Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae In phát biểu trong chuyến thăm của ông Moon tại Nhà Trắng ngày 30-6-2017 - Ảnh: REUTERS
Giới chuyên gia đa số nhận định thành công của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều chỉ là bước đầu và quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo sẽ rất gian nan. Người gặp khó khăn nhất sắp tới không ai khác ngoài ông Trump.
Nói về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên Twitter là "những điều tốt đẹp đang diễn ra", nhưng kèm theo nhận định đầy thận trọng "chỉ thời gian mới cho câu trả lời".
Cái chuẩn cao hơn cho ông Trump
"Chiến tranh Triều Tiên sẽ chấm dứt! Nước Mỹ và tất cả người dân Mỹ vĩ đại sẽ rất tự hào về những gì hiện đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên" - nhà lãnh đạo Mỹ đăng trong một dòng tweet khác.
"Tuyên bố Bàn Môn Điếm" của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã đề cập tới cụm từ "phi hạt nhân hóa", nhưng lại không kèm theo chi tiết nào về tiến trình đạt được mục tiêu này.
Giới chuyên gia nhận định ông Trump sẽ là người lấp đầy khoảng trống "thiếu chi tiết" trên bằng cách đạt được một thỏa thuận với các điều khoản tốt hơn và có ý nghĩa hơn khi nhà lãnh đạo Mỹ gặp ông Kim vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.
"Đây chỉ là bước 1 trong 1.000 bước. Bước 1 đã diễn ra tốt đẹp nhưng đó chỉ là khởi đầu" - ông Harry Kazianis, giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm lợi ích quốc gia (CNI, Mỹ), nhận định trên tờ The Hill chuyên về chính trị của Mỹ ngày 28-4.
Những hình ảnh, những cử chỉ, và những tuyên bố được ghi nhận tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hôm 27-4 rõ ràng khác hẳn với những gì đã diễn ra cách đây một năm, khi bán đảo Triều Tiên chừng như đứng bên bờ vực chiến tranh.
Ông Kim Jong Un (trái) trò chuyện với ông Moon Jae In trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hôm 27-4 - Ảnh: REUTERS
Cuộc gặp kết thúc với tuyên bố chung nêu rõ hai miền cam kết "mục tiêu chung là đạt được một bán đảo Triều Tiên không hạt nhân, thông qua phi hạt nhân hóa hoàn toàn", đồng thời sẽ theo đuổi các cuộc gặp với Mỹ và Trung Quốc "nhằm kết thúc chiến tranh Triều Tiên và thiết lập hòa bình vĩnh viễn".
Khi bước 1 đã khép lại, áp lực tiếp tục đè nặng lên vai ông Trump trong bước 2. "Thượng đỉnh liên Triều đặt ra một cái chuẩn cao hơn cho cuộc gặp giữa ông Trump với ông Kim" - ông Abraham Denmark, giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson ở Mỹ, nhận xét.
Vị chuyên gia bình luận: "Liên minh Mỹ - Hàn có hi vọng và mong đợi cao về một thượng đỉnh tích cực. Và câu hỏi cơ bản nhất vào lúc này vẫn là: Dù đạt được thỏa thuận gì đi nữa, thì chúng ta sẽ thực thi và xác minh việc Triều Tiên thực hiện lời hứa như thế nào?".
Trump sẽ kiểm soát cuộc chơi bằng cách nào?
Trước đây, Triều Tiên từng hứa hẹn sẽ phi hạt nhân hóa. Bình Nhưỡng và Seoul đã ký một tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa vào năm 1992. Đến năm 1994, Triều Tiên ký "Thỏa thuận khung" với Mỹ. Nước này cũng từng đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân trong các cuộc đàm phán 6 bên hồi năm 2005.
Hai miền Triều Tiên còn tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh vào năm 2000 và 2007. Tuy nhiên, tất cả đều không đạt được tiến triển nào trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Để rồi Bình Nhưỡng cứ thử hạt nhân năm này qua năm khác, với tổng cộng 6 vụ cho tới tháng 9-2017.
"Chưa có lý do gì để có thể nhận định kết quả thượng đỉnh lần này sẽ khác với hai cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần trước, vốn không đem lại hòa bình và phi hạt nhân hóa" - ông Robert Manning, nhà nghiên cứu cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Mỹ, tỏ vẻ hoài nghi.
Ông Kim và ông Moon cùng hai phu nhân trong ảnh chụp lưu niệm. Họ đã có một ngày làm việc và gặp gỡ đáng nhớ - Ảnh: REUTERS
Hôm 27-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh rằng ông sẽ không để Triều Tiên "lừa" mình. "Nước Mỹ luôn chơi đẹp, như một cây vĩ cầm bởi vì các bạn có một lãnh đạo khác biệt. Chúng ta sẽ không bị đùa giỡn, được chứ? Một cách đầy hi vọng, chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận" - ông Trump phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Nhà Trắng.
Ông Moon Jae In dự kiến sẽ thông báo cho ông Trump về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vừa qua để nhà lãnh đạo Mỹ nắm bắt tình hình. Giới tình báo Mỹ hiện cũng đang thu thập các thông tin để "giải mã" ông Kim Jong Un, nhằm giúp ông Trump đưa ra chiến lược hợp lý trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới.
Bà Duyeon Kim - nhà nghiên cứu cao cấp tại Diễn đàn tương lai bán đảo Triều Tiên (KPFF) ở Seoul - nhận định việc đưa vào cụm từ "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" trong tuyên bố chung là một thắng lợi.
"Tuy nhiên không quan trọng liệu ông Kim có nghiêm túc hay không, vì cuộc chơi thật sự là giữa ông Kim và ông Trump về vấn đề hạt nhân", bà Duyeon Kim nói rõ.
Còn ông Kazianis đến từ Trung tâm lợi ích quốc gia (CNI, Mỹ) cho rằng với việc thượng đỉnh liên Triều kết thúc mà không kèm các điều kiện cứng rắn, chính quyền ông Trump ngay bây giờ cần thiết lập các điều kiện tiên quyết trước cuộc gặp thượng đỉnh, chẳng hạn nhất trí cho phép diễn ra các hoạt động giám sát chương trình hạt nhân ngay trên lãnh thổ Triều Tiên.
Vị chuyên gia đề xuất tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nên dùng các kênh liên lạc mà ông có được trong chuyến thăm Triều Tiên hồi đầu tháng 4 để thiết lập các điều kiện tiên quyết cho thượng đỉnh Mỹ - Triều. Hiện chiến lược duy trì áp lực tối đa lên Triều Tiên của Washington có thể xem là một bước đi đúng đắn.
Trên bề mặt là những phát biểu lấp lửng mang tính hồ nghi nhưng ông Trump lại cử giám đốc CIA Mike Pompeo (nay vừa là ngoại trưởng) sang Bình Nhưỡng gặp ông Kim Jong Un vào dịp cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua. Khi chuyến đi hoàn tất thì thế giới mới được biết đến - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận