Từ ngày 1-7, chủ tịch UBND phường có thể ủy quyền cho công chức hộ tịch - tư pháp ký sao y, chứng thực - Ảnh: TỰ TRUNG
Ngày 7-4, TP.HCM triển khai thực hiện nghị định 33 năm 2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành nghị quyết 131 năm 2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.
Theo ông Trần Anh Tuấn - thứ trưởng Bộ Nội vụ, nghị định 33 quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM có nhiều nội dung mới so với quy định hiện hành.
Về tổ chức, chính quyền TP.HCM tại 16 quận và TP Thủ Đức sẽ chỉ còn một cấp chính quyền là UBND TP.HCM, còn UBND cấp quận và phường sẽ trở thành cơ quan hành chính trên địa bàn quận, phường.
Điều này khác so với 5 huyện còn lại trên địa bàn TP và các địa phương khác trong cả nước: có chính quyền ba cấp là tỉnh, huyện và xã.
Sau ngày 1-7, UBND quận chỉ là cơ quan hành chính của UBND TP.HCM. Trong ảnh: người dân thực hiện thủ tục hành chính tại UBND quận Tân Phú - Ảnh: TỰ TRUNG
Vì chỉ là cơ quan hành chính của UBND TP.HCM nên UBND các quận và phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, chủ tịch UBND quyết định và tự chịu trách nhiệm (một số nhiệm vụ của chủ tịch UBND quận, phường phải được thảo luận tập thể trước khi chủ tịch UBND đưa ra quyết định cuối cùng).
Chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện sao y, chứng thực chữ ký trong các loại giấy tờ để giải quyết kịp thời nhu cầu của người dân. Hiện nay, việc sao y, chứng thực tại các phường, xã phải do chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND phường, xã ký.
Trong chính quyền đô thị, chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường, quận cũng sẽ chuyển sang chế độ công chức, do chủ tịch UBND TP.HCM bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác… (khác với hiện nay chủ tịch UBND phường, quận là cán bộ dân cử, được HĐND cùng cấp bầu, miễn nhiệm).
Nghị định 33 cũng có những quy định bước đầu thống nhất về chế độ công vụ công chức giữa UBND quận, phường với TP. Theo đó, công chức cấp phường sẽ thuộc biên chế công chức của UBND các quận, do UBND quận quản lý, sử dụng.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết đây là bước chuyên nghiệp hóa, chính thức hóa công chức cấp xã, phường vốn lâu nay chưa được xem là công chức chính thức. Hiện các công chức cấp xã, phường nếu muốn thành công chức cấp huyện phải trải qua việc thi tuyển công chức.
Văn phòng HĐND và UBND các quận, phường sẽ chỉ còn là văn phòng UBND quận, phường. HĐND TP.HCM sẽ nhận thêm nhiệm vụ của HĐND cấp quận và phường. Các ban của HĐND TP có một ủy viên hoạt động chuyên trách và ủy viên này được hưởng phụ cấp chức vụ bằng trưởng phòng cấp sở.
Theo nghị định 33, biên chế bình quân của UBND phường là 15 người. UBND quận được phân biên chế dựa trên số lượng của phường trên địa bàn. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận được toàn quyền phân số lượng biên chế về mỗi phường tùy theo tình hình thực tế, nhưng tổng biên chế cấp phường trên toàn quận không được vượt quá số biên chế đã được phân.
UBND TP.HCM có thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Tuy nhiên, chủ tịch UBND TP.HCM có thể phân cấp hoặc ủy quyền cho chủ tịch UBND quận tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
Để bảo đảm công khai, minh bạch, các quyết định của chủ tịch UBND quận và phường đều được công khai trên cổng thông tin điện tử. Định kỳ, các vị chủ tịch của hai cấp hành chính này phải đối thoại với người dân, cộng đồng dân cư và tổ dân phố.
Về nguồn lực, UBND TP.HCM được quyết định tỉ lệ điều tiết ngân sách phù hợp đối với TP Thủ Đức để bảo đảm nguồn lực cho TP Thủ Đức thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội. TP Thủ Đức được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận