01/03/2022 08:34 GMT+7

Sau vụ lật canô ở biển Cửa Đại: Hiểm họa từ những cồn cát

LÊ TRUNG - TRƯỜNG TRUNG - TẤN LỰC
LÊ TRUNG - TRƯỜNG TRUNG - TẤN LỰC

TTO - Các cơ quan chức năng vẫn đang nỗ lực điều tra làm rõ nguyên nhân vụ lật canô ở vùng biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) vào hôm 26-2 khiến 17 người thiệt mạng.

Sau vụ lật canô ở biển Cửa Đại: Hiểm họa từ những cồn cát - Ảnh 1.

Cồn cát nổi trên vùng biển Cửa Đại (người dân gọi là đảo Khủng Long) - Ảnh: LÊ TRUNG

Nhận định ban đầu từ người đứng đầu chính quyền lẫn những người trong cuộc, người dân đều cho thấy một phần có liên quan đến việc thay đổi luồng lạch và ảnh hưởng của những cồn cát tự nhiên.

Bồi lấp ở Cửa Đại ngày càng phức tạp

Những năm gần đây ở vùng biển Cửa Đại xuất hiện những cồn cát rất lớn. Việc bồi lấp cát ở cửa biển với những cồn cát lớn, nhỏ nổi tự nhiên gây khó khăn cho việc di chuyển tàu thuyền của ngư dân và làm thay đổi luồng lạch ở Cửa Đại.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 28-2, chiếc canô số hiệu Qna-1152 sau khi gặp nạn hôm 26-2 đã trôi dạt và đắm tại cồn cát cách đất liền chừng 300m, ở phía bắc Cửa Đại (cửa sông Thu Bồn) trong tình trạng vỡ toác phần mũi.

Nhìn từ trên cao, đây là một vệt cát bồi khá rộng mới được hình thành trong trạng thái chìm, chỉ nổi lên khi thủy triều xuống thấp. Cách một con lạch rộng khoảng 50m phía trong cồn cát này là một cồn cát lớn khác đã được bồi đắp nổi hẳn lên khỏi mặt nước chừng 1 - 1,5m, được hình thành cách đây ba năm.

Theo người dân địa phương, với tiến độ bồi lắng hiện tại thì chỉ một thời gian ngắn nữa hai cồn cát này sẽ nổi lên cao và hợp thành một với đất liền. Trong khi đó, nhìn chính diện cửa sông Thu Bồn về hướng biển là một cồn cát rộng lớn hình chữ C chạy dài hàng kilômet, rộng hơn chục hecta, được bồi lắng mấy năm trở lại đây mà dân địa phương quen gọi là đảo cát Khủng Long.

Ông N.V.A., một thuyền viên tàu du lịch và cũng là ngư dân có kinh nghiệm tại Hội An, cho hay năm nay cát lại bồi lên cao, đặc biệt phía bắc cửa sông. Trong khi đó, cồn cát Khủng Long phía ngoài xa đã bồi đắp lên những năm qua nay liên tục mở rộng ra các phía. 

Theo ông, trước đây có hai luồng cho tàu thuyền ra biển nhưng nay hầu như chỉ còn sử dụng một do cát bồi lắng. Luồng tàu chạy rộng chừng 150m, sâu 10m và dài khoảng 4 hải lý. Việc các bãi cát bồi liên tục thay đổi hình dạng mỗi ngày ảnh hưởng tới luồng lạch tàu chạy, gây nguy hiểm khi đi lại, nhất là những khi trời sóng gió to có thể bịt mất cửa sông.

"Đã có trường hợp tàu cá chạy sai luồng khi gặp thời tiết xấu, đâm vào bãi cát mắc cạn. Không chỉ vậy, việc cát bồi làm hẹp cửa sông còn khiến cho con sóng tại khu vực này cao và nguy hiểm hơn bình thường. Khi gặp sóng lớn, tàu bè không kiên cố có thể bị đánh vỡ thân tàu, đặc biệt phần mũi tàu", ông A. nói.

Cồn cát Khủng Long!

Ông Nguyễn Văn Sơn, chủ tịch UBND TP Hội An, nhận định có khả năng chiếc canô gặp nạn đã đâm phải cồn cát trước khi bị lật. Theo ông, cồn cát Khủng Long mới xuất hiện 3 - 4 năm trở lại đây và có xu hướng mở rộng về phía bắc - nơi có luồng lạch tàu thuyền. 

Ông cũng nói thời gian gần đây xuất hiện nhiều cồn cát nổi tự nhiên khiến việc đi lại của tàu thuyền hết sức khó khăn. Mấy ngày nay có gió mạnh làm thay đổi luồng, khi tàu đi vào luồng cũ bị cạn nên gặp nạn. Hiện nay TP có hơn 100 tàu của hơn 40 doanh nghiệp hoạt động khai thác tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm. Cồn cát ở Cửa Đại ngày càng chài ra nên tàu thuyền rất dễ mắc cạn. Khi tàu vào vùng cạn bị sóng lớn rất dễ bị đập gây lật úp.

Ông Trương Xuân Tý - phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam - cho biết về hiện tượng bồi cát ở khu vực này, các nhà khoa học vẫn chưa đánh giá được. Việc xuất hiện cồn cát hiển nhiên sẽ có ảnh hưởng đến tàu thuyền. Theo kinh nghiệm của ngư dân, giờ hướng luồng lạch sẽ khác so với hồi xưa nên một phần ảnh hưởng đến việc ra vào tàu thuyền. "Địa phương muốn khôi phục hướng đi cũ, nhưng nạo vét rồi cũng bị bồi lấp lại. Vì vậy kiến nghị trung ương có những khảo sát, nghiên cứu", ông Tý nói.

Sau vụ lật canô ở biển Cửa Đại: Hiểm họa từ những cồn cát - Ảnh 2.

Canô Phương Đông 5 gặp nạn trôi dạt rồi đắm tại bãi cát ngầm gần bờ phía bắc Cửa Đại (Hội An) - Ảnh: TẤN LỰC

Tăng cường khảo sát, nạo vét luồng lạch

Ông Nguyễn Văn Sơn cho hay theo quy định của Bộ GTVT, sau ba năm nạo vét luồng lạch một lần nhưng hiện nay tại Cửa Đại luồng lạch thay đổi liên tục hằng năm sau những trận mưa lũ. Do đó, TP Hội An đã kiến nghị bộ tăng tần suất nạo vét và khảo sát định vị luồng tuyến. Trước đây sáu tháng khảo sát định vị luồng tuyến một lần, nhưng nay có thể làm hằng tháng hoặc ít nhất là hằng quý để thả phao định vị luồng lạch cho chính xác. 

"Nếu để sáu tháng mới khảo sát tuyến và thả phao định vị luồng lạch một lần thì khả năng cát bồi đã thay đổi hiện trạng bên dưới, ảnh hưởng tới việc di chuyển của tàu bè", ông Sơn nói.

Đề cập tới cồn cát xuất hiện ở Cửa Đại tại buổi làm việc với nhóm chỉ huy công tác cứu nạn canô bị nạn, ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - nói rằng với đặc thù cồn cát xuất hiện theo con nước, cần nâng cao khả năng quan trắc, phát hiện thông tin để cảnh báo an toàn hàng hải, luồng tuyến cho người dân tổ chức giao thông an toàn. "Sau vụ tai nạn nghiêm trọng của canô trên, phải rà soát lại tất cả các tuyến vận chuyển hành khách từ bờ ra đảo tại các địa phương từ Bắc tới Nam hiện nay", ông Hùng nói.

Nhầm áo phao cứu sinh với công cụ hỗ trợ nổi!

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Vũ Hải - phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam - cho biết theo quy định của Bộ GTVT, tuyến vận tải từ bờ ra đảo Cù Lao Chàm là tuyến SB (tuyến vận tải đường thủy nội địa ven bờ biển, từ bờ ra đảo, nối giữa các đảo, cách bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 12 hải lý). Theo quy định bắt buộc của quốc tế, tàu SB chở khách phải có khoang khách kín để ngăn sóng, gió, đảm bảo an toàn cho khách trong hành trình.

Theo ông Hải, đúng là các phương tiện chở khách với tốc độ cao có khoang khách kín khi xảy ra tai nạn thì khó cứu nạn hơn nhưng quan trọng nhất là ngăn ngừa. Nhiều chuyên gia cũng đồng tình khoang khách kín mang lại nhiều tiện nghi, bảo vệ hành khách tốt hơn nhưng cũng làm hạn chế khả năng khách thoát ra nhanh chóng khi bị tai nạn.

Do vậy, điều quan trọng là cần phải đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, bảo dưỡng của phương tiện, tuân thủ quy tắc vận hành an toàn, không hoạt động khi thời tiết xấu để ngăn ngừa tai nạn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Thái Bình - phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật tàu thủy Việt Nam - nêu hai vấn đề. Thứ nhất, hiện nay với tàu khách được cấp chứng nhận quy định số người được chở nhưng các nước còn có thêm quy định số người cần thay đổi tùy theo trạng thái của biển, không phải lúc nào cũng chở đủ số người theo đăng kiểm. Việt Nam cần bổ sung quy định này.

Thứ hai, ông Bình lưu ý hiện phần lớn áo phao trang bị trên tàu, canô ở Việt Nam không phải áo phao cứu sinh mà chỉ là công cụ hỗ trợ nổi. "Áo phao cứu sinh phải là loại áo trên máy bay có thể phồng hơi hoặc bố trí các mảng xốp có chức năng phân bổ trọng lượng cơ thể phù hợp để luôn nâng đầu người lên khỏi nước. Áo không đúng chuẩn có khi lại làm người mặc úp mặt xuống nước. Cho nên lên tàu mặc "áo phao" tưởng xuống nước thì cứu được người nhưng không phải vậy.

T.PHÙNG

TP.HCM không cho tàu thuyền xuất bến nếu thiếu thiết bị an toàn

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Công an về triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 26-2 tại vùng biển Cửa Đại, Hội An (Quảng Nam), Cục Cảnh sát giao thông (C08) đã gửi điện khẩn chỉ đạo công an các tỉnh thành.

Trong đó yêu cầu tập trung phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra, thống kê, đánh giá thực trạng tất cả hoạt động vận tải hành khách liên quan đến phương tiện thủy nội địa gồm: hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, ngang sông, dọc sông, du lịch, lễ hội, lưu trú nghỉ đêm...

Phòng cảnh sát đường thủy (PC08B) Công an TP.HCM đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật giao thông đường thủy nội địa và những nội dung của nghị định 139/2022 có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Đại úy Huê Duy Nguyên (PC08B) cho biết mức phạt được điều chỉnh theo hướng tăng từ gấp 3 cho đến 30 lần tùy theo hành vi vi phạm.

Bên cạnh việc xử phạt hành chính bằng tiền còn có xử lý kèm theo như tạm giữ giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng thời gian từ 3 tháng đến 6 tháng. Một trong những điểm mới trong nghị định 139 là việc xác định lỗi dựa trên công suất máy của phương tiện.

Cảnh sát đường thủy tập trung kiểm tra ngay tại các đầu bến, các địa bàn phức tạp về hoạt động vận tải hành khách, kiên quyết đình chỉ hoạt động và không cho xuất bến đối với các phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn như chở quá số người quy định, thiếu thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu đắm, không có danh sách hành khách theo quy định... hoặc khi điều kiện thời tiết không bảo đảm.

MINH HÒA

Vụ chìm ca nô du lịch ở Cửa Đại: Loại tàu đóng kín, gặp nạn khó thoát Vụ chìm ca nô du lịch ở Cửa Đại: Loại tàu đóng kín, gặp nạn khó thoát

TTO - Các lái tàu và cơ quan chức năng TP Hội An có chung nhận định loại tàu đang khai thác chở khách ra vào Cù Lao Chàm hiện là loại tàu đóng kín, rất khó cứu nạn khi gặp sự cố.

LÊ TRUNG - TRƯỜNG TRUNG - TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên