Như vậy, sau hơn 20 năm thành phố mới có một liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp cho riêng mình.
Liên hoan Sân khấu TP.HCM có chủ đề Khát vọng phương Nam
Liên hoan được tổ chức nhằm thiết thực hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và mang chủ đề Khát vọng phương Nam.
Đồng thời thông qua đó để nhìn nhận lại hoạt động của sân khấu thành phố, tôn vinh những sáng tạo, những vở diễn hay, góp phần định hướng, nâng cao hơn nữa chất lượng các vở diễn…
UBND TP.HCM giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì thực hiện phối hợp cùng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Hội Sân khấu TP.HCM cùng một số sở, ban ngành.
Liên hoan lần này dành riêng cho kịch nói với các đơn vị kịch nói trong và ngoài công lập tại TP.HCM và một số tỉnh, thành khác.
Liên hoan sẽ diễn ra trong quý 4 năm 2024. Khai mạc và bế mạc tại Nhà hát TP.HCM, địa điểm dự thi chính thức của các đoàn tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (136 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM).
Nghệ sĩ thành phố chờ đón liên hoan
TP.HCM được xem là nơi có môi trường sân khấu hoạt động sôi nổi nhất cả nước nhưng chỉ có Liên hoan Sân khấu mùa thu (gồm các đơn vị ở TP.HCM và mở rộng ra khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) tổ chức vào năm 1998 và 2001.
Đến năm 2006, có thêm Liên hoan sân khấu xã hội hóa toàn quốc tại đây rồi từ đó gián đoạn.
Ông Trần Ngọc Giàu, chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, chia sẻ chúng ta có Liên hoan Kịch nói toàn quốc định kỳ 3 năm một lần.
Tuy nhiên, địa điểm tổ chức thường ở phía Bắc, trong khi các đơn vị kịch nói TP.HCM đa phần là xã hội hóa vì vậy họ khó khăn khi đầu tư kinh phí đi thi vì không có ai hỗ trợ.
Những đơn vị nào có đi thì cũng gói ghém nhân lực, cảnh trí, điều kiện kỹ thuật vật chất nên sản phẩm dự thi thường không thể hiện đúng thực lực.
"Ở nước ta, hai nơi có hoạt động kịch nói mạnh nhất là TP.HCM và Hà Nội. TP.HCM được chú ý vì mạnh về số lượng đơn vị lẫn thực tế hoạt động, có khán giả, có nhu cầu thật…
Thế nên, việc có một liên hoan sân khấu mang dấu ấn thành phố là điều người làm nghề mong mỏi và hợp lý" - ông Giàu nói.
Ông Giàu cũng cho biết thêm ngày xưa ít đơn vị kịch nói nên liên hoan mở rộng cho nhiều loại hình như kịch nói, cải lương… Giờ chỉ gói gọn kịch nói bởi tính sơ sơ các đơn vị tham gia có thể đạt đến gần 30 đoàn, nhóm kịch.
Ông Giàu nhấn mạnh: "Hy vọng liên hoan này sẽ tạo được "thương hiệu" riêng để có thể tổ chức định kỳ và được người làm nghề, khán giả chờ đợi".
Đại diện Nhà hát kịch Idecaf cho biết: "Chúng tôi muốn hòa chung không khí hội hè cùng anh em bạn nghề trong những ngày thành phố hướng tới kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, hoàn toàn thống nhất đất nước.
Chỉ cần các đơn vị sân khấu thành phố và các tỉnh bạn cùng gặp gỡ, biểu diễn, trao đổi nghề trên tinh thần vui vẻ là được rồi, không đặt nặng giải thưởng".
Đơn vị này cho biết dự kiến đưa vở Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử đến với liên hoan.
NSND Mỹ Uyên của Nhà hát kịch 5B cũng đang chuẩn bị vở kịch Đồng chí của tác giả Lê Thu Hạnh để thi thố cùng bạn nghề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận