Saudi Arabia và Iran: Bán anh em xa...

SÁNG ÁNH 25/03/2023 13:32 GMT+7

TTCT - Saudi Arabia làm lành với Iran mở ra hy vọng về một Trung Đông bớt đi những tang thương bom đạn.

Saudi Arabia làm lành với Iran mở ra hy vọng về một Trung Đông bớt đi những tang thương bom đạn.

Saudi Arabia và Iran: Bán anh em xa... - Ảnh 1.

4 h sáng 14-9-2019, quân Houthi (thân Iran) từ Yemen bắn qua Saudi 25 máy bay không người lái, có lẽ giá thành là 15.000 USD một chiếc, tức tổng trị giá 375.000 USD. 19 chiếc trúng đích là khu Nhà máy dầu Abqaiq-Khurais, làm tê liệt sản xuất trong hai tuần. 

Khu nhà máy này chiếm 1/2 sản xuất dầu của Saudi (mà dầu của Saudi thì chiếm 5% của thế giới) - khoảng 5,7 triệu thùng/ngày.

Cuộc tấn công khiến Saudi mất 365 triệu đô la một ngày với giá dầu lúc đó là 64 USD/thùng. Tuy dần dà cũng khắc phục được, thị trường chứng khoán Saudi mất ngay 40 tỉ USD. 

Công ty dầu hỏa nhà nước Aramco đang sửa soạn tung ra sàn chứng khoán số cổ phần tương đương 5% tổng giá trị (ước tính là 1.800 tỉ USD) bèn phải đình chỉ. Không ai lại mua cổ phần một công ty chỉ sáng chiều đã mất 50% sản lượng! 

Một chuyên gia quân sự nhận xét: chiến lược chống Iran của Saudi mất 30 năm xây dựng và sụp đổ trong 30 phút.

Tốn tiền vô ích?

Để bảo vệ khu giếng dầu Abqaiq-Khurais, Saudi có ba súng chống tên lửa Skyguard (đại bác tự động) giá 250 triệu USD và không rõ bao nhiêu hệ thống tên lửa phòng không Crotale-Shahine, giá 8 triệu USD một quả, chưa kể xe chuyên chở. 

Các võ khí trên không hiểu vận hành thế nào mà lực lượng võ trang Saudi phải dùng đại liên (!) nã vô vọng vào máy bay không người lái của phe Houthi.

Hệ thống tên lửa chống tên lửa Patriot của Saudi, giá 1 tỉ USD một đơn vị, lại đang bận bảo vệ hướng đối diện với Iran chứ không phải hướng Yemen sau lưng! 

Hệ thống Patriot-THAAD này hay được quảng cáo (dỏm) là "Vòm bảo vệ" (Dome), nhưng thực ra không bảo vệ được một khu vực mà chỉ bảo vệ được một điểm nhất định và hạn chế. 

Mỗi đơn vị gồm ra đa và thiết bị điện tử, bốn ống phóng - mỗi ống tám hỏa tiễn, tức bắn được 32 quả liên tiếp. Mỗi đơn vị có 96 hỏa tiễn, tức bắn hết loạt 32 đầu thì nạp đạn được thêm hai lần nữa.

Ảnh: Bloomberg.com

Ảnh: Bloomberg.com

Mà giá 1 tỉ USD 96 quả tên lửa là giá khuyến mãi làm quen rồi nhé. Cuối năm 2022, UAE mới tậu hai đơn vị giá tới 2,25 tỉ từ Mỹ - Israel. Để chặn mỗi tên lửa địch lại phải bắn hai quả Patriot. Như vậy mỗi đơn vị Patriot có thể chặn 16 tên lửa địch trước khi nạp đạn lại. 

Tên lửa địch cụ thể là gì? Là tên lửa tầm xa như dạng Scud B của Iraq trong chiến tranh 1991 (giá lúc đó 1 triệu USD) hay Scud C của Syria (do Triều Tiên bán, giá giờ 3 triệu). 

Thời chiến tranh Iraq lần thứ nhất, Lầu Năm Góc cho biết Patriot do Mỹ sử dụng hữu hiệu 70% và do Israel sử dụng hữu hiệu ở mức 40%. 

Israel thì không biết, nhưng trong cuộc điều tra 10 tháng vào năm 1992 của Văn phòng Kiểm toán nhà nước Mỹ (GAO), hệ thống phòng không này chỉ hữu hiệu 9% và ngay cả các clip tên lửa bị Patriot bắn hạ đưa lên truyền hình cũng chỉ để tuyên truyền là chính.

Vậy toán đố lớp 3 là khi Iran có khả năng bắn trên 3.000 tên lửa lớn nhỏ các loại (theo Bộ Chỉ huy trung phần của Mỹ) thì Saudi cần bao nhiêu Patriot? Sắm mất bao nhiêu tiền? Và chặn được bao nhiêu? Thái tử Saudi là Mohammed bin Salman (tục gọi MBS) học tới lớp mấy và có biết làm toán không?

Đó là chưa nói Patriot chặn được 9% tên lửa Scud chứ không chặn được máy bay không người lái bay rất thấp. 

Thực tế là ngân quỹ quốc phòng Saudi năm 2018 là 63 tỉ USD đã không bảo vệ được giếng dầu trước vũ khí thủ công bắt vít bằng tay của Houthi với giá thành tổng cộng 375.000 USD. Khi mặt trời lên vào sáng 14-9-2019 trên các giếng dầu, không ai cần nghe câu trả lời toán đố nữa.

Lựa chọn dễ hiểu

Trong gần tám thập niên qua, từ cuộc hội kiến giữa vua Saudi Ibn Seoud với Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt năm 1945, nhà Saud là tì thiếp miền xa của Mỹ. Nhưng đến cách mạng thần quyền 1979 thì chế độ của vua Shah Ba Tư mới là ái phi của Tây phương. 

Iran chiếm vị trí chiến lược giữa Âu và Á, giáp cả Liên Xô, Iraq và vịnh Ả Rập, lại trấn con đường Ấn Độ qua Afghanistan và Pakistan. 

Nước này nhiều tài nguyên, đông dân số, binh hùng tướng mạnh, có thể thay mặt Tây phương để giữ trật tự ở khu vực vừa chiến lược vừa giàu tài nguyên này. 

Bấy giờ thì cả Iran và Saudi đều thân Mỹ, nên không có vấn đề gì với nhau, kẻ bá vai phải người cầm tay trái. Mâu thuẫn giữa hai nước chỉ trở thành sâu sắc từ khi Iran tuột khỏi quỹ đạo của Hoa Kỳ.

Hồi giáo tại Iran thuộc hệ phái thiểu số Shia (15%) trong khi Sunni là đa số trên thế giới (85%) và trường phái khắt khe Wahab của Saudi lại tự cho mình là lãnh đạo Sunni toàn cầu. Hệ phái tôn giáo là mâu thuẫn thứ nhì sau mâu thuẫn quốc tế. 

Còn với Mỹ, hệ phái gì, chế độ nào không quan trọng, quan trọng là phải biết nghe lời. Mất Iran với Mỹ là niềm đau nhức nhối và 40 năm qua họ tìm đủ cách để lấy lại, cô lập và cấm vận, khiêu khích và đe dọa, chỉ thiếu có xâm lăng. 

Nhưng tình thế bây giờ là chẳng những họ không xâm lăng Iran được, mà Iran còn lan ảnh hưởng ra khắp khu vực - Iraq, Syria, Libăng và Yemen.

Cuộc nội chiến ở Yemen đã kéo dài từ năm 2014. Ảnh: Dawn.com

Cuộc nội chiến ở Yemen đã kéo dài từ năm 2014. Ảnh: Dawn.com

Yemen là nước láng giềng với Saudi và lục đục trong nội chiến sau "Mùa xuân Ả Rập". Thái tử MBS nhảy vào múa gươm, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo, còn bản thân Saudi sa lầy không lối thoát. 

Đây là lầm lẫn lớn của MBS, nhưng ông không dại đến mức phóng lao phải theo lao. Mỹ không giúp được ông thắng ở Yemen, nhưng Iran có thể giúp ông thoát khỏi Yemen. Về mặt quân sự, chỉ có một đường cho Saudi. 

Đó là Hoa Kỳ dốc toàn lực đánh nát Iran. Nếu Hoa Kỳ không muốn, không dám hay không đủ sức làm, thì tức là họ không tin cậy được và không dựa dẫm được: Saudi chỉ còn cách làm hòa với Iran.

Chiến tranh Ukraine lại là tác tố mới. Nga là nước sản xuất nhiều dầu khí. Mỹ muốn ép Saudi mở van dầu để giá hạ và làm kiệt quệ ngân sách của Nga. Nghe rất có lý với Mỹ nhưng chẳng hợp lý chút nào với Saudi. 

Giá dầu hạ thì Saudi mất tiền và kiệt quệ trước tiên, mà thủa vàng son của vương quốc đã chập chờn từ lâu rồi. Trong bằng ấy thập niên, Saudi bán dầu rẻ cho Mỹ, lấy tiền mua vũ khí Mỹ và đầu tư trở lại Mỹ. 

Trong tài sản của mỗi người Mỹ, phần của Saudi là 2.300 USD. Vậy mà giờ Biden muốn Saudi hạ giá dầu!

Ngày 10-3-2023, Saudi và Iran ký kết hiệp ước tái lập quan hệ ngoại giao, an ninh và kinh tế, thương mại tại Bắc Kinh. Trước tình thế mới, Saudi chỉ có cách quay sang nhìn Nga - Trung Quốc và vuốt giận làm lành với Iran. 

Thật sự, Saudi và Iran cũng chẳng có thâm thù thế kỷ gì, cũng chỉ toàn là hận mượn thù vay từ Mỹ mà thôi.

Ảnh: Stimson Center

Ảnh: Stimson Center

Chưa hết, ngoài chuyện Mỹ bất lực không bảo vệ được Saudi, Iran còn một lá bài tẩy tay trong: Khoảng 15-20% thần dân Saudi và lại là những dân ngụ ngay tại các khu vực sản xuất dầu là người Hồi Shia. 

Thiểu số này bị chèn ép và chỉ đợi Iran ra hiệu là nổi loạn. Iran đã dùng các thiểu số này thành công tại Iraq, Libăng, Syria và Yemen như ta thấy. Và cũng như ta thấy, Hoa Kỳ dấy loạn ở Libya, nhưng 12 năm sau họ chẳng kiểm soát được gì ở đó. MBS từng học qua lớp 3 và biết làm toán đố, lại còn nguyên cặp mắt, chứ có mù đâu! ■

Chia tay không (thể) đòi quà

Nhưng như mọi chuyện chia tay ở trên đời, dứt áo ra đi không phải chuyện một ngày một buổi. Hoa Kỳ còn nhiều quyền lợi chung ràng buộc với Saudi về tài chánh, kinh tế và quân sự chưa thể và không thể dứt ngay ra được.

Hiện 70.000 người Mỹ đang làm việc và sinh sống tại Saudi. Năm 2020, chính quyền Trump đã xếp đặt được cho bạn thân và láng giềng của Saudi là UAE thiết lập ngoại giao với Israel.

Chuyện UAE sắm hệ thống Patriot 2,25 tỉ là có phần Israel leng keng bạc cắc trong đó. Chính quyền Israel của Netanyahu đang đợi đến lượt Saudi cũng bang giao thì bất ngờ Saudi lại quay sang bắt tay tử thù của họ là Iran.

Nhưng ngay sau khi thông báo tái thiết bang giao với Iran, Saudi cũng cho Israel mở đường bay qua vùng trời nước mình. Trong việc này, Saudi đặt quyền lợi của mình lên trên hết, điều chỉnh lại quan hệ với tất cả xóm giềng, khi thấy người anh em của họ ở Bắc Mỹ xa xôi hóa ra cũng chỉ là anh em cây khế.

Ở khu vực, những diễn biến này nói chung là tích cực, vì mở ra hy vọng giải quyết xung đột, trước tiên là chiến tranh Yemen do hai phe Iran và Saudi chủ xướng; thứ đến là tìm giải pháp ở Syria; rồi xoa dịu tại Iraq và ổn định ở Libăng.

Trong khi Trung Quốc đóng vai trò ông mối vuốt râu, thì ngỡ ngàng là Israel khi mất một người yêu mới. Hoa Kỳ thì không ngờ sau bằng ấy năm, mợ lại lạnh lùng ôm gối quay lưng. Trật tự thế giới thay đổi là chuyện xa xôi nhưng vùng Vịnh như vậy là bớt đi khả năng đạn bay súng nổ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận