Một sinh viên Pháp làm bài kiểm tra tiếng Hàn Quốc tại Đại học La Rochelle. Ảnh: afp.com
Tiếng Hàn Quốc ngày càng thịnh hành
Trong năm 2022, Hàn Quốc là ngôn ngữ được học nhiều thứ 7 trên ứng dụng học ngoại ngữ Duolingo. Tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha vẫn giữ hai vị trí hàng đầu. Tiếng Hàn đặc biệt phổ biến tại Đông Nam Á và Nam Á. Hàn Quốc đang trở thành ngoại ngữ được học nhiều nhất tại Philippines và đứng trong nhóm đầu tại Thái Lan, Indonesia cùng Pakistan.
Mặc dù vẫn là ngôn ngữ được nói nhiều thứ hai trên thế giới, một phần nhờ vào quy mô dân số, tiếng Trung Quốc đã đứng ở vị trí thứ tám trên Duolingo trong vài năm qua, tụt hậu so với tiếng Hàn Quốc.
Tiếng Hàn là ngôn ngữ châu Á được học nhiều thứ hai trên Duolingo, chỉ sau tiếng Nhật. Duolingo với có hơn 500 triệu người dùng quốc tế.
Các chuyên gia và giáo viên cho rằng sự quan tâm ngày càng tăng vào tiếng Hàn là nhờ làn sóng Hàn Quốc, hay còn gọi là "hallyu" – sự phát triển của văn hóa Hàn Quốc trên phạm vi quốc tế. Hai thập niên qua, hàng xuất khẩu của Hàn Quốc đã càn quét thế giới, từ K-pop và phim truyền hình cho đến các sản phẩm làm đẹp, thời trang và thực phẩm. Từ điển tiếng Anh Oxford vào năm 2021 đã thêm hơn 20 từ có nguồn gốc từ tiếng Hàn.
Chính phủ Hàn Quốc đã bắt tay vào việc truyền bá ảnh hưởng văn hóa của đất nước thông qua âm nhạc và truyền thông kể từ những năm 1990. Giờ đây, tiếng Hàn có thể là mặt hàng xuất khẩu tiếp theo vươn ra toàn cầu.
Bà Joowon Suh, giám đốc Chương trình Ngôn ngữ Hàn Quốc tại Đại học Columbia (Mỹ) cho biết: "So với thời điểm tôi bắt đầu sự nghiệp của mình, nhận thức về đất nước Hàn Quốc, văn hóa và xã hội Hàn Quốc cũng như ngôn ngữ Hàn Quốc đã trải qua một sự thay đổi tích cực và đáng kể".
Trong nhiều thập niên, việc học ngôn ngữ các quốc gia Đông Á ở nước ngoài hầu hết chỉ giới hạn ở tiếng Quan thoại và tiếng Nhật. Nhưng điều đó đã bắt đầu thay đổi trong thập niên qua sau những hiện tượng của các nghệ sĩ và đạo diễn Hàn Quốc, chẳng hạn như bài hát "Gangnam Style" năm 2012 của Psy, phim điện ảnh "Ký sinh trùng" năm 2019, phim truyền hình "Squid Game" (2021) và nhóm nhạc nam BTS. Các số liệu cho thấy sự quan tâm đến tiếng Hàn Quốc tăng đột biến trong cùng thời kỳ. Theo Hiệp hội Ngôn ngữ Hiện đại, số lượng sinh viên theo học lớp tiếng Hàn tại các cơ sở giáo dục đại học ở Mỹ đã tăng vọt từ 5.211 vào năm 2002 lên gần 14.000 vào năm 2016.
Joowon Suh cho biết lần đầu tiên bà nhận thấy sự quan tâm tăng lên vào khoảng năm 2015 – nhưng nó đã tăng tốc trong ba đến bốn năm qua. Bà cho biết số lượng sinh viên trường Đại học Columbia đăng ký các khóa học tiếng Hàn đã tăng 50% từ năm học 2017 đến 2021.
Tương tự, tại Anh, số lượng sinh viên đại học tham gia các khóa học tiếng Hàn đã tăng gấp ba lần từ năm 2012 đến năm 2018, trong khi tiếng Trung chỉ tăng 5% và một số ngôn ngữ châu Âu lại sụt giảm như tiếng Pháp và tiếng Đức.
Bước nhảy vọt này rất ấn tượng vì tiếng Hàn không dễ học đối với những người không phải là người bản ngữ. Bộ Ngoại giao Mỹ liệt kê tiếng Hàn là "ngôn ngữ siêu khó", nghĩa là nó "đặc biệt khó" đối với người nói tiếng Anh và mất trung bình 88 tuần để đạt được trình độ ngôn ngữ chuyên nghiệp. Tiếng Hàn hiện đại tuân theo một bảng ký hiệu ngữ âm gọi là Hangul.
Nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc
Sự phổ biến gần đây của tiếng Hàn không phải là ngẫu nhiên bởi các nhà chức trách Hàn Quốc đã chớp lấy cơ hội để quảng bá ngôn ngữ của họ.
Trong thập niên qua, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã cử giáo viên ra nước ngoài, trong đó có vài chục giáo viên tới Thái Lan vào năm 2017 để dạy ngôn ngữ này tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông. Theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), trong những năm gần đây, nhiều quốc gia bao gồm Lào, Myanmar và Thái Lan đã chính thức sử dụng tiếng Hàn như một ngoại ngữ trong chương trình giảng dạy ở trường học, dựa trên các thỏa thuận đã ký với Bộ Giáo dục Hàn Quốc.
Trong khi đó, Viện King Sejong, một thương hiệu giảng dạy tiếng Hàn do chính phủ thành lập, đã hình thành 244 trung tâm trên toàn thế giới. Bộ giáo dục Hàn Quốc trong một thông cáo báo chí năm 2017 cho biết những nỗ lực này nhằm mục đích "duy trì sự quan tâm của tiếng Hàn ở nước ngoài, vốn đã trở nên phổ biến rộng rãi với làn sóng Hàn Quốc. Về lâu dài, môn học tiếng Hàn trong chương trình phổ thông sẽ là bước bồi dưỡng chuyên gia về Hàn Quốc, qua đó tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa Hàn Quốc với các nước".
Từ K-pop đến cơ hội nghề nghiệp
Các chuyên gia cho biết sinh viên có nhiều lý do khác nhau để theo đuổi tiếng Hàn. Bà Jiyoung Lee, trợ giảng tại Khoa Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học New York (Mỹ) nhận định sinh viên ở Đông Nam Á chủ yếu học tiếng Hàn để kiếm việc làm ở Hàn Quốc hoặc tại một công ty Hàn Quốc ở nước họ.
Yonhap nêu một số ví dụ như gã khổng lồ giải trí Hàn Quốc SM Entertainment đang mở rộng sang Đông Nam Á với trụ sở mới ở Singapore. Trong khi đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 của Hàn Quốc có hơn 180 cửa hàng tại Việt Nam và chuẩn bị xuất hiện tại Malaysia trong năm nay.
Ngày càng có nhiều thanh niên Đông Nam Á đến du lịch Hàn Quốc. Theo tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, sinh viên gốc Đông Nam Á chiếm hơn 40% sinh viên nước ngoài tại Hàn Quốc và 30% cư dân nước ngoài ở nước này nói chung.
Ông Jeffrey Holliday giảng dạy ngôn ngữ Hàn Quốc tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul (với các lớp dạy bằng tiếng Anh), cho biết khoảng 40% sinh viên của ông là sinh viên trao đổi, chủ yếu đến từ Mỹ. Ông nói, những sinh viên này thường là sinh viên chưa tốt nghiệp, chỉ ở Seoul trong một vài học kỳ. Trong khi đó, các sinh viên cao học nước ngoài của ông – những người có xu hướng học toàn thời gian và đang tìm việc làm ở Hàn Quốc – phần lớn đến từ Trung Quốc và Việt Nam.
Ông Holliday chia sẻ: "Đối với tôi, điều đó thật đáng ngạc nhiên vì khi tôi học đại học ở Mỹ từ năm 1999 đến năm 2003… không có ai học tiếng Hàn mà không phải là người gốc Hàn. Tôi là người duy nhất không phải là người Mỹ gốc Hàn. Trong khi hiện tại, những sinh viên này đến đây, họ rất tập trung, rất quyết tâm – họ thực sự muốn học tiếng Hàn và họ ở đây vì điều đó"./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận