PGS.TS Đồng Văn Hệ - giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), cho biết sau lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người - Cho đi là còn mãi" ngày 19-5 vừa qua, đến nay đã có thêm gần 10.000 người đăng ký hiến mô, tạng; nâng số người đăng ký hiến tạng sau khi chết/chết não lên gần 96.000 người.
"Những con số này cho thấy phong trào đăng ký hiến mô, tạng đã lan tỏa. Tuy nhiên so với nhiều nước có tương đồng về văn hóa trong khu vực, tỉ lệ người đăng ký tham gia hiến mô, tạng của Việt Nam vẫn thấp.
Cùng đó, tỉ lệ hiến mô tạng của người cho chết não tại Việt Nam cũng thấp, có đến 94% người hiến mô, tạng là người cho sống", ông Hệ nói.
Theo ông Hệ, hiện nay nước ta có hơn 60 bệnh viện tham gia vào mạng lưới vận động hiến mô, tạng, với dân số hơn 100 triệu dân. Trong khi đó, đất nước ngay cạnh Việt Nam là Malaysia, dù chỉ có 34 triệu dân nhưng có đến 156 bệnh viện tham gia vào mạng lưới vận động hiến mô, tạng.
"Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng mạng lưới các bệnh viện tổ chức đăng ký hiến mô, tạng và vận động hiến mô, tạng với những trường hợp chết não, phấn đấu làm sao mở rộng càng nhiều càng tốt, để nâng số người đăng ký hiến mô tạng và vận động người cho chết não", ông Hệ chia sẻ.
Cách đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết/chết não
Theo các quy định hiện hành, công dân đủ 18 tuổi và đủ năng lực hành vi dân sự có thể đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi chết hoặc chết não. Để đăng ký hiến mô tạng, người dân có thể làm theo hai cách:
- Cách thứ nhất:
Sau khi in đơn theo mẫu do Trung tâm Điều phối ghép quốc gia (được đăng tải trên website của trung tâm), người đăng ký điền theo mẫu, gửi tới trung tâm kèm theo 1 ảnh thẻ (không yêu cầu kích cỡ), 1 bản photo thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu (không cần công chứng) tới địa chỉ: Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia; phòng 230, nhà C2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; số 40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trên bì thư ghi số điện thoại người nhận: 0915060550.
Đối với cách này, dù người đăng ký ở tỉnh, thành nào trong cả nước đều có thể thực hiện.
Việc gửi thẻ qua đường bưu điện có thể gặp một số trục trặc, vì người đăng ký thay đổi nơi ở, ghi nhầm địa chỉ hoặc có người nhận hộ nhưng họ không báo lại... Vì vậy, trung tâm kính mong các cá nhân sau khi gửi đơn 4 tuần mà chưa nhận được thẻ hãy liên hệ với đường dây nóng của trung tâm để nhận thông tin phối hợp.
- Cách thứ hai:
Người đăng ký đến trực tiếp trung tâm để làm thủ tục theo địa chỉ: phòng 230 - nhà C2 - Bệnh viện Việt Đức (người đến đăng ký đi qua cổng cấp cứu tại phố Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Khi đến trung tâm, người đăng ký mang theo 1 ảnh thẻ (không yêu cầu kích cỡ), 1 bản photo thẻ căn cước công dân/hộ chiếu không cần công chứng.
Trung tâm làm việc theo giờ hành chính từ thứ hai đến thứ sáu và nghỉ lễ theo quy định chung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận