Vợ chồng tôi vốn ở quận H., Đà Nẵng nhưng đã ly hôn được vài tháng. Khi ly hôn, chúng tôi thỏa thuận để hai con (sinh năm 2018 và 2020) cho vợ nuôi dưỡng, tôi chu cấp 10 triệu đồng/tháng, đồng thời thuê nhà cho vợ cũ và con ở với điều kiện phải để các con sống, học hành ở Đà Nẵng. Nếu vi phạm, tôi sẽ giành lại quyền nuôi con.
Vừa qua, vợ cũ của tôi mang con về quê và chuyển trường luôn cho con về đó, trong khi cô ấy không có việc làm. Vậy tôi có thể yêu cầu giành lại quyền nuôi con không, thủ tục thế nào?
Một bạn đọc gửi câu hỏi đến Tuổi Trẻ Online.
Luật sư NGUYỄN ANH TUẤN - Đoàn luật sư Đà Nẵng - trả lời:
Việc giành lại quyền nuôi con sau ly hôn là việc thay đổi người trực tiếp nuôi khi đã có bản án/quyết định của tòa án.
Để được giải quyết, người mong muốn giành lại quyền nuôi con sẽ nộp đơn khởi kiện cùng chứng cứ kèm theo đến tòa án nhằm giải quyết và công nhận quyền nuôi con theo yêu cầu khởi kiện quy định tại Luật hôn nhân và gia đình.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ:
Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con.
Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Bạn phải chứng minh vợ cũ không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (về mặt sức khỏe, tinh thần, học tập…) hoặc vi phạm thỏa thuận giữa hai bên.
Mặt khác, bạn phải chứng minh mình có đủ điều kiện để đảm bảo quyền lợi về mọi mặt cho con hơn vợ cũ thì tòa án sẽ căn cứ vào những nội dung trên ra phán quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Tuy nhiên, quá trình ra phán quyết, tòa cũng xem xét nguyện vọng đối với con từ đủ 7 tuổi trở lên.
Trường hợp con thứ hai của bạn nếu còn dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao trực tiếp cho mẹ nuôi, trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp hơn với lợi ích của con.
Thủ tục giành lại quyền nuôi con khi đã có bản án tòa án được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự như sau:
+ Hồ sơ khởi kiện: Gồm đơn khởi kiện, bản sao căn cước công dân, bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật về việc ly hôn; bản sao giấy khai sinh của các con; thỏa thuận của vợ chồng về việc chăm sóc con (nếu có); chứng minh thu nhập, nơi ở… nộp tại TAND quận H.
+ Khi tòa án xác định đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí.
+ Nộp tiền tạm ứng án phí tại Chi cục Thi hành án dân sự quận và mang biên lai về nộp lại cho tòa án.
+ Tòa án thụ lý vụ án và thông báo cho các bên được biết, sau đó tiến hành các phiên hòa giải, công khai giao nộp chứng cứ. Nếu các bên hòa giải thành, tòa sẽ ra quyết định để công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Nếu hòa giải không thành, tòa sẽ xem xét để đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm theo quy định và ban hành bản án. Nếu không đồng ý với bản án, các bên có quyền kháng cáo trong thời hạn luật định.
Theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự, thời hạn giải quyết đòi lại quyền nuôi con từ 4-6 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận