Sâu keo mùa thu tại vườn bắp của một hộ dân ở xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom, Đồng Nai - Ảnh: A LỘC
Ngày 30-5, ông Nguyễn Tràng Thịnh, trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật Đồng Nai, cho biết toàn địa bàn đã phát hiện gần 280ha bắp bị sâu keo mùa thu (một loại động vật ngoại lai được đánh giá là gây hại nghiêm trọng) tấn công.
Theo ông Thịnh, lần đầu ghi nhận sự xuất hiện của keo sâu mùa thu tại một ruộng bắp ở huyện Định Quán vào ngày 3-5, với diện tích chỉ 1,5ha.
Tuy nhiên chỉ sau hơn 3 tuần, toàn tỉnh đã có 276ha bắp phát hiện loài sâu hại này, trải rộng ở nhiều huyện khác nhau bao gồm Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Thống Nhất và Tân Phú.
Trong số đó, huyện Cẩm Mỹ bị nặng nhất với trên 100ha bắp bị sâu keo mùa thu tấn công. Mức độ gây hại của sâu đối với cây trồng trung bình từ 5-20%, cá biệt có vườn bắp bị phá hủy 30-40% vụ mùa.
Lực lượng chức năng kiểm tra một cây bắp bị sâu keo mùa thu tấn công - Ảnh: A LỘC
Ông Sì Say Và - nông dân trồng bắp ở ấp Cây Điều, xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom - cho biết vụ mùa năm nay, gia đình ông xuống giống 6 sào bắp, đến nay đã hơn 1 tháng tuổi. Khi bắp được khoảng 30 ngày tuổi thì phát hiện giống sâu lạ tấn công và lan rất nhanh.
Mặc dù gia đình đã nhiều lần phun xịt thuốc nhưng chỉ giảm một ít, vẫn không tiêu diệt được loài sâu hại này .
"Giờ không biết cây có ra bông được không, nếu không được chỉ có thể chặt thân bán cho bò ăn", ông Và lo lắng.
Tương tự, 50% diện tích bắp của ông Giệp A Sáng cũng bị loài sâu này tấn công, phá hoại.
"Mặc dù chúng tôi đã được cảnh báo, phun các loại thuốc diệt trứng sâu nhưng vẫn không thể khống chế loại sâu bệnh này được. Với tình hình này, loại sâu bệnh này sẽ ngày càng lan rộng nhanh hơn và khó khống chế hơn", ông Sáng nhận định.
Theo ông Nguyễn Tràng Thịnh, sâu keo mùa thi có thể gây hại trên 300 loài thực vật khác nhau như bắp, lúa, đậu tương, mía, rau… ; trong đó, bắp là loài cây trồng ưa thích của loài sâu này.
Đặc biệt, giai đoạn 6 tuổi (lột xác 5 lần), loài sâu này cắn phá rất khỏe (cắn nát biểu bì, đọt lá khiến cây không quang hợp, sinh trưởng được), khả năng di trú trung bình 10km, nếu gặp gió có thể đi xa đến 100km.
Tuy nhiên, đến tuổi thành nhộng và bướm thì loài vật này không gây hại cây trồng.
Bắp bị sâu keo mùa thu phá hoại ngang thân - Ảnh: A LỘC
Trước sự nguy hiểm của loài sâu hại này, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đã có công văn đến các huyện, đơn vị trực thuộc cảnh báo, đồng thời chỉ đạo các huyện đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn cho nông dân nhận dạng sâu, sử dụng thuốc phòng trừ… theo quy trình của Cục Bảo vệ thực vật ban hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận