Các điện thoại mà cảnh sát tìm thấy trong một căn hộ ở Thái Lan được nhóm người Nhật dùng để thực hiện các vụ lừa đảo - Ảnh: Kyodo
Hãng thông tấn Kyodo (Nhật) dẫn nguồn tin từ Cơ quan di trú Philippines ngày 14-11 cho biết: một nhóm 36 người đàn ông Nhật Bản vừa bị bắt giữ tại thủ đô Manila với cáo buộc tiến hành lừa đảo qua điện thoại với những người đang sống ở Nhật Bản.
Dựa trên thông tin được các cơ quan điều tra Nhật Bản cung cấp, nhà chức trách Philippines đã tiến hành vụ bắt giữ trên tại một khách sạn ở thủ đô Manila vào chiều 13-11. Các nghi phạm này đã được chuyển tới các cơ sở tạm giam.
Các nguồn tin cho biết nhóm này được cho là đã hoạt động tại nhiều địa điểm trên khắp Philippines.
Trước đó, cảnh sát Nhật Bản đã bắt 4 người tình nghi có liên quan đến đường dây lừa đảo này khi các đối tượng trở về nước.
Trong một vụ việc tương tự, đầu năm nay cảnh sát Nhật Bản đã phối hợp với Thái Lan bắt 15 người Nhật vì cáo buộc dính dáng tới một đường dây lừa đảo qua điện thoại nhắm tới những người đang sống trên khắp Nhật Bản. Họ hoạt động từ một căn hộ sang trọng thuê ở khu nghỉ dưỡng Pattaya của Thái Lan.
Thời điểm đó, đường dây này được cho đã lừa đảo hơn 200 người sống ở Nhật Bản, với số tiền lừa được là khoảng 220 triệu yen (2 triệu USD). Cảnh sát cho biết 9 người trong số này đã đến đảo Cebu của Philippines được một năm trước khi đến Thái Lan. Do đó, họ nghi ngờ nhóm này có thể cũng tham gia hoạt động lừa đảo từ Philippines.
Về thủ đoạn lừa tiền, các nghi phạm trên được cho là gọi điện cho nhiều người sống ở Nhật Bản, từ đảo Kyushu cho tới Hokkaido, rồi nói với các nạn nhân rằng các nạn nhân vẫn chưa trả phí đăng ký cho một website nào đó và bắt họ phải trả tiền qua mạng.
Những vụ lừa đảo như thế này không phải mới gần đây. Năm 2010, cảnh sát Nhật từng bắt một nhóm tội phạm chuyên lừa đảo qua điện thoại ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Hay hồi năm 2017, nhà chức trách Trung Quốc bắt 35 người Nhật vì nghi thực hiện âm mưu lừa đảo tương tự.
Cảnh sát cho biết các nghi phạm thường chọn những địa điểm có hạ tầng viễn thông tốt và sử dụng những loại điện thoại khó bị cảnh sát truy tìm dấu vết. Họ thường đổi chỗ liên tục khi cảnh sát tăng cường nỗ lực triệt phá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận