Vở Trung thần dù được đầu tư tốt nhưng cũng chỉ diễn được hai suất tại Nhà hát Bến Thành - Ảnh: LINH ĐOAN
“Tôi cho rằng lực lượng đạo diễn trẻ không thiếu. Nhưng có lẽ họ chưa tạo niềm tin đủ sức làm những tác phẩm lớn, vì vậy chỉ giới hạn được giao dàn dựng những trích đoạn, tác phẩm nhỏ nên khó mà trưởng thành.
Ông Lê Nguyên Đạt (trưởng khoa kịch hát dân tộc Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM)
Vài năm gần đây, các đêm diễn cải lương ngày càng thưa thớt dần. Các sô diễn thường chỉ nở rộ khi có sự kiện hoặc mùa hội diễn. Đó là hệ lụy của cả một thời gian dài, tổng lực cho các hoạt động của cải lương đều đi xuống.
Khai mạc chuỗi hoạt động nghệ thuật chào mừng 100 năm cải lương
Suy yếu đều
Sân khấu cải lương đang thiếu lực lượng tác giả giỏi, thiếu những tác phẩm hay mang hơi thở của cuộc sống. Lực lượng đạo diễn trẻ gần đây đã bật lên vài gương mặt nhưng cơ hội cho họ thể hiện không được nhiều.
Có giai đoạn, sân khấu cải lương chào đón sự góp mặt của các đạo diễn trẻ từ lĩnh vực kịch nói. Thế nhưng, hiếm trường hợp nào tạo được dấu ấn, có một số tác phẩm rơi vào tình trạng kiểu kịch nói "đâm bài ca", không đảm bảo được độ mượt mà, chất trữ tình, sâu lắng của cải lương.
Nhiều năm qua, sân khấu cải lương cũng không "đào tạo", tìm ra thêm nhiều khán giả mới. Khi làm chương trình Tôi yêu cải lương tại Nhà hát Bến Thành năm 2016 với vở diễn Trung thần, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn lắc đầu ngao ngán vì bán vé quá cực.
Dù Trung thần là vở diễn hay, được đầu tư tốt nhưng cũng chỉ diễn được 2 suất, gần như không thể diễn tiếp tục. "Cho dù có Minh Vương, Lệ Thủy... thì cũng chừng 2 suất, cao lắm 3 suất đã hết khán giả!" - ông Tuấn nói.
Đạo diễn Lê Nguyên Đạt, trưởng khoa kịch hát dân tộc Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, cho biết mới đây một chuyên viên âm thanh giỏi nghề gắn bó mấy chục năm với một nhà hát đã ra đi làm việc bên ngoài, vì nhà hát không thể "nuôi" anh. Sân khấu cải lương đã khó mà còn lần lượt mất đi những người làm nghề giỏi.
Nhạc sĩ Hồ Văn Thành cũng từng chia sẻ: "Tôi viết nhạc cho cải lương vì yêu mến, chứ thù lao nhận được chỉ đủ chi cho tiền thu âm chứ chưa tính đến công sức của người sáng tác. Tìm nhạc công giỏi, chịu đánh nhạc được sáng tác mới cũng rất khó. Vì vậy, thường người ta hay chọn nhạc thu sẵn để đỡ mất công, đỡ tốn tiền...".
Một trích đoạn Thầy Ba Đợi mừng trăm năm cải lương
Nghệ sĩ đi chơi tài tử, ca salon...
Một số đơn vị công lập còn có may mắn là một năm được dựng 1, 2 vở. Thế nhưng thật sự cũng không mấy khả quan, bởi rất nhiều vở diễn nghệ sĩ bỏ công ra tập gần cả tháng trời nhưng chỉ diễn được 1, 2 suất. Thậm chí có vở tập xong, công diễn xong rồi... thôi vì không thể bán vé được!
Soạn giả Hoàng Song Việt đau đáu: "Tôi rất đồng cảm với sự nỗ lực của các nghệ sĩ nhưng không được bù đắp bằng những suất diễn nối dài. Tuy nhiên, cũng lấy làm buồn vì có những người tự cho mình cái quyền xem thường công việc mình làm. Họ có suy nghĩ tập làm chi cho nhiều, học tuồng cho thuộc làm gì để cuối cùng chỉ diễn được một suất.
Không cần học, tập ít thôi lên sân khấu đã có máy nhắc. Tôi cho máy nhắc là tội ác lớn nhất của cải lương hiện nay, gây hệ lụy cho sàn diễn. Đơn cử trong cuộc thi cải lương toàn quốc vừa rồi tại Long An, có vai diễn hát từ đầu tới cuối không sai một chữ nhưng tôi ngồi xem mà bực mình. Vì diễn viên cứ vừa diễn vừa nghe máy nhắc".
Không có sàn diễn, không có suất diễn, nghệ sĩ cải lương làm gì? NSƯT Lê Tứ buồn rầu cho biết để sống được anh em nghệ sĩ cũng phải xoay xở. Nghệ sĩ giờ đa phần quay trở lại chơi đờn ca tài tử, hát salon, hát quán, đám tiệc...
Nghệ sĩ Kim Tử Long cho hay nhiều giọng ca trẻ rất hay nhưng đâu có đất cho các nghệ sĩ trẻ dụng võ, vậy là các bạn phải chạy hát đám tiệc. "Riết rồi có những em quen hát thiệt khỏe, thiệt to để lấn át tiếng ồn, chủ yếu là khoe giọng. Khi trở về sân khấu chính quy, vào một vở diễn uốn nắn các em rất khó vì các em không biết hát theo tâm lý nhân vật, cách bỏ nhỏ như thế nào cho mùi mẫn, tình cảm".
Tái hiện những bài bản tài tử và trích đoạn cải lương kinh điển
NSƯT Lê Tứ cho biết cũng có gia chủ rất đàng hoàng. Họ mê cải lương, khoái nghe hát nhưng không có thời gian đến rạp hát, họ có thể bỏ cả trăm triệu mời nghệ sĩ tới nhà. Nghệ sĩ cùng ăn uống, đàn hát rồi ra về gia chủ gửi phong bì cátsê...
Đạo diễn Lê Trung Thảo thở dài khi kể có nhiều bạn làm clip cái gì cũng muốn... lồng lộn, phục trang màu mè, không đúng với nhân vật, muốn đội mũ mão gì thì đội. Chất giọng yếu, diễn xuất tùy tiện, lại còn chế tuồng làm hư những tuồng tích hay.
Thế nhưng khi tung clip lên mạng luôn giật gân với những danh xưng "giọng ca tài năng", "hotboy làng cải lương"... Những sự bát nháo đó cũng làm ảnh hưởng đến sân khấu cải lương, khiến khán giả trẻ hiểu sai về cải lương.
Vẫn chưa có rạp dành cho cải lương
Nhiều năm trước, thủ phủ của cải lương thành phố là rạp Hưng Đạo. Sau khi rạp được xây mới thì vấp phải sự phản ứng của người làm nghề cho rằng rạp không đáp ứng đủ điều kiện, sân khấu bị thu hẹp, số ghế quá ít, ghế trên lầu khó sử dụng vì bị vướng tầm nhìn...
NSƯT Kim Tử Long sau khi thuê rạp (hiện là Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang) để diễn vở Tô Ánh Nguyệt năm ngoái đã phải "chạy dài" không dám làm tiếp, vì số ghế dưới đất không tới 250 ghế, tiền bán vé không đủ bù chi. Vì vậy, từ lúc hoàn thành nhà hát cho tới nay, số lượng đêm diễn rất ít, cơ sở vật chất cũng ít nhiều xuống cấp.
Không có rạp dành cho cải lương, các đơn vị xã hội hóa muốn diễn phải đi thuê rạp với tiền thuê quá cao, có nơi 50 - 70 triệu đồng/đêm khiến các ông bầu, bà bầu xanh mặt và mỗi lần muốn tổ chức sô phải đắn đo, cân nhắc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận