Cứ xưng môi giới chứng khoán là nhiều khách cúp máy
Minh (30 tuổi, ở Hà Nội) thấy nhiều bất ổn sau hơn một năm làm môi giới chứng khoán. "Tôi bắt đầu đúng đỉnh, vài tháng sau thị trường rơi vào giai đoạn khủng khiếp nhất. Hiện tại thị trường hửng lên, nhưng khó khăn vẫn nhiều", Minh nói.
Rào cản lớn với môi giới hiện nay đó là tâm lý. Minh nói, khi gặp gỡ, nhiều người cứ nói đến chứng khoán là "sợ", nhắc tới môi giới thì ác cảm. Khó nhằn nhất khi "telesale", khách chớm nghe giới thiệu là cúp máy hoặc kêu lừa đảo.
Anh cũng áy náy khi tài khoản khách hàng giảm liên tục. Chưa kể, hầu như môi giới nào cũng tham gia đầu tư, việc ôm suy tư khi bản thân cũng thua lỗ là khó tránh khỏi.
Thu nhập thấp, không ít môi giới nhanh chóng tìm kiếm cơ hội công việc mới. Chia sẻ trên mạng xã hội, Nguyễn Linh (Hà Nội) nói đã tạm biệt công việc này vào tháng 3 năm nay. Trước đó, cô thử sức tại một công ty có văn phòng ở quận Đống Đa.
Linh cố gắng nhiều nhưng khi mùa hoa đẹp nhất đi qua, chưa có thu nhập cao như mơ thì phải đối mặt với "vực sâu". VN-Index vượt ngưỡng 1.500 điểm rồi rơi dần. Thu nhập dựa vào giao dịch, làm cả nửa năm Linh mới nhận được gần 10 triệu đồng nên từ bỏ.
Trao đổi với TTO, ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc phân tích chứng khoán Yuanta Việt Nam - cho biết nghề môi giới có tốc độ đào thải lớn, khi thị trường đi xuống cạnh tranh càng khốc liệt. Ông quan sát nhiều công ty tối ưu chi phí bằng cách cắt giảm nhân sự, đặc biệt với người không đủ KPI.
"Thấy thị trường nóng, nhiều bạn kinh nghiệm không có, kiến thức mỏng nên dễ nản, không chịu được áp lực lúc khách hàng cáu giận vì thua lỗ phải ngậm ngùi xin nghỉ…", ông Minh nói.
Ông Minh từng nói đùa với nhiều môi giới có mức thu nhập hàng trăm triệu một tháng: "Em thu nhập còn cao hơn CEO nhiều". Nay mọi thứ đã khác, thu nhập bị ảnh hưởng nhiều ngay cả với môi giới "cứng".
Khốc liệt vẫn còn phía trước
Khó khăn không chỉ qua lời kể người trong nghề. Báo cáo tài chính quý 1-2023 cho thấy lợi nhuận nhiều công ty chứng khoán sụt hàng chục phần trăm. Hầu hết được lý giải, mảng nghiệp vụ môi giới bị giảm rất mạnh.
Theo ghi nhận, cả 10 công ty chứng khoán có giá trị môi giới lớn nhất (theo HoSE) đều sụt giảm lớn (từ 54-75%) khoản này. Như VPS thu về 411 tỉ đồng trong quý 1-2023, giảm 57% so với cùng kỳ 2022. Còn ở VNDirect và VCSC giảm tương ứng 70%, 75%...
Đối mặt khó khăn, một số nơi thắt lưng buộc bụng, nhân sự vơi dần. Như ở VNDirect, hết quý 1 giảm hơn 300 người so với cuối năm 2022. Chưa kể, một đội ngũ CTV được tuyển ồ ạt rồi sớm chán nản từ bỏ khi thị trường èo uột.
Một môi giới lâu năm nói, nhiều nơi trả 65-70% phí giao dịch. Khi doanh thu môi giới giảm 60-70% thì thu nhập của các broker "trở về mặt đất".
Muốn trụ lại, Minh chia sẻ đang tập trung vào việc đầu tư kiến thức. Không giỏi telesale nên anh lập kênh TikTok, YouTube hay livestream phân tích cổ phiếu, tư vấn miễn phí… Anh lạc quan cho rằng thời điểm khó khăn nhất đã đi qua. Nhiều chuyên gia dự báo cuối năm 2023, 2024 thị trường sẽ dần dễ thở hơn.
Còn theo ông Nguyễn Thế Minh, ngay cả khi thị trường đang tích cực hơn, khó khăn với môi giới vẫn lớn khi công nghệ phát triển, xu hướng miễn phí giao dịch phổ biến… Các công ty đang đẩy mạnh công nghệ, chuyển đổi số.
Nếu AI hiệu quả hơn sẽ dần thay thế môi giới "chạy bằng cơm". "AI có khả năng đọc và xử lý dữ liệu rất tốt. Nếu thử nghiệm thấy giải pháp đưa ra tốt và lại giao tiếp được như con người thì quả thực chúng sẽ tạo nên sự khốc liệt hơn ở ngành này", ông Minh dự báo.
Dù thừa nhận công nghệ hiện đại đến đâu cũng khó thay thế hoàn toàn con người song ông Minh khuyến nghị môi giới trẻ nên cập nhật, tích lũy kiến thức, nâng cao khả năng tư vấn và chuyển đổi dần theo hướng có thu nhập từ tư vấn, quản lý tài sản thay vì trông chờ khoản phí từ các nghiệp vụ cơ bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận