Căng thẳng giữa Facebook và Chính phủ Úc về luật chi trả nội dung báo chí trên các nền tảng công nghệ khiến nhiều nước muốn mạnh tay hơn với các gã khổng lồ công nghệ - Ảnh: REUTERS
Rod Sims, kiến trúc sư của đợt cải tổ truyền thông gây căng thẳng với các công ty công nghệ lớn, cho rằng Chính phủ Úc đã thắng Facebook dù phải điều chỉnh dự luật buộc các công ty công nghệ phải trả tiền bản quyền cho báo chí.
"Những thay đổi mà chính phủ đã thực hiện là những điều không quan trọng lắm hoặc chỉ là để làm rõ những điều mà ít nhất trong suy nghĩ của Facebook, là không rõ ràng. Dù họ nói gì thì họ vẫn cần tin tức. Nó giữ mọi người trên nền tảng của họ lâu hơn và họ kiếm được nhiều tiền hơn", Hãng tin Reuters ngày 24-2 dẫn lời ông Sims, chủ tịch Ủy ban tiêu dùng và cạnh tranh Úc (ACCC), người đứng đầu ban soạn thảo đạo luật đàm phán truyền thông, cho biết.
Thụy Điển đảo ngược quan điểm
Sau Úc và có thể là Canada, đến lượt các nước châu Âu là Thụy Điển và Đan Mạch chuẩn bị đưa ra luật mới cho phép các hãng tin đòi tiền khi nội dung báo chí của họ được chia sẻ trên các mạng xã hội.
Bộ trưởng Số hóa và năng lượng Thụy Điển Anders Ygeman cho biết ông muốn các công ty công nghệ và tin tức tự thương lượng với nhau, tuy nhiên ông đã thay đổi quan điểm sau khi Facebook chặn chia sẻ tin tức ở Úc để phản ứng với việc Canberra đưa ra luật buộc các công ty công nghệ phải trả tiền cho nội dung báo chí.
"Điều đó củng cố quan điểm của tôi rằng chúng ta phải quản lý các gã khổng lồ công nghệ chặt chẽ hơn nữa", ông nói.
Đài SVT của Thụy Điển mới đây dẫn lời giám đốc điều hành Thomas Mattsson của Hiệp hội Các nhà xuất bản truyền thông Thụy Điển cho biết nước này dự kiến sẽ sớm ra luật mới nhằm gây sức ép lên các gã khổng lồ như Facebook, Google.
"Chúng tôi muốn các tờ báo có cơ hội phổ biến nội dung của họ trên mạng. Nhưng chúng tôi cũng muốn các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu trả tiền cho việc sử dụng báo chí và chúng tôi muốn các điều kiện cạnh tranh công bằng và hợp lý hơn", ông Mattsson nói.
Đạo luật của Thụy Điển dự kiến sẽ dựa theo luật bản quyền được Liên minh châu Âu (EU) điều chỉnh vào tháng 4-2019, yêu cầu các công ty công nghệ trả phí để sử dụng nội dung tin tức. Nhiều chính trị gia châu Âu cho rằng cơ chế này quá yếu khi mà Pháp trước đó dựa theo quy định của châu Âu đã không thể buộc Google trả tiền. Công ty công nghệ Mỹ chỉ đạt thỏa thuận chi trả gần đây sau khi tòa án Pháp can thiệp, yêu cầu công ty này phải thương lượng với các nhà xuất bản.
Chuyên gia luật Patrik Sundsberg của Bộ Tư pháp Thụy Điển nói rằng đạo luật của nước này sẽ nhắm vào việc điều chỉnh mối quan hệ giữa các hãng tin và công ty công nghệ, củng cố vị thế của các hãng tin với việc trao cho họ nắm quyền cao nhất đối với các nội dung của mình.
Đan Mạch tuyên bố mạnh tay
Tương tự, Đan Mạch cho biết nước này cũng sẽ ra đạo luật tương tự và thậm chí sẽ còn mạnh tay hơn EU, đảm bảo rằng các hãng tin sẽ không đơn thương độc mã khi đàm phán với các gã khổng lồ công nghệ.
"Tôi không biết có phải vì họ không hiểu hay không quan tâm đến tầm quan trọng của thông tin truyền thông trong một xã hội dân chủ", Bộ trưởng Văn hóa Đan Mạch Joy Mogensen nói trên tờ Journalisten, nhắc lại hành động của Facebook tại Úc.
"Chúng tôi sẽ làm mạnh hơn những gì EU yêu cầu, bằng cách cho các công ty truyền thông Đan Mạch cơ hội đàm phán tập thể với những gã khổng lồ công nghệ. Họ sẽ không phải từng người một chiến đấu chống lại những công ty rất lớn và mạnh như những gã khổng lồ công nghệ", bà Mogensen nói. Dự kiến theo luật mới, nếu các bên không đạt được thỏa thuận, vụ việc sẽ do một ủy ban bản quyền dưới sự chủ trì của một thẩm phán tối cao phân xử.
Lãnh đạo của Facebook tại khu vực Bắc Âu Martin Ruby cho rằng việc bắt công ty này trả tiền là "không công bằng" vì Facebook cũng tạo ra tin tức. Tuy nhiên, chỉ khoảng 4% nội dung hiện nay của Facebook là tin tức.
Financial Times ngày 8-2 cho biết nhiều chính trị gia châu Âu cũng đang muốn noi gương Úc để hỗ trợ các nhà xuất bản và có thể tiếp tục điều chỉnh luật bản quyền như đã làm năm 2019. "Ý tưởng của chỉ thị bản quyền là củng cố vị thế đàm phán của các nhà xuất bản tin tức" - ông Andrus Ansip, thành viên Nghị viện châu Âu và là người tham gia soạn thảo điều chỉnh năm 2019, cho biết.
Tương tự, Canada ngày 18-2 khẳng định sẽ là nước tiếp theo buộc các công ty công nghệ như Facebook trả tiền cho nội dung báo chí. "Tôi nghĩ chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ có 5, 10, 15 quốc gia áp dụng các quy tắc tương tự... Facebook sẽ cắt đứt quan hệ với Đức, với Pháp?", Bộ trưởng Di sản Canada Steven Guilbeaul nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận