Quá kinh khủng!
Bạn đọc Peter Phan đã thốt lên như trên khi xem thông tin về vụ tai nạn. Bởi theo bạn đọc Phan, đi xe máy mà gây tai nạn thì quá lắm chỉ bị thương một hoặc hai người. Còn đi ô tô mà gây tai nạn thì khỏi nói.
"Vấn đề này đang xảy ra ở nhiều quốc gia phát triển, tôi đề nghị chính quyền học hỏi và hạn chế ô tô trong nội đô.
Ai muốn che mưa che nắng thì đi phương tiện công cộng, còn lâu lâu mới cần đi thì thuê taxi. Khuyến khích người dân đi các phương tiện nhỏ gọn phù hợp với không gian đô thị Hà Nội nếu muốn dùng phương tiện cá nhân", bạn đọc Peter Phan nêu quan điểm.
Cũng đánh giá về vụ tai nạn, bạn đọc Quang Phạm thốt lên: Thật khủng khiếp! Đã có quá nhiều vụ tai nạn tương tự như này. Vậy phải tìm biện pháp, siết lại công tác đào tạo lái xe để tránh vụ việc đáng tiếc tương tự xảy ra.
"Thật sự là vô cùng khủng khiếp. Tài xế 63 tuổi chưa phải là quá già nhưng nên để cho người có sức khỏe, minh mẫn hơn cầm lái cho", bạn đọc Trịnh Hà HN cũng bày tỏ.
"Tôi nghĩ rằng, ở tuổi U70, nên nghỉ ngơi tận hưởng những gì trời cho, đi đâu thuê lái xe hoặc đi xe taxi. Mấy bữa trước một ông "thất thập cổ lai hy" còn gây tai nạn giao thông ở Hà Giang. Thua!", bạn đọc Hùng nêu ý kiến.
Cần siết lại đào tạo lái xe
Ngoài những ý kiến trên, rất nhiều bạn đọc cho rằng cần xem lại công tác đào tạo lái xe. Bởi thời gian gần đây, rất nhiều vụ tai nạn xảy ra vì tài xế lộn chân ga với chân thắng.
Sở dĩ có tình trạng đó xảy ra nhiều, theo bạn đọc Nguyễn Thế Sơn: "Vẫn là công tác đào tạo lái xe!".
Thế nhưng bạn đọc Peter Phan lại viết: Không hẳn tất cả là do việc học bằng lái, đào tạo lái xe. Bởi theo bạn đọc này, càng nhiều người sử dụng xe ô tô thì xác suất tai nạn càng cao.
Không đồng tình với Peter Phan, bạn đọc Nguyen Nguyen phản hồi: Tôi ở Mỹ 20 năm mới nghe một trường hợp "xe điên" kiểu này.
Đó là do ông cụ 93 tuổi lao vào chợ trời. Tai nạn xảy ra cũng nhiều, nhưng không bao giờ tôi nghe tài xế đạp nhầm chân ga với chân thắng.
"Rất mong cơ quan công an cần kiểm tra rõ ràng các loại giấy tờ liên quan như bằng lái xem liệu vị tài xế này có đạt chuẩn hay chưa? Nếu có vi phạm cần phải xử lý thật nặng để làm gương", bạn đọc Sonpham đề xuất.
Cùng nói về thực trạng, bạn đọc Đức kể: Trước đây tôi đi học lái xe. Do cũng có "quen biết" nên thầy nói cứ đi học tượng trưng, thầy sẽ bao đậu cho.
Tôi đã trả lời rằng mình học lái xe để chở vợ con và đã lái xe phải an toàn cho cả mình và người xung quanh trên đường. Do đó tôi đã yêu cầu thầy dạy đủ giờ trên sân cũng như đường trường.
"Thâm chí tôi còn thuê xe của thầy để chạy đường trường thêm cho quen. Tôi thấy rất nhiều người vì lý do này nọ mà chỉ học thực hành lái xe qua loa, sau đó lo để lấy bằng. Các thầy đào tạo lái xe như thế là thua!
Đào tạo lái xe như thế ra đường chạy, nhất là trong những thành phố đông đúc, gặp tình huống bất ngờ trên đường thì không đạp nhầm chân thắng với chân ga mới lạ", bạn đọc Đức quả quyết.
Bạn có đồng ý với những ý kiến trên? Theo bạn cần siết lại công tác đào tạo lái xe để người học lấy bằng lái học thực chất và người dạy cũng làm tròn trách nhiệm của mình?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn đọc gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận