Đoàn tàu trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Nhằm góp thêm tiếng nói của người dân trong công cuộc chống lãng phí, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin trích đăng 1 số ý kiến phản hồi của bạn đọc và bài viết bạn đọc Phạm Văn Chung.
"Theo chỉ đạo, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã rà soát, tính toán lại tổng mức đầu tư đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 đơn giá. Sau rà soát thì tổng mức đầu tư được điều chỉnh giảm xuống còn 28.918 tỉ đồng.
Nếu không rà soát thì 1.000 tỉ đồng/km sẽ chảy vào đâu? Dân thì đóng thuế è cổ. Không biết trước nay có bao nhiêu công trình như vậy?
Ý kiến bạn đọc Nsthai
Như vậy, con số tính toán mới cho thấy mức đầu tư giảm 5.825 tỉ đồng, tương đương giảm khoảng 1.000 tỉ đồng/km.
Số liệu này không chỉ làm cho người dân mà cả các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, xây dựng bất ngờ.
Giả sử nếu không có đợt rà soát theo chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội thì ngân sách nhà nước thất thoát gần 6 ngàn tỉ đồng.
Đọc tít báo cứ tưởng báo đăng lộn, nếu không rà soát 5.800 tỉ đồng sẽ về đâu? Trời ơi 1km giảm 1000 tỉ sau rà soát, thanh tra lại chắc giảm nữa! Cò gì mà cò dữ!
Trích ý kiến bạn đọc Thêm Văn
Đây là số tiền rất lớn, có thể bằng thu ngân sách trong một năm của một tỉnh trung bình, đặc biệt hơn đây là triển khai xây dựng một đoạn đường sắt dài chỉ khoảng 6 km.
Vấn đề đáng nói nữa là chỉ bằng một thủ tục khá đơn giản là rà soát, tính toán lại cơ quan chức năng đã giảm được gần 6 ngàn tỷ đồng.
Vậy câu hỏi đặt ra là những người lập dự toán cho công trình trên có đủ năng lực? Dư luận nghi ngờ về hành vi cố tình nâng giá công trình lên hàng ngàn tỷ đồng để trục lợi, lợi ích nhóm trong vụ việc này?
Theo quan điểm cá nhân chắc chắn có sự khuất tất, không minh bạch của những người liên quan khi triển khai xây dựng dự toán chi phí công trình này.
Bởi vì, nếu là đơn vị tư vấn có năng lực thì rất khó có thể xảy ra chuyện chỉ với 6km đường sắt mà lại tính toán sai số lên đến gần 6 ngàn tỉ đồng!
Vì vậy, theo chúng tôi cơ quan chức năng cần sớm xem xét trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc lập dự toán chi phí công trình này.
Trước hết, cần xem xét, đánh giá lại năng lực dự toán, đáng giá, tính toán chi phí xây dựng công trình của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu… để có biện pháp xử lý, chấn chỉnh.
Tiếp đến là phải xác minh, điều tra nhằm xem xét trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc dự toán không đúng thực tế, nâng khống giá trị công trình nhằm trục lợi hay không.
Trường hợp phát hiện sai phạm, cố tình nâng khống giá trị để chiếm đoạt, trục lợi hoặc thiếu trách nhiệm gây thất thoát phải xử lý nghiêm.
Điều này góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng kê khống, nâng giá các công trình, dự án đầu tư công, sử dụng nguồn vốn nhà nước nhằm chiếm đoạt, gây thất thoát cho tài sản Nhà nước.
Đây cũng là biện pháp đấu tranh phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, khi các lĩnh vực này thường xảy ra tham nhũng, cố ý làm trái khá phổ biến trong thời gian vừa qua".
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có suy nghĩ gì về điều này? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận