20/02/2005 07:08 GMT+7

Sau vụ ám sát cựu thủ tướng Lebanon: "2 trong 1" và...

HOÀNG NGỌC
HOÀNG NGỌC

TTCN - Ai đã hạ sát ông Hariri bằng khối thuốc nổ nặng cả tấn giữa thủ đô Beirut? Một là Israel, hai là Syria đã ra tay hạ sát ông Hariri...

v16fpEGt.jpgPhóng to
Hiện trường vụ đánh bom
TTCN - Ai đã hạ sát ông Hariri bằng khối thuốc nổ nặng cả tấn giữa thủ đô Beirut? Một là Israel, hai là Syria đã ra tay hạ sát ông Hariri...

Tối thứ hai 12-2-2005 (giờ VN), chỉ vài giờ sau vụ nổ, đặc phái viên Đài TV 5 tại Beirut đã tường thuật tại chỗ rằng ở Beirut đang có hai luồng dư luận: một là Israel, hai là Syria đã ra tay hạ sát ông Hariri, rằng Israel muốn “ném đá giấu tay” tạo nên một sự cố đổ tội cho Syria, rằng Syria bực dọc việc ông Hariri theo phe đối lập chống lại Syria nên khử ông này.

Chỉ trong hai ngày, dư luận ở Lebanon đã nghiêng hẳn về cáo buộc sau cùng này, quên đi những nghi kỵ Israel. Như thể cái chết của ông Hariri đã làm dấy lên những tình cảm dân tộc nơi người dân Lebanon chống lại sự hiện diện quân sự của Syria. Nhật báo Libération 17-2-2005 viết: “Tang lễ ông Hariri đã trở thành một cuộc biểu tình khổng lồ chống Syria, bị xem là thủ phạm giết cựu thủ tướng Hariri”.

Thế nhưng có chắc chắn rằng Syria là thủ phạm? Hay lại là Israel? Ngay cả phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Boucher cũng chưa dám quả quyết trong cuộc họp báo trưa thứ tư 16-2-2005. Thế nhưng rõ ràng đây là cơ hội để “giũ sổ” tất cả:

“- Hỏi: Trong quá khứ Israel đã gây ra nhiều vụ đổ máu như tội ác chống lại Thủ tướng Hariri. Ngay cả ở Syria, giữa thủ đô Damascus, họ cũng đã từng ra tay. Có những cáo giác từ Bộ Quốc phòng Syria rằng có thể Israel đã ra tay lần này ở Beirut. Phải chăng Hoa Kỳ lần này muốn đặt tất cả vào một giỏ: hòa bình Trung Đông, Lebanon, cao nguyên Golan, vấn đề Palestine...?

- PNV BOUCHER: Tôi nghĩ rằng câu trả lời đầu tiên chính là: Israel luôn bị gán cho bất cứ gì xảy ra tại khu vực này. Thế nhưng, trong vụ này tôi không thấy có cơ sở gì. Kế đến, câu trả lời là: hoàn toàn đúng thế. Từ nhiều năm qua, chúng tôi đã để ý đến vị trí của Syria trong khu vực này nhằm tìm kiếm một nền hòa bình toàn diện. Có một điều bất ổn là Syria cứ tiếp tục cho phép vũ khí được vận chuyển qua lãnh thổ của mình đến các phe khủng bố chống lại tiến trình hòa bình, phe Hezbollah hay phe này, phe nọ... Việc Syria cứ hậu thuẫn cho phe nổi dậy ở Iraq là một điều bất ổn. Thành ra, chúng tôi dứt khoát phải xem lại vấn đề trong bối cảnh đó.

Ngoại trưởng Rice, qua chuyến đi gần đây nhất, đã tuyên bố rằng sẽ dễ đeo đuổi một tiến trình hòa bình toàn diện nếu như Syria thôi hậu thuẫn cho các phái Hezbollah và Hamas cùng các nhóm khác. Thành ra, quả là chúng tôi muốn hướng đến một nền hòa bình toàn diện.Không khó hiểu những tính toán của bà Rice: phe nổi dậy ở Iraq còn hoạt động mạnh là do hậu cứ Syria. Một giải pháp hòa bình Israel/ Palestine còn bị kẹt là do các tổ chức khủng bố Hamas, Jihad, Hezbollah vẫn cứ ẩn náu và nhận tiếp tế từ Syria và Lebanon. Giải quyết Syria là giải quyết tất cả. Khi hậu cứ Syria đã bị xóa sổ, Hamas, Jihad, Hezbollah, phe nổi dậy Iraq... không còn chỗ dựa sẽ tự tan hàng. Israel và Iraq sẽ yên ổn trong nền hòa bình “2 (Iraq, Israel) trong 1” (Syria) do bà Rice tạo ra.

Thế nhưng, liệu Israel đã nhất trí với kế hoạch “2 trong 1” của bà Rice? Chưa hẳn! Nhật báo Israel Haaretz 15-2-2005 đòi “làm gỏi” luôn Iran với lý do: “Những năm gần đây Israel phải đối đầu với hai nguy cơ: khủng bố Palestine và tên lửa đạn đạo, Iran có tên lửa tầm bắn tới Israel, nhờ sự giúp đỡ của Bắc Triều Tiên, lại đang phát triển đầu đạn hạt nhân, nhờ Pakistan trợ giúp. Đến khi Iran có khả năng đó, Iran sẽ chính là nước duy nhất có vũ khí hạt nhân đang trong tình trạng chiến tranh với Israel, và trong nhiều năm qua đã tiến hành những hành động chiến tranh chống lại Israel cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài”.

Thế cho nên không bất ngờ gì khi được tin từ Đài truyền hình Ả Rập Al Alam, do nhật báo Libération sáng thứ năm 17-2-2005 thuật lại: “Một máy bay không rõ xuất xứ sáng nay đã phóng một tên lửa vào một khu hoang vắng gần TP Dailam, tỉnh Bouchehr, nơi có một nhà máy hạt nhân”.

Nếu quả thật tin này chính xác, vụ không kích này nhắc lại rằng năm 1981 không quân Israel đã từng ra tay tấn công lò phản ứng hạt nhân Osirak của Iraq bị tình nghi là đang sản xuất một quả bom nguyên tử. Phải chăng Israel muốn “làm tới” luôn ở Iran vì nền an ninh của mình? Hay là Israel được “ủy quyền” làm điều mà Mỹ ngại làm: lao vào một cuộc chiến tranh mới trên bộ có khả năng sa lầy? Chính vì lẽ đó mà Iran đã nhanh chóng chung mặt trận với Syria.

Kế hoạch hòa bình của bà Rice thật vĩ đại và giản dị! “2 trong 1”, nếu cần “3 trong 1” với một Israel được ủy quyền ra tay.

HOÀNG NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên