Cảnh trong vở Những người khốn khổ do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng - Ảnh: T.ĐIỂU
"Vở nhạc kịch Những người khốn khổ đêm 19-1 vừa qua làm tôi khá bất ngờ, ra được chất broadway (nhạc kịch), có nhiều nghệ sĩ solist xuất sắc, đủ nuôi cấy vào đời sống nghệ thuật Việt Nam một bộ phận khán giả đang mơ mộng muốn thưởng thức nghệ thuật hàn lâm đặc sắc.
Chị Phương Dung (quận Đống Đa, Hà Nội)
Năm 2019, lần đầu tiên dựng vở ballet Hồ thiên nga, nhà hát này cũng đã công diễn tới 7 đêm trong nhà và 1 đêm ngoài trời, đều cháy vé.
Trước đó, không ai nghĩ diễn viên Việt Nam có thể làm được vở ballet Hồ thiên nga vào thời điểm đó và hầu hết mọi người đều tin loại nghệ thuật hàn lâm như nhạc kịch hay ballet ở ta không có khán giả.
NSƯT Trần Ly Ly - tổng đạo diễn của các vở nhạc kịch, ballet này và là giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam - được coi là người đã phá vỡ những định kiến bằng những đêm diễn "cháy vé". Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với chị.
Đánh thức tiềm năng từ vai trò người xem
* Chỉ trong vòng 3 năm chị về làm giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, công chúng được thấy hàng loạt các vở nhạc kịch được dựng, cả một vở ballet nữa, cứ như thể một tập thể hoàn toàn mới ra đời?
- Họ vẫn luôn ở đó. Tôi chỉ đánh thức tiềm năng của họ và thu hút thêm nhân tài từ bên ngoài, như mời Đồng Quang Vinh về làm nhạc trưởng cho nhà hát.
Một điều thuận lợi nữa là tôi về với Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam như về nhà của mình. Có thể nói tôi sinh ra, lớn lên trong nhà hát ấy bởi mẹ tôi là diễn viên của nhà hát. Các anh chị em trong nhà hát bây giờ thì hầu như cũng đều là con của những người từng làm trong nhà hát.
Cho nên tôi hiểu, thân thuộc từ người lao công, người thổi kèn trong nhà hát. Tất cả họ đều rất trong sáng và yêu nghề, chịu khó và cũng khổ đấy. Đi theo dòng nghệ thuật này phải đam mê lắm mới theo chứ thời gian học lâu, khó mà không kiếm được tiền nhiều, thời gian làm nghề rất ngắn.
* Chị đã làm thế nào để tạo ra những đêm nhạc kịch, ballet cháy vé, trong khi lâu nay những món ấy vẫn được coi là quá hàn lâm và xa lạ với người Việt?
- Khi bắt đầu về lãnh đạo Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, tôi quan sát đời sống ở vai trò của người xem. Tôi biết rằng Hà Nội luôn luôn thiếu những thứ như thế. Vẫn luôn có một bộ phận công chúng, dù nhỏ thôi, có nhu cầu thưởng thức thứ nghệ thuật hàn lâm ở Hà Nội, và chúng tôi muốn bộ phận nhỏ ấy nảy nở ra thêm.
Tôi bắt tay vào làm và tin tưởng vào việc mình làm. Hàn lâm ư, kén khán giả ư, tôi sẽ biến chính cái khó khăn ấy thành ưu thế của mình. Khi tất cả mọi người thấy đó là điểm yếu thì mình vẫn tin là mặt mạnh. Tin rồi thì làm việc chăm chỉ, nghiêm túc.
Tôi tìm trong kho tàng những vở hàn lâm, kinh điển ấy cái gì gần gũi nhất với người Việt để làm trước. Ballet Hồ thiên nga cả thế giới biết đến về một chuyện tình đẹp tuyệt vời, vượt qua mọi trở ngại. Câu chuyện như thế là người Việt rất thích.
Những người khốn khổ là áng văn chương làm rung động cả thế giới vài trăm năm nay, người Việt đều được học ở phổ thông. Vậy thì tôi làm những vở ấy trước. Khi công chúng đã biết, đã yêu rồi thì chúng tôi sẽ chuyển qua bước hai, làm những vở mới mẻ hơn.
Đương nhiên để có những đêm "cháy vé" thật không dễ dàng gì. Chúng tôi phải đổ cả máu và nước mắt trên sàn tập. Để có được 2 tiếng rưỡi thăng hoa trên sân khấu dành cho công chúng của vở Những người khốn khổ, diễn viên đã phải hát rạc cổ 6 tháng trời.
Tổng đạo diễn Trần Ly Ly
Bỏ qua khen chê
* Người nước ngoài có vẻ chiếm tỉ lệ khá lớn trong số khán giả đến với những đêm diễn của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam?
- Bởi đó là những sản phẩm nghệ thuật họ thích. Nhưng người Việt đi xem các chương trình của chúng tôi cũng nhiều lắm, khách nước ngoài chỉ chiếm khoảng1/4 thôi. Chúng tôi không chỉ nhắm vào đối tượng người nước ngoài mà làm sản phẩm cho người Việt.
* Cũng có một vài ý kiến chê, họ so sánh diễn viên Việt Nam với diễn viên ballet, opera châu Âu, chị nghĩ sao?
- Những chê trách của số ít khán giả khiến chúng tôi cố gắng hơn. Nhưng chúng tôi không quá nặng nề với những lời chê trách, bởi nếu chạy theo những khen chê thì không làm được gì. Chúng tôi biết sản phẩm của mình đến mức nào, hiểu mình bắt đầu từ đâu và cố gắng làm hết khả năng của mình.
Nếu diễn viên của chúng tôi được thoải mái làm nghề với lương tháng mấy ngàn đôla Mỹ, với cả ngành công nghiệp nghệ thuật tuổi đời hàng trăm năm đi theo phục vụ, thì tôi tin chúng tôi cũng làm được như họ. So sánh thì vô chừng lắm. Như có người xem cả ballet Hồ thiên nga của các diễn viên Anh và vở của chúng tôi lại bảo rằng họ thấy cảm động hơn khi xem ballet của Việt Nam.
* Sau Những người khốn khổ, nhà hát có kế hoạch làm vở mới nào nữa?
- Chắc chắn sẽ có vở mới vào cuối năm nay, nhưng vở gì thì chúng tôi chưa công bố. Kế hoạch định kỳ đã được chúng tôi đặt ra là hằng năm sẽ ra vở mới vào ba tháng cuối năm và tiếp tục diễn trong 6 tháng đầu năm.
* Cảm ơn chị!
Trước khi giữ vai trò giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Trần Ly Ly nổi tiếng với vai trò một diễn viên, đạo diễn, biên đạo múa đương đại, người ghi dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của múa đương đại ở Việt Nam trong hai thập niên qua.
Sau khi tốt nghiệp tại Trường đại học Công nghệ Queensland, Úc năm 2003, chị làm việc tại Pháp một thời gian trước khi trở về Việt Nam. Từ năm 2018, chị đảm nhận vị trí giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và liên tục dựng vở, nhiều vở "cháy vé".
Năm 2019, Trần Ly Ly được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận