Tối 12-1, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo UBND phường Phú Diễn cho biết: "Sau khi báo Tuổi Trẻ đăng loạt bài phóng sự điều tra, ngày 11-1, tổ công tác của UBND phường Phú Diễn đến số 122 đường Phú Diễn kiểm tra.
Tuy nhiên trụ sở không còn hoạt động, chỉ có một nam nhân viên bảo vệ. Chúng tôi đã có văn bản báo cáo UBND quận Bắc Từ Liêm".
Ngày 12-1, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết đơn vị này đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã "xác minh, xử lý vi phạm nêu trong phóng sự điều tra của báo Tuổi Trẻ".
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra phòng chống thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc trên địa bàn.
Đặc biệt đối với quận Bắc Từ Liêm và quận Thanh Xuân (trụ sở đăng ký hoạt động và địa điểm kinh doanh của Công ty Hebrotek), khẩn trương kiểm tra, báo cáo Sở Y tế Hà Nội.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, ngày 11 và 12-1, trụ sở hoạt động của Công ty Hebrotek đóng kín cửa, không còn cảnh tấp nập cả trăm nhân viên chốt đơn, "chăm sóc" người bệnh như thời điểm tháng 10 và 11-2022.
Trước đó, ngày 26-12-2022, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có văn bản gửi Tuổi Trẻ cho biết qua rà soát, căn cứ vào các dữ liệu, đến ngày 23-12, đơn vị này chưa cấp giấy đăng ký lưu hành cho các sản phẩm có tên thuốc: Minh Mục Đan, Minh Mục Cao, Cao Tâm Phế Vương, Cửu Thập Tâm Lương, Huyết Mạch Tâm An, Tiêu U Giáp...
Đây là những loại thuốc dỏm đã được Tuổi Trẻ đề cập, phản ánh trong loạt phóng sự điều tra.
Theo Cục Quản lý dược, thuốc được phép lưu hành trên thị trường phải được cấp giấy đăng ký lưu hành theo quy định của Luật dược năm 2016.
Từ ngày 3-1 đến 6-1, Tuổi Trẻ đăng tải loạt bài phóng sự điều tra, phản ánh thông tin tất cả các hoạt động thổi phồng tác dụng của các loại thần dược giả ở Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hà Nội, đều dẫn đến một địa chỉ, đó là Công ty cổ phần dược phẩm quốc tế Hebrotek.
Giám đốc công ty này là ông Phạm Quốc Khánh (28 tuổi, quê ở xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình).
Theo hồ sơ, sau khi thành lập (ngày 22-5-2020), Công ty Hebrotek liên kết với Công ty TNHH đầu tư thương mại SHN Việt Nam và nhiều công ty khác mới lập, quy tụ cả trăm nhân viên chuyên đóng vai thầy thuốc, nhân viên tư vấn, chốt đơn, "chăm sóc" người bệnh, hoạt động theo các nhóm với tên ký hiệu: SHN, ADF, HPC, LDM, THC, VTD...
Không chỉ bán thuốc dỏm trục lợi, các nhóm này còn dọa nạt và dùng đủ mọi chiêu trò không có thật như giới thiệu liên kết với Bộ Y tế, tặng tiền, sổ bảo hiểm… để móc túi người bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận