21/01/2014 06:00 GMT+7

Sau phiên tòa, đợi nhiều nhà trẻ

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Câu chuyện hai cô bảo mẫu hành hạ trẻ em cuối cùng đã kết thúc bằng một phiên tòa lưu động và bản án nghiêm khắc. Hàng ngàn người dự khán, hàng triệu người theo dõi, thế nhưng tác dụng răn đe, phòng ngừa của bản án chưa biết sẽ đạt được đến đâu.

Còn nhớ, từ “tin tức ngực” của cô trông trẻ N. đạp vỡ tim em bé đến khi những hình ảnh rúng động của nhà trẻ Phương Anh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) được đưa ra dư luận chỉ hơn một tháng. Lần ngược lại nữa, những câu chuyện về các bảo mẫu khác, các cơ sở trông trẻ không đủ tiêu chuẩn, không giấy phép khác cũng không cách nhau bao xa về thời gian nhưng đó chỉ là phần nhỏ của những câu chuyện xảy ra hằng ngày ở các nhà trẻ tự phát và được đưa ra công luận.

Sau bản án nghiêm khắc với hai cô bảo mẫu, liệu các bà mẹ đã yên tâm mỗi sáng tiễn con đến trường và liệu các em bé đã có thể vui cười, không còn phải ăn cơm, cháo, uống muỗng sữa chan nước mắt? Câu trả lời vẫn còn ngắc ngứ ở đâu đó khi những con số thống kê cho thấy thực tế thật đáng ngại. Với dân số kể cả nhập cư đã trên 10 triệu người, nhưng số nhà trẻ công lập ở TP.HCM chỉ là 419, chăm sóc được hơn 160.000 trẻ. Có đến 15 khu công nghiệp, khu chế xuất và hàng trăm ngàn công nhân nhưng TP.HCM chỉ có duy nhất một nhà trẻ dành riêng cho con của công nhân với sức lưu giữ tối đa 150 trẻ... Còn hàng trăm ngàn em bé khác đành phải phó mặc cho các nhà trẻ ngoài công lập, các lớp, các nhóm tự phát trong khu dân cư. Ở các thành phố khác đang dần công nghiệp hóa, tình hình cũng tương tự. Đấy phải chăng chính là thách thức tạo điều kiện cho hành vi phạm tội?

Sau vụ việc đau lòng, bóng tối đang được xua đi. Ba trường mầm non ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung 1 đã được triển khai; các đề xuất về hỗ trợ quỹ đất, trích thuế doanh nghiệp để xây dựng các công trình xã hội như nhà lưu trú, trường mầm non trong các khu công nghiệp đã được xem xét, phê duyệt...

Những động thái đáng mừng nhưng còn chậm, còn ít, chưa thể đáp ứng nhu cầu quá lớn của các gia đình, các tổ ấm đang hình thành trong các khu công nghiệp tập trung rất nhiều người trẻ. Nhưng chẳng biết làm sao hơn, người lao động đành phải thở dài: “Có còn hơn không”. Vì nghèo, bao giờ họ cũng chịu nhiều thiệt thòi. Thế nhưng, họ lại là người trực tiếp làm ra sản phẩm cho xã hội. Vì thế họ có quyền đặt câu hỏi, có quyền đòi hỏi, trước hết là đòi hỏi cho con của mình, tương lai của xã hội. Mà những đòi hỏi ấy cũng chẳng nhiều nhặn gì, chỉ là những ngày đến trường vui vẻ, thời thơ ấu bình an.

Năm mới đến với biết bao hứa hẹn, lời hứa nào sẽ được thực hiện dành cho những em bé con của các công nhân trẻ? Đó là điều cần được chờ đợi nhất sau câu chuyện ở nhà trẻ Phương Anh chứ không phải là những bản án tù cho các cô bảo mẫu.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên