14/10/2018 13:25 GMT+7

Saudi Arabia trong 'tâm bão' vụ việc nhà báo mất tích

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích sau khi bước vào Lãnh sự quán Saudi Arabia tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 2-10 đang trở thành tâm điểm chất vấn của dư luận thế giới, mà chính quyền Saudi Arabia vẫn chưa có câu trả lời.

Saudi Arabia trong tâm bão vụ việc nhà báo mất tích - Ảnh 1.

Nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi đã mất tích từ ngày 2-10 - Ảnh: Reuters

Ngày 12-10, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thông báo với nhà chức trách Mỹ rằng họ đã có trong tay các đoạn băng ghi âm và video chứng minh việc nhà báo mang quốc tịch Mỹ và Saudi Arabia Jamal Khashoggi bị giết ngay trong tòa nhà lãnh sự của Saudi Arabia tại Istanbul.

Bị giết?

Báo Washington Post - nơi nhà báo bất đồng chính kiến với Saudi Arabia Jamal Khashoggi, 59 tuổi, là cây bút giữ mục - cho biết các đoạn băng ghi âm và ghi hình mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ có đã được ghi lại ngay bên trong tòa nhà, cho thấy ông Khashoggi bị bắt ngay khi vừa bước vào lãnh sự quán, sau đó bị giết và phanh thây.

Tuy nhiên, ngày 13-10, theo Hãng tin AFP, chính quyền Saudi Arabia bác bỏ việc đó. Hãng tin này dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Saudi Arabia, hoàng tử Abdel Aziz bin Saud bin Nayef, cho rằng những thông tin về vụ mất tích xuất hiện trên truyền thông là "những lời dối trá và cáo buộc vô căn cứ". 

Ông Nayef khẳng định Saudi Arabia "tuân thủ các quy ước và luật pháp quốc tế". Một phái đoàn công tác của Saudi Arabia đã tới Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến trao đổi về vụ việc trong những ngày cuối tuần.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thách thức chính quyền Saudi Arabia cung cấp hình ảnh trên camera an ninh để chứng minh việc nhà báo Khashoggi đã rời khỏi lãnh sự quán của họ an toàn.

Ông Khashoggi tới cơ quan lãnh sự Saudi Arabia tại Istanbul ngày 2-10 để hoàn thành các giấy tờ cần thiết chuẩn bị cho việc kết hôn. Người vợ tương lai của ông, một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ 36 tuổi, cho biết đã đứng chờ ông suốt 11 tiếng đồng hồ gần cửa tòa nhà lãnh sự. Khi không thấy ông trở lại, bà đã trình báo nhà chức trách.

Mỹ phản ứng

Việc nhà báo Jamal Khashoggi biến mất bí ẩn và những diễn biến ngờ vực liên quan đã làm dấy lên dư luận phẫn nộ toàn cầu. Các thượng nghị sĩ Mỹ và Tổng thống Donald Trump hiện còn chưa thống nhất trong quan điểm có nên phản ứng sự việc bằng biện pháp cắt giảm các hợp đồng mua bán vũ khí với Saudi Arabia hay không.

Trong diễn biến liên quan, nhiều cơ quan truyền thông quốc tế như Financial Times, Bloomberg, CNN, New York Times, Economist và CNBC cùng một số lãnh đạo doanh nghiệp như Uber, Viacom, AOL... đã rút khỏi hội nghị đầu tư lớn do Saudi Arabia tổ chức ngày 23-10 tại thủ đô Riyadh, tuyên bố họ sẽ không tham dự sự kiện khi vụ mất tích bí ẩn chưa được giải thích rõ. Ngay cả tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế và bộ trưởng tài chính Mỹ cũng để ngỏ khả năng tham dự hội nghị tùy theo mức độ rõ ràng của sự việc.

Nếu không được giải quyết thỏa đáng, vụ việc không chỉ ảnh hưởng tới quan hệ vốn đã rất mong manh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia, mà còn gây tổn thất nghiêm trọng cho những nỗ lực cải cách đất nước của thái tử Mohammed bin Salman cũng như mối quan hệ giữa Saudi Arabia với phương Tây.

Trong những nội dung cuối cùng đăng tải trên mạng xã hội Twitter trước khi mất tích, nhà báo Khashoggi bàn về nhiều vấn đề khủng hoảng khu vực tại Trung Đông, trong đó có vấn đề Israel-Palestine. Ông Khashoggi viết "tiếng nói của Palestine vẫn rất lớn" ở Anh bất kể việc vận động hành lang của người Israel.

Ông Jamal Khashoggi là một trong những nhà báo người Ả Rập có ảnh hưởng nhất trên thế giới theo đánh giá của đài Mỹ. Ông Jamal Khashoggi từng là cây bút viết cho nhiều hãng thông tấn, báo chí của Saudi Arabia, Mỹ và quốc tế. Ông thường nêu những quan điểm chỉ trích gay gắt với Chính phủ Saudi Arabia, cũng là quốc gia nơi ông sinh ra.

Sau khi trốn khỏi Saudi Arabia vào tháng 6-2017, ông này sống tại Mỹ. Tháng 3 năm nay, khi trả lời phỏng vấn Đài Al Jazeera vì sao bỏ xứ ra đi, ông Khashoggi nói: "Tôi không muốn bị bắt".

Nhà báo và tin giả: Lập lờ đánh lận con đen

TTO - Tin giả có thể vô hại, đọc xong rồi bỏ qua nhưng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nếu nhằm mục đích phá hủy sự nghiệp chính trị hoặc uy tín của các nhân vật nổi tiếng.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên