03/01/2016 11:45 GMT+7

Sau vụ 8 người chết, Thanh Hóa đình chỉ toàn bộ lò vôi thủ công

HÀ ĐỒNG
HÀ ĐỒNG

TTO - Cơ quan chức năng huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa sẽ cho rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất vôi thủ công nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động.

Các lao động nữ đang làm việc tại lò vôi thủ công ở xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) trong môi trường khói bụi độc hại - Ảnh: Hà Đồng
Các lao động nữ đang làm việc tại lò vôi thủ công ở xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) trong môi trường khói bụi độc hại - Ảnh: Hà Đồng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Đình Tuấn - phó bí thư Huyện ủy Nông Cống tỉnh Thanh Hóa cho biết bắt đầu từ hôm nay 3-1, UBND huyện quyết định tạm dừng hoạt động toàn bộ trên địa bàn huyện.

Ông Lê Trọng Hùng - phó chủ tịch UBND huyện Nông Cống cũng cho biết hiện nay toàn huyện Nông Cống còn 7 lò vôi thủ công, tập trung ở xã Hoàng Giang. Các lò vôi này của hộ gia đình đã làm nghề nấu vôi lâu đời, chưa có điều kiện chuyển đổi sang ngành nghề khác.

Theo lộ trình và sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện, từ nay đến năm 2020, Nông Cống sẽ xóa bỏ 7 lò vôi thủ công ở xã Hoàng Giang.

Để chuyển đổi nghề nghiệp, nhằm tạo việc làm cho những người nấu vôi lâu nay, xã Hoàng Giang đang đưa nghề mây tre đan vào địa phương.

Đại tang ở gia đình ông chủ lò vôi

Hai ngày qua, không khí tang tóc bao trùm ngôi nhà ông Lê Văn Thong, ở thôn Yên Thái (Hoàng Giang).

Trong số 9 nạn nhân vụ hít phải khí độc lò vôi, gia đình ông Thong có tới 4 người (gồm vợ chồng ông Thong và hai con gái, trong đó bà Lê Thị Nguyên - vợ ông Thong đang được cấp cứu tại bệnh viện).

Nhận được hung tin, anh Lê Văn Minh - con trai ông Thong đang làm ăn ở TP Thanh Hóa chạy vội về quê lo tang ma cho bố và hai em gái.

Nỗi đau quá lớn ập xuống bất ngờ khiến anh Minh suy sụp. Nhìn anh Minh đứng ngây dại, đau đớn tột cùng bên bàn thờ bố và em gái không ai cầm được nước mắt. Những cái chết tai nạn đều đến vội vã, khiến người đang sống luýnh quýnh chân tay lo việc hậu sự.

Họ hàng, bà con xóm giềng tập trung rất đông ở nhà ông Thong từ tối 1-1 đến hết ngày 2-1 để lo việc an táng cho người xấu số.

Anh Nguyễn Văn Hùng - người hàng xóm với gia đình ông Thong cho biết: “Gia đình ông Thong làm nghề nấu vôi từ hàng chục năm nay. Hai vợ chồng ông ấy hiền lành, tần tảo bên lò vôi chỉ mong kiếm được bát cơm no, manh áo ấm.

Do không có việc làm ổn định, thời gian gần đây hai đứa con gái của ông Thong là Lê Thị Mai, Lê Thị Nga hàng ngày cũng ra lò vôi làm việc cùng bố mẹ. Ai ngờ, lưỡi hái tử thần lại cướp đi sinh mạng của những người nông dân khốn khó, chất phác như vậy”.  

Nạn nhân Lê Thị Nguyên đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa - Ảnh: Hà Đồng
Nạn nhân Lê Thị Nguyên đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa - Ảnh: Hà Đồng

Đeo bám với nghề độc hại

Dưới tiết trời mùa đông lạnh giá, khô hanh, bụi vôi bao phủ mù mịt, từ sáng sớm, hàng chục lao động chủ yếu là phụ nữ ở xã Hoàng Giang, Hoàng Sơn huyện Nông Cống đã tập trung đến 6 lò vôi thủ công đang còn hoạt động ở khu vực núi Yên Thái (xã Hoàng Giang).

Công việc hàng ngày của chị em phụ nữ đều làm nặng nhọc như cánh đàn ông là bê đá nguyên liệu, than đá xếp lên lò, rồi vào cửa lò cời từng cục vôi thành phẩm bưng bê ra chỗ tập kết để bán cho khách hàng.

Trong môi trường làm việc chặt hẹp, nóng hừng hực và thiếu oxy nhưng chị em nào cũng phải dùng khăn, khẩu trang bịt kín miệng, mũi, tai để tránh bụi độc hại.

Thỉnh thoảng có ngọn gió thổi thốc vào cửa lò làm bụi đá, vôi bột, than cuộn lên phả thẳng vào mặt những công nhân đang làm việc nơi đây.

Chị Nguyễn Thị Hà (41 tuổi, trú tại thôn 4, xã Hoàng Giang) - người có hơn 10 năm làm nghề nấu vôi thủ công cho một ông chủ ở chân núi Yên Thái cho biết phải đi làm do đất nông nghiệp tại địa phương không có nhiều.

Ruộng cấy chỉ đủ gạo ăn, còn mọi khoản chi tiêu, lo cho con cái học hành đều phải đi kiếm nghề phụ, làm thêm để có tiền trang trải.

Các lao động nữ đang làm việc tại lò vôi thủ công ở xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) trong môi trường khói bụi độc hại - Ảnh: Hà Đồng
Các lao động nữ đang làm việc tại lò vôi thủ công ở xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) trong môi trường khói bụi độc hại - Ảnh: Hà Đồng

Trước kia, nghề nấu vôi thủ công đang thịnh hành, lao động chính có thu nhập cao là cánh đàn ông. Nhưng mấy năm trở lại đây, nghề này đang thu hẹp dần, vì trên thị trường khách hàng không sử dụng vôi để làm vật liệu xây dựng nữa.

Sản phẩm vôi bột bây giờ chỉ để dùng bón ruộng, làm nguyên liệu quét tường cho trắng, dùng tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Do vậy, bây giờ làm tại các lò nấu vôi thủ công hầu hết là phụ nữ, với mức lương 70.000 đồng/lao động/ngày, lao động phải tự lo các bữa ăn trong ngày.

“Một nách tôi nuôi 4 đứa con, chồng bị bệnh não lâu ngày, mất sức lao động nhiều năm nay nên biết nghề nấu vôi thủ công ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng không làm nghề này tôi cũng không biết làm nghề gì khác để có tiền lo cho con ăn học, thuốc thang cho chồng” - chị Hà buồn rầu tâm sự.

Dáng người nhỏ thó, khắc khổ, ông Lê Trọng Luật (64 tuổi, ở thôn Yên Thái, xã Hoàng Giang) vừa chui ra, chui vào miệng lò vôi thủ công bên sườn núi Yên Thái vừa trò chuyện với chúng tôi:

“Cái nghề nấu vôi thủ công ở đây có truyền thống lâu rồi. Tôi đã theo cái nghề này hàng chục năm nay, nếm đủ mọi đắng cay, vất vả và nỗi khổ của nghề. Công việc nấu vôi liên hoàn (tức là cứ vôi chín đưa ra cửa lò thì lại xếp đá nguyên liệu, than bánh vào miệng lò để đốt, nấu liên tục - P.V) đòi hỏi người có sức khỏe.

Nhưng vào môi trường làm việc này, hầu như ai cũng gầy đi vì hít phải nhiều khói bụi từ đá, vôi cũ, hơi than, khí than đá”.

Các lao động nữ đang làm việc tại lò vôi thủ công ở xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) trong môi trường khói bụi độc hại - Ảnh: Hà Đồng
Các lao động nữ đang làm việc tại lò vôi thủ công ở xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) trong môi trường khói bụi độc hại - Ảnh: Hà Đồng

Hầu hết những người dân đang làm việc tại các lò nấu vôi thủ công ở xã Hoàng Giang mà Tuổi Trẻ tiếp xúc đều biết rằng làm việc ở đây rất độc hại, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Những lao động bước sang tuổi 40 đến 50 đều gặp phải tình trạng sa sút thể trạng. Mỗi khi trái gió, trở trời, thay đổi thời tiết đều bị đau tức ngực, khó thở, ho khan kéo dài vì thường mắc bệnh về đường hô hấp do hít phải khói bụi suốt thời gian dài.

Tuy nhiên, vì bát cơm, manh áo, vì lo cho con học hành mà hàng chục lao động địa phương hàng ngày vẫn đang đeo bám với cái nghề "bạc như vôi" này.

Hiện trường lò vôi của gia đình ông Lê Văn Thong, ở thôn Yên Thái, xã Hoàng Giang - nơi 8 người bị tử vong vào chiều 1-1 - Ảnh: Hà Đồng
Hiện trường lò vôi của gia đình ông Lê Văn Thong, ở thôn Yên Thái, xã Hoàng Giang - nơi 8 người bị tử vong vào chiều 1-1 - Ảnh: Hà Đồng

 

Danh tính 8 nạn nhân tử vong

Gồm ông Lê Văn Thong (57 tuổi, chủ lò vôi), chị Lê Thị Mai (31 tuổi), chị Lê Thị Nga (26 tuổi) - hai con gái của ông Thong; ông Hoàng Văn Việt (38 tuổi), ông Lê Đình Hòa (57 tuổi), ông Phạm Văn Tuyên (53 tuổi), đều trú tại xã Hoàng Giang (Nông Cống); ông Lê Gia Cường (31 tuổi), ông Lê Văn Tân (44 tuổi), cùng trú tại xã Hoàng Sơn (Nông Cống).

Ngoài ra còn có nạn nhân Lê Thị Nguyên (52 tuổi, vợ của ông Thong), hiện vẫn còn nguy kịch, phải thở bằng máy, đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

HÀ ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên