TTCT - 25 năm trước, Chính phủ triển khai “Chương trình 1 triệu tấn đường” và năm 2000 đạt được mục tiêu này. 20 năm sau, 2020 là năm mà cây mía đã trở thành gánh nặng với nhiều người. Liên tiếp những năm gần đây người trồng mía đều rơi vào tình cảnh thua lỗ. Ảnh: CHÍ CÔNG“Nhắc tới cây mía, tui nổi da gà. Mần lúa, nuôi tôm còn có năm trúng năm thất, chứ cây mía gần 10 năm nay chưa một lần được giá, riết rồi nản, bà con bỏ gần hết”, chị Võ Thị Trang (xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) nói.10 năm mía đắngChị Trang phải ra ruộng mía từ sáng sớm để tự làm cỏ, bón phân, đánh lá... nhằm tiết kiệm chi phí. Không làm thế, đến ngày thu hoạch, chị chẳng còn đồng lời nào. “Bây giờ ai liều lắm mới bám trụ cây mía. Tui cũng mấy lần tính bỏ nhưng lấy đâu ra vốn để chuyển sang cây trồng khác! Trồng mía thì dễ, nhưng thu hoạch rồi chẳng biết bán cho ai, thương lái tìm đủ cách ép giá”, chị nói. Dù có tới 14 công đất (14.000m2) trồng mía, nhưng để có tiền mua gạo, lo cho hai đứa con đang tuổi ăn học, chồng chị phải đi làm thuê.“Tui năm nay 45 tuổi. Tính từ thời ông ngoại tui đến giờ, gia đình đã gắn bó với cây mía gần 100 năm, nhưng chưa bao giờ khổ như lúc này. Giá mía thấp hơn chi phí đầu tư nên năm nào cũng lỗ nặng, vụ nào huề vốn là may. Ai nói mía ngọt đâu, chứ tui thấy đắng nghét”, chị Trang nói.Chỉ tay về 6 công mía gần thu hoạch, ông Nguyễn Văn Hai (xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung) nói rằng nông dân trồng mía ở huyện này đã thật sự mệt mỏi với cây mía. “Một, hai năm còn chịu đựng được, chứ 10 năm liền không có lời, đành bỏ cây mía thôi” - ông nói.Chị Võ Thị Trang (xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung cho biết gần 10 năm nay giá mía bấp bênh, khiến người trồng không có lời. Ảnh: K.TÂMTheo ông Hai, mía trồng gần một năm mới được thu hoạch. Tiền giống, phân bón, thuốc trừ sâu, đánh lá, vun đất... không dưới 5 triệu đồng/công. “Mía trồng ở cù lao này năng suất khá cao, bình quân 10 tấn/công. Chỉ cần giá mía nguyên liệu trên 1.000 đồng/kg là sống được.Nhưng có năm giá mía rớt thảm còn 200-300 đồng/kg, không đủ trả tiền thuê người đốn mía. Nhiều người không thèm thu hoạch, để mía già trổ cờ hoặc chết khô, thảm lắm. Bán 100kg mía nguyên liệu chưa ăn được tô phở. Giá mía không tăng nhưng cái gì cũng tăng chóng mặt, nhất là phân bón, thuốc trừ sâu”, ông than.Hậu Giang trước đây có diện tích trồng mía lớn nhất miền Tây, nhưng những ruộng mía bạt ngàn ở huyện Phụng Hiệp ngày nào nay thay bằng rau màu và vườn cây ăn trái. Gần 30 năm gắn với cây mía, ông Nguyễn Văn Dũng (ấp Long Trường, xã Hòa Mỹ) nói rằng năm nay giá mía bán chỉ từ 750-900 đồng/kg, nông dân chịu lỗ, nợ nần chất chồng.Sau khi bán hơn 10 công mía với giá 750 đồng/kg, ông Huỳnh Văn Vũ (ở cạnh nhà ông Dũng) làm phép tính đơn giản: trừ tiền thuê mướn nhân công 260 đồng/kg, ông chỉ còn 490 đồng/kg, không đủ trả tiền phân thuốc. “Trồng tiếp vụ nữa mà bị lỗ chắc tôi giải nghệ luôn”, ông nói.Hơn 15 công đất trồng mía trước đây của ông Huỳnh Văn Cảnh đã chuyển sang trồng chuối, cây ăn trái. Tương tự, bà Nguyễn Thị Xuân cũng đã chuyển 4 công đất trồng mía sang trồng dưa hấu.Có năm giá mía nguyên liệu giảm mạnh, nông dân trồng mía ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng) bỏ ruộng mía chết khô, không muốn thu hoạch. Ảnh: K.TÂMThời hoàng kim và gánh nặng của cây míaÔng Hai nói rằng trước năm 2010, cây mía lên ngôi huy hoàng. Nhà nào có 20-30 công mía coi như sống khỏe. Thời điểm đó ở Cù Lao Dung xuất hiện những danh hiệu rất kêu: “vua mía”, “triệu phú mía”. Giá mía nguyên liệu mua tại rẫy có vụ lên tới 1.300 đồng/kg, thu hoạch 10 công mía, sau khi trừ chi phí, bỏ túi 100 triệu đồng. Nhờ cây mía, rất nhiều lão nông ở Cù Lao Dung cất được nhà tường, cưới vợ, gả chồng cho con. “Nhà tui bán mía xong chạy ra thành phố Sóc Trăng mua cùng lúc hai chiếc xe tay ga chạy cho sướng.Nghĩ lại thấy ham. Căn nhà tường tui cất gần 500 triệu đồng cũng nhờ cây mía. Thời đó chỉ cần bán mía hai vụ, chi xài tiết kiệm là có thể cất được căn nhà tường khang trang”, ông nhớ lại.Ông Lê Minh Đương, phó chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, cho biết hiện diện tích mía của địa phương còn 3.500ha, giảm 5.500ha so với năm 2010. Trong đó chỉ 1.700ha giống mía phục vụ các nhà máy đường, còn lại là mía ép nước. Nhưng diện tích mía nơi đây sẽ tiếp tục thu hẹp. Dọc tuyến lộ chính của huyện này, nhiều ruộng mía được chủ dựng cọc rao bán, nhiều rẫy mía bỏ hoang. Anh Huỳnh Văn Tấn (xã An Thạnh 2) được gia đình chia 6 công đất trồng mía, khi thương lái đến đo chữ đường rồi trả giá 400 đồng/kg, anh đành bấm bụng bán, lỗ trên 10 triệu đồng.“Vụ này tui không chăm sóc nữa, để mía mọc sinh thái cho đỡ cỏ dại, chờ khi nào mía có giá mới vô phân. Tui kêu nhiều người cho họ mượn đất để trồng mía, không lấy tiền, vậy mà chẳng ai ngó ngàng”, anh cho biết.Rẫy mía gần đó của anh Lâm Ngọc Vinh cùng số phận. “Vợ tui kêu chuyển qua trồng rau màu, nhưng nói thiệt gần 40 năm nay quen với cây mía, bỏ nó thấy buồn. Giờ tui cũng không chăm sóc nữa, còn bao nhiêu thu hoạch bấy nhiêu”, anh Vinh cho biết. Không trồng mía, anh Vinh chạy xe ôm, ngày nào có khách kiếm được trên 200.000 đồng, đủ trang trải cho bốn miệng ăn cả nhà.Không hiệu quả, nhiều rẫy mía bị “bỏ hoang”, thiếu chăm sóc nên mọc như da beo. Ảnh: K.TÂMRút cây mía khỏi vai chủ lựcỞ Hậu Giang - nơi từng có diện tích trồng mía lớn nhất vùng ĐBSCL (đỉnh cao lên tới 13.000-14.000ha), diện tích trồng mía giảm từng năm, niên vụ 2019-2020 chỉ còn 5.400ha mía. Cây mía không còn là cây trồng chủ lực của địa phương này nữa. Long An cũng giảm mạnh diện tích trồng mía, niên vụ mía này chỉ còn 481ha, bằng 10,8% so với niên vụ trước.Tại Sóc Trăng, vùng nguyên liệu sản xuất mía cũng giảm nhanh qua các năm: 8.400ha (năm 2017) xuống 4.800ha (năm 2019) và 2.400ha (năm 2020). Năm 2021 dự kiến còn dưới 2.000ha. Thủ phủ mía đường Tây Ninh từng có trên 40.000ha, nay chỉ còn khoảng 14.000ha. Theo Hiệp hội Mía đường VN (VSSA), niên vụ 2019-2020, sản lượng đường sản xuất trong nước chỉ đạt 913.397 tấn, giảm 405.979 tấn (34,58%) so với vụ trước. Trong đó đường sản xuất từ mía chỉ đạt 767.954 tấn, còn lại là sản xuất từ đường thô nhập khẩu (145.443 tấn). Sau 20 năm, ngành mía đường lại quay về điểm xuất phát.Từ 10 nhà máy, nay ĐBSCL chỉ còn ba nhà máy đường hoạt động, trong đó Hậu Giang góp một - là Nhà máy đường Phụng Hiệp. Sản lượng sản xuất của ba nhà máy đường giảm 50% so với niên vụ trước, niên vụ 2019-2020 dự kiến chỉ là 30.000-35.000 tấn đường.Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), niên vụ 2019-2020 tổng diện tích trồng mía là 182.599ha, giảm 18,4% so với niên vụ trước. Sản lượng mía nguyên liệu đưa vào chế biến chỉ đạt trên 7,6 triệu tấn (kế hoạch dự kiến là 9,75 triệu tấn). Đây là niên vụ có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất 19 năm qua.Trên bình diện toàn quốc, từ 40 nhà máy mía đường, nay Việt Nam chỉ còn 29 nhà máy hoạt động. Bốn nhà máy đường nữa đang đứng trước dự kiến đóng cửa (Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong) do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, hoạt động không hiệu quả.■ Tags: Mía đườngNgười trồng mía lao đaoMía đắngGánh nặng cây míaGiá mía giảm
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
TP.HCM thưởng Tết cao nhất 1,9 tỉ đồng từ một doanh nghiệp vốn nước ngoài VŨ THỦY 23/12/2024 Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM về tình hình trả lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, mức thưởng Tết cao nhất năm nay là 1,908 tỉ đồng từ một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Chính thức: Trả gộp lương hưu 2 tháng đầu năm 2025 trước Tết HÀ QUÂN 23/12/2024 Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thông báo về chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội gộp 2 tháng đầu năm 2025 trước Tết Nguyên đán.
Người phụ nữ trong clip đẩy thùng rác ra giữa đường Nha Trang rồi lái xe hơi bỏ đi nói gì? NGUYỄN HOÀNG 23/12/2024 UBND phường Tân Tiến (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đang xác minh để xử lý theo đúng quy định vụ một phụ nữ đẩy thùng rác ra giữa đường rồi lái xe đi.
CNN, AFP đăng tin sự kiện metro đầu tiên tại TP.HCM là 'thành tựu của thành phố' CÔNG KHẢI 23/12/2024 Tuyến metro đầu tiên tại TP.HCM được vận hành chính thức đã thu hút được sự quan tâm của báo chí quốc tế.