27/04/2013 08:41 GMT+7

Sau xin lỗi là gì?

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Ba mẹ con bà Ilona Schultz, du khách Úc, bị người đạp xích lô ở Hà Nội “chém đẹp” 1,3 triệu đồng cho quãng đường gần 5km, sáng hôm sau tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cùng lãnh đạo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Nội đã đến khách sạn xin lỗi, xuất tiền cơ quan trả lại, tặng quà kỷ niệm và cam kết sẽ chấn chỉnh tình trạng “chặt chém” du khách.

eAqhIwW5.jpgPhóng to
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn (giữa) xin lỗi bà Ilona Schultz - du khách Úc bị xích lô “chặt chém” - Ảnh: TTO

Xin lỗi kịp thời. Nhưng đâu phải du khách nào cũng may mắn như mẹ con bà Schultz, bởi du lịch VN còn đối diện quá nhiều vấn đề tồn tại nhức nhối, gây bức xúc, phiền lòng du khách cả trong và ngoài nước: thiếu nhà vệ sinh, bị chèo kéo, “chặt chém”, bị cướp giữa ban ngày...

Giám đốc một công ty chuyên phục vụ hãng tàu biển cao cấp có trong tay những đoạn phim ghi lại những cảnh khó chấp nhận với du khách. Đó là nét mặt hoảng hốt của một du khách Úc đứng trên vỉa hè đường Nguyễn Huệ (TP.HCM) sau khi bị hai xe máy phi thẳng lên vỉa hè chặn đầu, khóa đuôi giật túi xách. Là cảnh một người chèo thuyền theo tàu chở du khách nước ngoài du ngoạn trên vịnh Hạ Long để bán hàng rồi bất thình lình nhảy lên tàu cầm dao đòi chém lái tàu, thủy thủ vì đã dám ngăn cản bà vợ của anh ta leo lên tàu bán mấy bọc trái cây.

Thỉnh thoảng trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội vẫn có tin tức không chỉ là du khách nước ngoài mà cả du khách người Việt cũng bị lừa cước taxi, bị bỏ lại giữa đường vì không chấp nhận giá cước trên trời.

Ngay tại những trung tâm du lịch lớn, trong đó có TP.HCM, việc chèo kéo mua hàng vẫn xảy ra. Thậm chí ở Bưu điện trung tâm TP những người bán hàng bu lấy du khách ngay cửa xe, trước mặt những nhân viên áo xanh bảo vệ du khách bởi họ cũng không thể làm gì hơn. Hoặc những chuyện “nhỏ như con thỏ” nhưng lại gây khó chịu cho du khách, đó là hướng dẫn viên nhắc du khách tranh thủ “giải quyết” nhu cầu cá nhân ở điểm dừng tới bởi vì điểm tiếp đó không có.

Chúng ta cũng đã và đang nỗ lực xây dựng một môi trường thân thiện để đón du khách. Mới đây, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về du lịch cần tăng cường kiểm tra giám sát trên cả nước ba vấn đề: điểm du lịch phải có nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn; văn minh lịch sự ở những trạm dừng nghỉ và đảm bảo an ninh cho khách du lịch tại các trung tâm du lịch Hà Nội, Quảng Ninh và TP.HCM. Và công nghệ cũng đang được “huy động” để nhận dạng taxi chính hãng, để không cho taxi “dù” vào sân bay làm phiền du khách.

Những nỗ lực đó chưa đủ. Ngành du lịch cũng cần phải theo phương châm của ngành y là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chuyện kịp thời xin lỗi chỉ là “chữa bệnh”, giải quyết chuyện không hay đã xảy ra. Việc làm trong sạch, lành mạnh môi trường du lịch, góp phần xây dựng VN thành điểm đến an toàn, an ninh, hấp dẫn cho du khách phải đi từ những chuyện nhỏ như nụ cười thân thiện, bán đúng giá, nhà vệ sinh đạt chuẩn... Muốn thế cần sự quan tâm thật sự, dốc lòng, dốc sức của nhiều ngành, nhất là các địa phương và sự cộng tác của mỗi người dân. Làm sao để người dân thấy cần phải có một môi trường sống trong lành cho chính họ và mọi người xung quanh, trong đó có du khách. Chưa huy động được người dân thì khó lòng có được một môi trường du lịch an toàn cho du khách.

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên