Sau khi sơ cứu, anh Nguyễn Đức Dũng cùng sinh viên tình nguyện Nguyễn Minh Hoàng (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cõng bệnh nhân COVID-19 ra xe cấp cứu - Ảnh: TỰ TRUNG
Nói một cách công bằng, tuổi trẻ TP.HCM nói chung và Đoàn thanh niên TP nói riêng đã làm được nhiều việc. Nhưng có lẽ nhiều người sẽ đồng tình với tôi khi nổi lên, dễ thấy hơn cả trong các hoạt động ấy nhiều năm qua vẫn chỉ là tình nguyện!
1 Tôi còn nhớ nhiều năm trước, khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, một lãnh đạo TP.HCM khi ấy đã nói "Tình nguyện không phải là của riêng tuổi trẻ mà đã trở thành tài sản của TP". Thật vậy, bức tranh tuổi trẻ TP.HCM có nhiều điểm sáng nhưng nhìn vào, điểm sáng nhất có lẽ không gì khác hơn hoạt động tình nguyện.
Nếu trước đây phải đến hè, chúng ta mới thấy màu áo đồng phục tình nguyện xuất hiện, thì nay các hoạt động này diễn ra quanh năm mà hè chỉ là đợt cao điểm. Thời sinh viên của tôi chỉ có chiến dịch Mùa hè xanh, giờ chúng ta còn có Kỳ nghỉ hồng, Hành quân xanh, Hoa phượng đỏ và hai chương trình Tiếp sức mùa thi, Gia sư áo xanh. Cũng không chỉ duy nhất màu áo xanh quen thuộc mà hiện có nhiều màu áo khác nhau tương ứng với mỗi chiến dịch, chương trình.
2 Các bạn trẻ TP mang tên Bác vừa ghi thêm một điểm cộng ấn tượng trong mắt người dân vào mùa dịch vừa qua. COVID-19 ập đến, bùng phát khắp TP, ai cũng mang tâm lý hoang mang, lo lắng, thậm chí sợ sệt, đề phòng với bất kỳ người lạ nào khi giao tiếp. Nhưng ngay giữa những ngày căng thẳng nhất đó, người ta thấy hình ảnh bao bạn trẻ xuất hiện khắp nơi. Họ chính là những tình nguyện viên tham gia phòng chống dịch.
Một lần nữa, tình nguyện lại như sợi dây vô hình kết nối không chỉ vài chục, vài trăm mà đến cả chục ngàn bạn trẻ cùng lúc. Họ có sợ không? Có! Nhưng họ có trốn tránh không? Chắc chắn không! Các bạn đứng chốt cùng lực lượng chức năng kiểm soát khu vực bùng dịch. Các bạn đi vào từng hẻm nhỏ hỗ trợ bà con bị cách ly. Các bạn chuyển thực phẩm, đi chợ giúp bà con khu vực bị phong tỏa.
Nhưng có lẽ cao điểm nhất, họ - những bạn trẻ tình nguyện - đã có mặt tại bệnh viện dã chiến chăm sóc các bệnh nhân nhiễm bệnh, xung phong vào đội hình taxi cấp cứu F0 tại nhà. Nhiều người ngỡ ngàng, rồi xúc động khi hình ảnh chàng sinh viên y khoa cõng cụ già F0 ra xe vì hẻm nhỏ taxi không thể vào xuất hiện trên mạng. Rồi hình ảnh những y bác sĩ tranh thủ chợp mắt ở một góc nào đó khi trên người còn nguyên bộ đồ bảo hộ nóng hầm hập. Ai cũng biết mình có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào nhưng chẳng ai nề hà hay lo lắng bởi ở đó người bệnh đang cần họ hơn lúc nào hết.
3 Nếu tình nguyện là "đặc sản" vốn có để rồi từ TP.HCM đã lan rộng thành phong trào của tuổi trẻ cả nước thì hình ảnh hàng chục ngàn bạn trẻ đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề khác nhau cùng gọi chung cái tên "tình nguyện viên chống dịch" đã trở thành điểm son đáng nhớ nhất của hoạt động Đoàn và phong trào tuổi trẻ TP.HCM hai năm qua, dưới khả năng hiệu triệu của Đoàn, sức tập hợp của Hội.
Nhưng sau tình nguyện, người ta hỏi Đoàn còn gì khác?
Không phủ nhận Đoàn đã xuất hiện hầu khắp mọi nơi, làm đủ thứ việc. Định hướng thanh niên sống đẹp sống có ích, cổ vũ hành động bảo vệ môi trường, hỗ trợ khởi nghiệp, chăm sóc và bảo vệ thiếu nhi, đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của thanh thiếu nhi cùng nhiều việc khác...
Nhưng người ta vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào tổ chức chính trị của người trẻ, đòi hỏi cao hơn ở sứ mệnh dẫn dắt thanh niên mà Đoàn đã được giao phó. Cuộc sống chuyển động nhanh, tác động của sự thay đổi công nghệ, của mạng xã hội là điều quá rõ ràng đến cuộc sống, thậm chí tác động cả nhân cách, chi phối suy nghĩ và hành động của thanh thiếu nhi.
Đoàn sẽ ở đâu giữa mặt trận đó, đã và phải làm gì để "giữ" người trẻ đứng vững trước làn sóng tác động dồn dập tính bằng giờ ấy? Bối cảnh chuyển đổi số là bài toán mới mà Đoàn và người trẻ không thể đứng ngoài cuộc, lời giải ấy là gì?
Chắc chắn còn nhiều câu hỏi khác. Nhưng có lẽ trước khi tìm trả lời cho từng vấn đề đặt ra, câu hỏi đã và luôn được hỏi đi hỏi lại vẫn là tổ chức Đoàn có thở cùng nhịp bước thời cuộc, sống cùng mạch sống giới trẻ vốn năng động, và đủ trẻ trước các trào lưu, xu hướng mới xuất hiện từng giờ của người trẻ hôm nay thế nào?
Theo dự kiến, Đại hội Đoàn TP.HCM lần XI (nhiệm kỳ 2022-2027) sẽ diễn ra vào giữa tháng 10. Với mong muốn đây là dịp lắng nghe những tiếng nói khác nhau gửi đến tổ chức Đoàn tại TP.HCM, rất chờ đón những ý kiến, chia sẻ của bất cứ ai quan tâm đến hoạt động thanh niên nói chung, với Đoàn nói riêng.
Chia sẻ với suy nghĩ của bạn đọc trên đây, còn điều gì bạn muốn "Nói với Đoàn" không? Tuổi Trẻ chào đón và mời bạn gửi về địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận