Tiến sĩ Hoàng Thị Kim Dung - người quyết tâm sinh con bằng tinh trùng của người chồng đã mất vì tai nạn - trong phim tài liệu Mầm sống - Ảnh: ĐPCC |
Tôi mừng vì các chủ rạp đã mở cửa tiếp phim tài liệu. Làm phim tài liệu vốn khó khăn, vất vả, lại thiếu đầu ra, vì thế người làm phim rất dễ nhụt chí. Lần này Đáng sống ra rạp hi vọng có thể tiếp thêm động lực để anh em không bỏ nghề |
Đạo diễn Đặng Hồng Giang |
Phim tài liệu có mặt tại hệ thống rạp chiếu lớn vẫn là hiện tượng hiếm hoi ở Việt Nam. Trước đó, một trong những dấu ấn đáng nhớ là bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm gây cơn “sốt nhẹ” tại một số rạp chiếu và được chọn vào chương trình CGV Art House dành cho những phim nghệ thuật, kén khách (Một cái nhìn chân thành và vài khoảnh khắc bỏ lỡ, Tuổi Trẻ Cuối Tuần, tháng 12-2014).
Lần này, chùm phim dài 90 phút Đáng sống có mặt trên 7 cụm rạp chiếu lớn thuộc hệ thống BHD Cineplex tại TP.HCM và một cụm rạp mới khai trương của BHD tại Hà Nội. Ngoài ra, phim cũng được trình chiếu tại cụm rạp Tháng Tám (Hà Nội) với tối thiểu ba suất chiếu mỗi ngày.
Chùm phim Đáng sống có cơ hội tiếp cận khán giả một phần là nhờ sự “tiếp lửa” của Lửa Thiện Nhân (Nhóm “lửa Thiện Nhân”, Tuổi Trẻ ngày 19-10-2015). Một năm trước, bộ phim tài liệu này đã tạo được hiệu ứng lan tỏa tích cực trong khán giả khi có mặt tại các cụm rạp ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.
Giống như Lửa Thiện Nhân, Đáng sống thuộc dòng phim tài liệu hiện thực. Chùm phim gồm ba tác phẩm là Mầm sống, Đáng sống và Một con đường.
Những thước phim đầu tiên của phần phim Đáng sống về nhân vật Tăng A Pẩu ở Quảng Trị được đạo diễn Đặng Hồng Giang quay trong quá trình về Quảng Nam làm phim Lửa Thiện Nhân.
Đạo diễn Đặng Hồng Giang gọi “mỗi câu chuyện là một lối thoát”. Nếu như Mầm sống là câu chuyện về cô tiến sĩ Hoàng Thị Kim Dung quyết tâm sinh con bằng tinh trùng của người chồng đã mất vì tai nạn (Thành tựu của tình yêu và y học, Tuổi Trẻ ngày 29-12-2013), thì Đáng sống kể câu chuyện về doanh nhân Tăng A Pẩu phát hiện mình bị ung thư đã chọn cách dành những năm tháng còn lại cho niềm say mê nhiếp ảnh và tình yêu thiên nhiên.
Ông Tăng A Pẩu trong phim Đáng sống - Ảnh: ĐPCC |
Riêng Một con đường kể câu chuyện về người nông dân Nguyễn Ngọc Triệu sống bằng nghề rà phá bom mìn. Trong trailer của bộ phim, câu nói của nhân vật: “Dân ở làng tôi thấy bom là họ mừng rồi” gợi đến cho người xem về những sự lựa chọn giữa hiện thực còn nhiều ngổn ngang, ẩn họa.
Ông Nguyễn Ngọc Triệu trong phim Một con đường - Ảnh: ĐPCC |
Buổi ra mắt chùm phim tài liệu Đáng sống diễn ra tại Hà Nội vào sáng 18-11, với sự có mặt của đạo diễn Đặng Hồng Giang và nhân vật chính trong hai phim Mầm sống và Một con đường.
Thách thức không nhỏ Theo thỏa thuận của đạo diễn Đặng Hồng Giang với các hệ thống rạp, Đáng sống được trình chiếu bình đẳng như những phim truyện khác. Với phần hậu kỳ được Pixel Garden hỗ trợ, được đầu tư kỹ càng hơn Lửa Thiện Nhân, mức giá vé của phim Đáng sống tương đương những bộ phim truyện Việt Nam và phim nhập khẩu khác mới ra rạp. Đây có thể là thách thức không nhỏ với một bộ phim tài liệu vì trong thời điểm này, các rạp chiếu có sự xuất hiện của hàng loạt bộ phim đình đám như Max Steel, The Whole Truth... và đặc biệt là “bom tấn” Fantastic Beasts and Where to Find Them cùng ra rạp ngày 18-11. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận