Yêu cầu cốt lõi của đề suy cho cùng không mới khi học sinh trình bày suy nghĩ, quan niệm cá nhân về lối sống nhân bản, đậm tình người, “lối sống của một trái tim không tật nguyền”. Nhưng cách gợi ra đề bài, sự liên kết sự kiện của đề thi đã tạo ra những náo nức đặc biệt với người dự kỳ thi và cả người biết đến đề thi qua những chia sẻ trên Facebook và mạng Twitter.
Bấy lâu, nền giáo dục vẫn bằng lòng với câu chuyện thi cử cũ kỹ. Một số tác giả chương trình và sách giáo khoa ngữ văn phổ thông thừa nhận cuộc cải cách năm 2000 với thế hệ sách giáo khoa hiện đang dùng không đạt như mong muốn. Mục tiêu cuộc cải cách từ mười năm trước là dạy cho học sinh cách đọc, cách khám phá, giải mã tác phẩm, chứ không để mãi cảnh thầy giảng văn hay cho trò nghe. Nhưng rồi cách ra đề vẫn cũ, vẫn bám vào từng tác phẩm nên cách học, cách dạy không chuyển biến gì. Học sinh quá quen với chuyện đề văn gắn với tác phẩm cụ thể.
Những đề nghị luận nếu có cũng chỉ quanh quẩn chuyện “trình bày suy nghĩ” về đức tính này, đức tính kia mà thiếu đi những dẫn chứng đời thường. “Đề văn ra cái gì” thậm chí trở thành mệnh đề cho cả xã hội khi ngỏ ý quan tâm đến chuyện thi cử của con em mình. “Cái hay, cái đẹp” tác phẩm cũng nghiễm nhiên là dấu ấn chỉ điểm phổ biến cho nhiều đề thi quốc gia như tuyển sinh ĐH, tốt nghiệp THPT...
Chuẩn bị cho mùa tuyển sinh 2012, PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình - hiệu trưởng ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) - tâm sự làm thế nào có kênh, có bài thi kiểm tra trình độ tiếng Việt cho thí sinh ngành công nghệ, vốn chỉ chuyên chú ba môn “toán, lý, hóa” mà chẳng ngó ngàng gì đến câu chữ. Hậu quả nhỡn tiền là dù có sản phẩm thiết kế riêng, nhưng việc diễn giải cho công nghệ đó vốn không cần nhiều từ ngữ vẫn luôn lủng củng, tối nghĩa, thậm chí ngô nghê. Sự trăn trở của người đứng đầu trường ĐH chuyên về công nghệ thông tin là có thật khi nhiều sinh viên không diễn đạt nổi ý tưởng của mình.
Song nếu soi vào những bài văn hay, lạ, tạo cảm xúc cho xã hội, làm bừng lên sinh khí mạnh mẽ về những bài học cuộc đời thấm thía ở mỗi cá nhân, bất ngờ thay, tác giả lại không hề có gốc gác văn chương. Hà Minh Ngọc với “bài học sâu sắc, ý nghĩa của cuộc sống tặng cho em” vốn là “dân” chuyên hóa, Nguyễn Trung Hiếu với bức thư gửi mẹ đong đầy yêu thương diễn giải “quan điểm vai trò của đồng tiền trong cuộc sống” học chuyên lý... Mới hay, đề văn có giá trị vô cùng to lớn trong việc khơi nguồn cảm hứng, bộc lộ cá tính và khả năng văn chương ở mỗi người.
Đề văn của cô giáo Trương Thị Mỹ Phượng đã giúp văn học bám sát với cuộc sống, với định hướng tư tưởng xã hội. Đó chính là cái mà lâu nay chúng ta buông lỏng, bỏ mặc giới trẻ chới với giữa những mắt xích giáo dục rời rạc nhà trường - gia đình - xã hội. Với lối ra đề phát huy sáng tạo của học trò, cô giáo Phượng và một vài đồng nghiệp khác đã làm hết chức phận của mình, thậm chí đã hơi “xé rào” khi thoát ly khỏi chương trình.
Nhưng sau đề thi rất đẹp đó, vẫn còn nguyên mối lo văn học nhà trường sẽ đi về đâu, làm sao chủ trương văn học bám sát cuộc sống mà không nặng nề? Cái lo ấy chắc phải thành cái lo của những chuyên gia, người quản lý giáo dục để thúc đẩy quyết tâm mạnh mẽ và dứt khoát hơn trên lộ trình cải cách giáo dục vốn đang trì trệ. Đó hẳn là mong mỏi tha thiết của xã hội sau những đề văn đẹp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận