Chiều 18-11, Trung tâm Báo chí TP.HCM tổ chức buổi gặp gỡ với ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard, hai trong ba người Thụy Sĩ từng treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên chóp tháp nhà thờ Đức Bà Paris năm 1969.
Sự kiện này đã để lại dấu ấn sâu sắc trong phong trào đấu tranh của quốc tế ủng hộ Việt Nam thời kỳ chiến tranh.
Động lực mạnh mẽ từ lương tâm
Chia sẻ với báo chí, ông Olivier cho biết quá trình 30 giờ để thực hiện việc treo cờ không hề đơn giản. Trong nhiều tháng, nhóm các ông khi đó là ba chàng trai đã nghiên cứu kỹ cấu trúc nhà thờ Đức Bà Paris, lên kế hoạch chi tiết để không bị phát hiện.
Họ khởi hành từ Luzern (Thụy Sĩ) vào 6h sáng, đến Paris lúc 18h cùng ngày. Để được lên tháp chuông nhà thờ, họ phải giả làm du khách. Ông Bernard quấn lá cờ 17m2 quanh người, trong khi ông Olivier mang theo một lưỡi cưa nhỏ để cưa các thanh sắt trong quá trình leo xuống.
“Khi leo lên đỉnh tháp, gió mạnh khiến chúng tôi khó khăn hơn, nhưng khoảnh khắc lá cờ tung bay đã chứng minh chiến thắng của chúng tôi”, ông Olivier kể lại và chiến thắng của họ đã tạo nên một sự kiện gây chấn động dư luận quốc tế.
Khi được hỏi về động cơ dẫn đến hành động táo bạo, ông Olivier chia sẻ rằng họ có ba mục tiêu.
Đầu tiên, chuẩn bị dư luận quốc tế cho sự xuất hiện của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Paris, làm "bẽ mặt" chính quyền Việt Nam cộng hòa, và gửi thông điệp phản đối Henry Kissinger (cựu ngoại trưởng Mỹ, cố vấn an ninh quốc gia của Hoa Kỳ vào thời điểm ký Hiệp định Paris).
Những năm 1960 là thời kỳ sôi nổi của những cuộc đấu tranh giành độc lập của các quốc gia thuộc địa, thời điểm đó đã hình thành lương tâm chính trị mãnh liệt trong ba chàng trai trẻ. Ông Olivier nhấn mạnh hành động của họ xuất phát từ tinh thần ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Bắt đầu một “cuộc chiến” tiếp nối
Hai người bạn Thụy Sĩ bày tỏ sự ngưỡng mộ trước tinh thần bất khuất của người Việt Nam. Ông Olivier dẫn lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Chiến thắng một cuộc chiến tranh dễ, xây dựng đất nước sau chiến tranh mới khó”.
Và sau những ngày đặt chân đến Việt Nam, họ nhận ra rằng Việt Nam làm được cả việc dễ và khó, không chỉ chiến thắng trong cuộc chiến, mà còn xây dựng đất nước ngày một phát triển hơn.
Trong chuyến thăm lần này, hai ông đặc biệt xúc động khi tận mắt chứng kiến hậu quả chiến tranh vẫn còn hiện hữu, chất độc da cam tiếp tục phá hủy thiên nhiên và con người Việt Nam.
“Những điều khiến chúng tôi phẫn nộ và quyết định bước vào một cuộc đấu tranh khác, chúng tôi sẽ đồng hành trong cuộc đấu tranh pháp lý của bà Trần Tố Nga chống lại các tập đoàn sản xuất hóa chất”, ông Olivier chia sẻ.
Hai người bạn Thụy Sĩ cho biết họ sẽ kể lại cho gia đình, bạn bè về những ngày đáng nhớ tại Việt Nam, về sự hiếu khách của người dân, sự tiếp đón nồng hậu của TP.HCM và nghị lực phi thường của đất nước này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận