giờ thì đỡ rồi”.
Ngày xưa, mọi người sống dựa vào rừng Phong Nha và bây giờ cũng là sống dựa vào rừng. Chỉ khác một điều, đó là ngày xưa sống bằng chặt cây đốn củi; còn bây giờ sống bằng gìn giữ rừng, giữ hang động cho đẹp để hút khách du lịch.
Phong Nha phong phú lắm, không phải nhất thiết ai đến đây cũng phải vào bằng được Sơn Đoòng, mà có vô số hang cũng rất đẹp nhưng dễ đi, gần hơn. Khách đến càng nhiều thì dịch vụ mọc lên càng nhiều, công ăn việc làm đa dạng.
Đêm trong hang Sơn Đoòng, các porter Việt đánh cờ tướng giải trí - Ảnh: Huy Tường |
Những vị khách hết lòng...
Đã có vô vàn bài viết về vợ chồng ông Howard Limbert (Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh), những người đã “say nắng” hệ thống hang động tại Phong Nha.
Nhưng ở chuyến đi này, ông “bật mí” cho tôi biết một chuyện thú vị: ngoài những chuyến đi liên miên vào rừng Phong Nha, vừa dẫn các đoàn khách đặc biệt, vừa tìm kiếm khám phá thêm hang động mới, vợ chồng Howard còn rất nhiều lần lặn lội qua Lào để lo cho Phong Nha.
Bởi rất nhiều dòng sông đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành hang động đá vôi tại Phong Nha là từ Lào chảy sang Việt Nam. Bất cứ biến động nào về những nguồn nước này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống hang động tại Phong Nha.
Hiện nay, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới, đang được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Tuy nhiên khu vực hang động và sông suối, rừng núi của phía Lào ở khu vực tiếp giáp với Phong Nha lại không phải là vườn quốc gia.
Vì thế Howard đang phải ra sức vận động để khu vực này của Lào trở thành vườn quốc gia, nối liền với vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng của Việt Nam, tạo nên khu di sản thiên nhiên về hang động lớn nhất thế giới.
Tôi cũng gặp được nhiều người nước ngoài khác nữa đã “say nắng” hang động Phong Nha. Đó là nhóm người Úc gồm Luke, Alesha, Jarryd. Cả ba đều đang sống tại Phong Nha. Alesha và Jarryd là tác giả của trang blog du lịch NOMADasaurus với hàng ngàn lượt theo dõi.
Họ đến Việt Nam, ban đầu dự tính sẽ ở lại Hội An, nhưng sau khi đến với Phong Nha họ đã quyết định ở đây một thời gian dài, trong đó có mục tiêu là dạy tiếng Anh cho bọn trẻ (miễn phí) ở đây để chúng dễ dàng bắt nhịp với cuộc sống quốc tế đang hình thành tại vùng quê này.
Nhưng thú vị nhất là Luke, dân Gold Coast - thành phố nổi tiếng nhất nước Úc với những công viên giải trí. Sau khi tốt nghiệp khoa kinh tế tại Đại học Bond, anh đi du lịch khắp nơi. Luke tới Việt Nam và ở Hà Nội ba năm. Sau một lần đi Sơn Đoòng theo tour của Oxalis, Luke quyết tâm ở lại Phong Nha để tìm hiểu về thiên nhiên và con người nơi đây.
Thế là Luke gặp người điều hành Oxalis và nói rằng: “Ông phải tuyển dụng tôi”! Bất chấp những cái lắc đầu từ chối, Luke xách balô đến văn phòng công ty để làm không công trong hai tuần.
Và bây giờ anh đã trở thành người phụ trách công tác tiếp thị, quảng bá cho các tour của Oxalis. Nên nhớ không phải bất cứ ai cũng biết đến Sơn Đoòng, biết đến hệ thống hang động Phong Nha nên việc tiếp thị, quảng bá là vô cùng quan trọng.
Ngay cả người Việt cũng có không ít người còn lạ với Sơn Đoòng. Như khi đi trên chuyến tàu từ Huế ra Đồng Hới trưa 24-1, nhiều người hỏi tôi đi đâu mà vác cái balô to đùng và khi nghe trả lời “Sơn Đoòng” thì không ít người ngơ ngác hỏi lại: ”Nó ở đâu?”!
Và cuối cùng, không thể không nhắc đến Ryan Deboodt - tác giả của clip Bay vào tuyệt tác thiên nhiên - Sơn Đoòng mà anh tặng Tuổi Trẻ. Ryan là nhiếp ảnh gia người Mỹ, theo vợ đến Việt Nam vào năm 2012. Lúc ấy vợ anh dạy ở một trường quốc tế tại TP.HCM.
Nay chị đã chuyển sang dạy tại Bắc Kinh, nhưng Ryan vẫn cứ bám trụ ở Phong Nha, lâu lâu mới sang thăm vợ một lần. Ryan đã “say nắng” hệ thống hang động Phong Nha sau lần đầu tiên đến đây đi hang Tú Làn.
Ba năm lăn lộn ở Phong Nha đã giúp Ryan nắm rõ được thời tiết tại đây, và điều đó giúp anh chụp được những tấm ảnh đẹp khó tả. Anh cũng vừa gửi tặng bạn đọc Tuổi Trẻ một số bức ảnh cực kỳ ấn tượng về Sơn Đoòng (mời bạn đọc vào xem trên tuoitre.vn).
King Kong 2 sẽ quay ở Phong Nha? Nửa đêm ngày 1-2, Luke chat với tôi và khoe: “Ngày mai có một đoàn của Hollywood đến đây, họ đi khảo sát để chuẩn bị cho một bộ phim hoành tráng”. Tôi tìm hiểu thì được biết bộ phim hoành tráng đó chính là King Kong 2 với kinh phí dự trù lên đến 400 triệu USD. Nếu họ quyết định chọn vùng rừng núi, hang động Phong Nha làm bối cảnh cho bộ phim thì sẽ làm hẳn một phim trường ở Phong Nha (bởi không thể mang cả bầu đoàn vào các hang động mà làm phim, vì như thế quá khó khăn và cũng để giữ gìn cho hang động). Mong cho dự án này thành hiện thực để Phong Nha càng thêm nổi tiếng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận