Học viên không quân của Saudi Arabia - Ảnh: REUTERS
"Saudi Arabia không muốn sở hữu bất kỳ quả bom hạt nhân nào nhưng nếu Iran phát triển một loại vũ khí như vậy, chúng tôi sẽ nối gót ngay lập tức", ông Mohammed bin Salman nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Đài CBS.
Quan hệ giữa vương quốc theo dòng Hồi giáo Sunni và nước cộng hòa theo dòng Shiite đã căng thẳng trong suốt mấy chục năm qua. Các cuộc chiến tranh và xung đột theo kiểu ủy nhiệm ở Trung Đông, với Iran và Saudi Arabia đứng về hai phía đối lập, vẫn tiếp diễn ở thời điểm hiện tại.
Trong đoạn trích cuộc phỏng vấn sẽ được phát sóng đầy đủ vào ngày 18-3, Thái tử Saudi Arabia, vốn được xem như nhà lãnh đạo thực tế của nước này, tiếp tục đánh giá thấp sức mạnh quân sự của Iran, cho rằng còn lâu Tehran mới bắt kịp Riyadh.
Đáp trả lại những bình luận của Thái tử Mohammed bin Salman, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi đã không kiêng nể, gọi ông Mohammed bin Salman là "kẻ ngây thơ đến hoang tưởng", cho rằng "không đáng để lên tiếng phản ứng".
Kể từ sau khi được phong thái tử, ông Mohammed bin Salman đã có các bước đi quyết liệt nhằm phát triển đất nước. Bất chấp Saudi Arabia vẫn là một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ nhiều nhất thế giới, thái tử Mohammed đã bắt đầu nghĩ tới tương lai hậu dầu mỏ.
Saudi Arabia hiện đang xúc tiến mạnh mẽ việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân của nước này nhằm tránh phụ thuộc vào dầu mỏ. Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Pháp và Trung Quốc đang cạnh tranh nhau hợp đồng trị giá hàng tỉ USD xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân dân sự đầu tiên cho Riyadh.
Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia được đánh giá là một lãnh đạo trẻ cứng rắn - Ảnh: REUTERS
Thái tử Mohammed cho thấy ông là người có nhiều tham vọng và tầm nhìn.
Trang tin Middle East Monitor ngày 15-3 cho biết Saudi Arabia đang có kế hoạch tăng cường ngành công nghiệp quốc phòng của nước này như một phần của động thái nhằm đa dạng hóa các lĩnh vực ngoài dầu mỏ.
Kế hoạch này có thể tạo ra nhiều việc làm mới và phát triển công nghệ mới khi Thái tử Mohamed, Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia, cố gắng tìm giải pháp để giải quyết tình trạng thất nghiệp của thanh niên và đáp ứng nhu cầu về các loại vũ khí ngày càng cao của nước này.
"Chúng tôi đã chi khoảng 50-70 tỉ USD mỗi năm cho quân sự. Chúng tôi là nước chi tiêu lớn thứ ba trên thế giới cho vũ khí và 99% vũ khí là từ nước ngoài". Thái tử Bin Salman cho rằng "đây là một cơ hội lớn để tạo ra nhiều việc làm và các ngành công nghiệp nội địa".
Saudi Arabia cũng đã thành lập Tổng cục Công nghiệp quân sự, vốn là một cơ quan của chính phủ với quyền lực lớn trong lĩnh vực mua sắm quân sự cũng như nghiên cứu và phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận